• Zalo

Doanh nghiệp 'khủng', dự án lớn, môi trường làm việc vẫn bị thả nổi

Kinh tếThứ Sáu, 09/09/2016 09:31:00 +07:00Google News

Những doanh nghiệp nội nổi danh trên sàn chứng khoán, làm điên đảo bao nhà đầu tư vì những dự án khủng và lợi nhuận hấp dẫn gần như chưa có sự quan tâm đúng mực đến môi trường làm việc cho nhân viên.

 Nhân viên "nhảy việc" vì... sợ bị tò mò

Làm việc tại một ngân hàng địa phương hơn 6 năm, P.U thật sự chán nản kể từ khi ngân hàng này sát nhập với một ngân hàng nổi tiếng về bán lẻ hàng đầu.

Cô than thở: “Áp lực thế nào em cũng chịu được, chỉ là doanh số thôi mà! Nhưng em không quen được cách làm việc của các sếp mới và các quy trình làm việc mới. Hết tháng này, em chuyển về ngân hàng thương mại, chị chuyển tiền gửi về ủng hộ em nhé!”, P.U ngỏ lời chào mời khách hàng thân thiết và chuẩn bị sẵn cuộc “dọn đường” đến nơi mới.

Theo P.U, mặc dù là ngân hàng thương mại nhưng chỗ mới có nhiều linh hoạt hơn và không gò bó nhân viên quá mức. Lý do khác rất cá nhân, văn phòng mới cũng đã chọn cho cô một chỗ ngồi khá đẹp, bàn ghế cũng mới tinh.

top 10 doanh nghiep co moi truong lam viec tot nhat vn

Top 10 công ty có môi trường làm việc tốt nhất năm 2015 

Cùng tâm trạng, giám đốc bộ phận marketing của một resort tại Nha Trang có văn phòng tại TP.HCM rỉ tai các nhà báo thân thiết: “Anh sắp về chỗ mới rồi, chắc chắn sẽ kết nối với báo của em!”.

Lý do dịch chuyển của giám đốc này chỉ đơn giản vì anh thích đi du lịch và chụp hình khoe Facebook nhưng cứ bị chủ tịch HĐQT và các sếp bộ phận khác xăm soi, khen chê rồi cạnh khóe rằng lợi dụng tiền của công ty để tận hưởng thú vui.

Trên đây cũng chỉ là 2 lý do cụ thể cho việc rời bỏ doanh nghiệp cũ, còn có khá nhiều lý do khác như cách làm việc không chuyên nghiệp, không được sếp tôn trọng, không được đánh giá đúng năng lực, không thấy cơ hội thăng tiến, mức lương cào bằng... và có khi chỉ vì công ty không cho đi du lịch!

Con người luôn là một tài sản quý nhất trong các nguồn tài sản của doanh nghiệp, do vậy khi có sự biến động về nhân sự và nhất là các nhân sự làm việc lâu năm, nắm giữ nhiều mối quan hệ, thông tin…, sự ra đi của họ là mất mát khó có thể bù đắp ngay, đôi khi sẽ gây nên ảnh hưởng trầm trọng về doanh số, tiết lộ các bí mật và ảnh hưởng đến văn hóa của cả doanh nghiệp. 

Khi nào doanh nghiệp nội thật sự quan tâm đến môi trường làm việc?

Mạng tuyển dụng nhân sự Anphabe đã công bố kết quả khảo sát độc lập 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong năm 2015. Khảo sát năm nay được triển khai trực tuyến từ tháng 9/2015 đến 12/2015 trên quy mô khá lớn với  22.688 đơn vị thuộc 24 ngành nghề trên toàn quốc.

Bên cạnh những tiêu chí như chế độ đãi ngộ, thăng tiến, môi trường làm việc…, bảng xếp hạng này cũng đưa vào các tiêu chí như văn hóa  - giải trí, chất lượng công việc và cuộc sống, danh tiếng của công ty…

van phong lam viec

Đến khi nào văn phòng làm việc của doanh nghiệp nội được chú trọng đến thiết kế không gian? 

Theo bản danh sách này, Unilever tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Tiếp đó sau đó là Vinamilk, Nestle Vietnam, Procter&Gamble Vietnam (P&G), IBM Vietnam, Microsoft, Pesico, Viettel...

So với các năm trước, các doanh nghiệp nội thường không được đánh giá cao về tổng quan môi trường làm việc nhưng trong bảng xếp hạng năm nay đã có sự đổi ngôi khá tích cực. Con số 17 doanh nghiệp Việt nằm trong top 100 của năm ngoái đã tăng lên 22 trong kết quả 2015. Nổi lên những cái tên đã có cố gắng thăng hạng như Vingroup (từ 79 lên 41), FPT (từ 28 lên 21), Viettel (từ 18 lên 8)…

Về thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn, Vinamilk là đơn vị được đánh giá là hấp dẫn ở tiêu chí lương thưởng, phúc lợi. Nestle dẫn đầu tiêu chí văn hóa và giá trị. Intel dẫn đầu hai nhóm tiêu chí chất lượng công việc và danh tiếng công ty. Riêng trong ngành công nghệ thông tin, FPT là doanh nghiệp Việt Nam đứng ở vị trí cao nhất (21), sau một đại diện nước ngoài là IBM (5).

Ngược lại, những cái tên rất ấn tượng trên sàn chứng khoán hoặc nổi như cồn với các dự án khủng như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Hưng Thịnh, Hoa Sen Group… vẫn còn xếp hàng khá xa, nếu không muốn nói là chưa có sự quan tâm đúng mức đến nguồn nhân lực. 

Nhìn tổng thể con số 22 doanh nghiệp trong nước trong Top 100, đây có lẽ là một con số đáng suy ngẫm của các nhà quản trị nhân sự của các doan nghiệp Việt, nếu muốn lấy nền tảng của văn hóa, con người làm một thế mạnh cạnh tranh ngay trên chính sân chơi trong nước của mình.

Bích Hạnh
Bình luận
vtcnews.vn