• Zalo

Doanh nghiệp khó thở vì COVID-19, ngân hàng đồng ý giảm lãi suất

Tài chínhThứ Hai, 12/07/2021 20:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hầu hết ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Nội dung được 16 ngân hàng thương mại thống nhất đưa ra tại buổi họp trực tuyến của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) chiều 12/7. Theo đó, các ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, cần xem xét đối tượng vay vốn cụ thể để việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự.

Doanh nghiệp khó thở vì COVID-19, ngân hàng đồng ý giảm lãi suất - 1

16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

 

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, không thể chần chừ, nhưng cần tính toán thực lực nguồn vốn, chính sách tín dụng của từng ngân hàng để triển khai giải pháp cụ thể, trên tinh thần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ thực hiện được triển khai từ nay đến hết năm 2021”, báo cáo của VNBA cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngân hàng cũng khó khăn không kém gì doanh nghiệp. Tuy nhiên không vì thế mà ngân hàng đứng ngoài cuộc khi doanh nghiệp gặp khó khăn. “Trong thời COVID-19, ngân hàng cũng phải thắt lưng, buộc bụng để đồng hành cùng doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Vì thế, việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Hùng nói.

Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, cũng đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hành nhưng trong hỗ trợ không nên cào bằng, mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Đến nay, Techcombank đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp và 332.720 khách hàng cá nhân với tổng doanh số cho vay mới là 1.682 ngàn tỷ đồng.

Tổng số tiền lãi giảm trong năm 2020 là 3.260 tỷ đồng và trong đầu năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Vietcombank đã liên tục triển khai 6 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), ngoài việc tung gói 700 tỷ đồng tài trợ ngành máy móc thiết bị nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, thì từ nay đến hết ngày 31/5/2022, VietinBank tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi lớn chưa từng có dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng cho biết sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng.

Một số ngân hàng nhỏ như Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) cũng tung gói tín dụng 900 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm, giảm 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng áp dụng hiện hành và kéo dài đến hết ngày 31/8/2021.

Ngân hàng Bắc Á (BacABank) triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng và chỉ từ 7,3%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng.

Tại cuộc họp, các ngân hàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank - cho biết ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong những tháng cuối năm.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các ngân hàng tham dự cuộc họp như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank…kiến nghị. Theo các ngân hàng, việc được Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hằng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp