Cụ thể, gần đây chính quyền tỉnh này đã ban hành công văn 12143 ngày 27/11 yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phải kiểm tra tất cả các dự án đầu tư du lịch, nếu có thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn, thay đổi cổ đông... mà thuộc diện dự án chậm tiến độ thì phải lấy ý kiến các ngành liên quan, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến.
Trả lời trên báo Thanh tra, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Crystal Bay cho hay, trước đây vẫn mua lại những dự án chậm tiến độ ở Khánh Hòa để tái cơ cấu. Theo quy định, Tập đoàn nộp tiền phạt chậm tiến độ ở những dự án này và tiếp tục được triển khai bình thường và đã rất thành công. Điển hình như dự án khu resort Riviera Cam Ranh...
Không hiểu vì sao thời gian gần đây, vẫn cách làm này, Sở Xây dựng lại trả hết hồ sơ không xem xét. "Chúng tôi không biết nói thế nào với các cổ đông", đại diện này giãi bày.
Chia sẻ với phóng viên, một nhà đầu tư cho biết, dự án Sonasea tại Nha Trang của Tập đoàn CEO cũng gặp khó tương tự. Cách đây 2 năm, dự án được cấp phép đồ án quy hoạch 1/500, sau đó, nhà đầu tư muốn điều chỉnh lại quy hoạch để tăng hiệu quả cho dự án, nhưng tỉnh Khánh Hòa không đồng ý. "Có thể tỉnh lo ngại chiêu trò thay đổi quy hoạch để kéo dài dự án, nhưng ở đây, DN làm thật. Cuối cùng, dự án buộc phải giữ nguyên quy hoạch cũ", nhà đầu tư này cho biết.
Không chỉ bị "soi" về việc thay đổi, chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư mới đây lại... "ngã ngửa" với một văn bản kiến nghị của TP Nha Trang, đề nghị tỉnh rà soát, kiểm tra tất cả các dự án ven núi để qua đó, thu hồi những dự án bị chậm tiến độ.
Trong khi đó, nhà đầu tư dự án làng biệt thự tại khu vực núi Cô Tiên đã giãi bày: "Dự án đã có từ lâu nhưng vì chờ quy hoạch 1/2000 khu vực này mà dự án phải đình trệ lại. Chỉ mong tỉnh ra sớm quy hoạch để công ty còn triển khai dự án".
Tại khu vực Núi Cô Tiên, hiện có tới khoảng 15-20 nhà đầu tư dự án. Trong đó, đã có 5-7 dự án được cấp phép quy hoạch 1/500 như dự án khu nghỉ dưỡng Kim Vân Thủy... Có những dự án đã được phê duyệt cấp phép từ giai đoạn 2008-2009. Thế nhưng, vì sự buông lỏng cấp phép ban đầu này, tới cuối năm 2016, tỉnh Khánh Hòa mới đưa ra chủ trương lập quy hoạch 1/2.000 trước rồi mới xem xét cho các dự án phù hợp triển khai.
Sự thay đổi không đồng bộ này của chính sách đã khiến tất cả các dự án đầu tư tại đây buộc phải ngưng trệ để chờ tỉnh làm quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề tréo nghoe được đặt ra là, suốt từ cuối năm 2016 cho đến nay, đã trôi qua gần 2 năm, bản quy hoạch này vẫn chưa ra đời.
Một nhà đầu tư bày tỏ: "Nếu dự án chậm tiến độ vì tỉnh treo quy hoạch thì đó là lỗi của tỉnh chứ không phải của DN. Tỉnh cần xem xét yếu tố này để không thu hồi oan dự án của DN".
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh chỉ trả lời ngắn gọn, việc này đã giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu, triển khai nên giờ, tỉnh đang chờ Sở báo cáo.
Trước đó, trả lời trên báo tiền phong, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, việc tăng cường kiểm soát chuyển nhượng các dự án bất động sản du lịch là cần thiết, nhưng phải phù hợp với đời sống kinh doanh và không nên cứng nhắc làm cho hoạt động đầu tư du lịch ở các địa phương bị ngưng trệ."Việc ban hành các quy định hay các văn bản chỉ đạo nội bộ của chính quyền cần phải nhìn và hiểu nhiều mặt khác nữa của thực tiễn, chứ không phải chỉ nhìn riêng về điều luật.
Thực tế hiện nay, vì có các dự án chậm tiến độ nên mới nảy sinh nhà đầu tư mới mua lại để tái cơ cấu. Riêng cái này, chúng ta phải ủng hộ doanh nghiệp. Thậm chí, có những DN đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì cho phép được nộp phạt và triển khai tiếp", GS Đăng Hùng Võ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua việc quản lý đầu tư cho bất động sản du lịch ở các "điểm nóng" như Khánh Hòa đang còn nhiều bấp cập, các nhà đầu tư có ý kiến nhiều nhất.
>>> Đọc thêm: Chuyên gia nói về 'lệnh' siết chuyển nhượng dự án BĐS du lịch
Bình luận