Anh Phạm Nhân Thiên (quê Nam Định) là nhân viên của một doanh nghiệp công nghệ trên phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Với công việc chính là gặp gỡ, ký kết hợp đồng, lắp đặt máy bán hàng và hướng dẫn khách sử dụng phần mềm quản lý bán hàng, anh Thiên nhận mức lương cứng hàng tháng là 15 triệu đồng.
Cuối năm 2021, do việc gia đình, anh Thiên từng 3 lần đề xuất xin nghỉ việc với lãnh đạo công ty nhưng luôn bị từ chối và bị thuyết phục ở lại.
"Đi thì không nỡ vì doanh nghiệp đang thiếu nhân sự trầm trọng, trong khi ở lại thì gây nên cảnh vợ chồng mâu thuẫn. Tôi thực sự khó nghĩ. Việc trì hoãn đã kéo dài đến nhiều tháng nay nhưng nếu không sắp xếp được việc nhà thì chắc chắn tôi vẫn phải xin nghỉ việc thôi", anh Thiên nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Trường (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) muốn nghỉ việc tại doanh nghiệp đang làm thuê để toàn tâm toàn ý cho việc quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ thông tin của chính mình vừa thành lập, nhưng mọi thủ tục với cơ quan dùng dằng mãi vẫn chưa xong. Nguyên nhân cũng chỉ vì doanh nghiệp thiếu người thay thế nên tìm mọi cách thuyết phục, ràng buộc.
“Hiện nay tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nghỉ thì chưa hoàn thiện xong thủ tục, còn không nghỉ thì không thể bỏ bê dự án đầu tiên của chính mình, do chính mình dốc vốn thành lập”, anh Trường chia sẻ.
Theo lời kể của anh Trường, từ năm 2011, anh xin vào làm chuyên viên IT của một doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn quận Thanh Xuân. Hiện anh đang giữ vai trò là Trưởng phòng quản lý nhân sự và phụ trách khách hàng doanh nghiệp với mức lương hơn 25 triệu đồng/tháng.
Sau nhiều năm làm việc cho doanh nghiệp và xây dựng được mối quan hệ khá thân thiết với khách hàng, anh Trường muốn xin nghỉ việc để thử sức điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Nhưng khi trình bày với ban lãnh đạo công ty thì anh luôn bị từ chối cho nghỉ với lý do "đang thiếu nhân sự". Để giữ chân anh Trường, doanh nghiệp này đã chủ động đề xuất tăng thêm lương 4 triệu đồng/tháng.
Anh Trường nói vì doanh nghiệp của anh mới được thành lập và đi vào hoạt động nên cần anh dốc sức hàng ngày. Trong khi đó, công ty anh Trường đang làm việc lại có cách ứng xử rất văn minh, trọng dụng nhân tài cũng như đảm bảo các chế độ cho người lao động và thu nhập khá ổn nên anh không thể dứt tình, nghỉ việc âm thầm theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”.
“Để hoàn thành tốt nhất công việc ở cả hai nơi, tôi phải gồng mình làm nhiều việc, nhiều thời gian gấp nhiều lần người khác. Về lâu dài, tôi không thể kham nổi việc vừa làm việc thuê cho một doanh nghiệp khác với vai trò là nhân viên cấp cao, vừa quản lý, điều hành doanh nghiệp của mình”, anh Trường chia sẻ.
Để tìm được lời giải cho bài toán nghỉ việc của mình, anh Trường đang tích cực tìm kiếm nhân sự chất lượng cao, đáp ứng tốt công việc để thay thế mình làm việc tại doanh nghiệp này.
“Chỉ có như vậy tôi mới có thể chấm dứt cảnh “bỏ đi thì dở, mà ở lại không xong này””, anh Trường cho biết.
Tương tự, chị Đinh Thị Thu Huyền (quê Thanh Hóa) làm Trưởng phòng Công nghệ thông tin cho một công ty tại quận Nam Từ Liêm, đơn vị chuyên cung cấp phần mềm về các giải pháp quản lý nhân sự cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Với kiến thức, kinh nghiệm lâu năm, tháng 8/2021, chị Huyền được một doanh nghiệp công nghệ thông tin khác trên địa bàn quận Cầu Giấy “trải thảm” mời chị đến làm việc với vị trí và mức lương cao hơn. Muốn thử sức ở môi trường mới, chị Huyền đã làm đơn xin nghỉ việc, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết. "Làm việc lâu năm rồi nên không thể nói nghỉ là nghỉ được luôn. Trong những năm qua, doanh nghiệp cũ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi nên cũng không thể trong lúc thiếu người lại dứt khoát ra đi được. Nhưng bỏ lỡ cơ hội mới thì thật đáng tiếc. Tôi chưa biết giải quyết thế nào cho hợp lý, chắc phải tìm được người thay rồi mới xin nghỉ cho đỡ áy náy", chị Huyền chia sẻ.
Đại diện nhà sáng lập TopDev, đơn vị chuyên về nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ "nhảy" việc, nghỉ việc của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay khá là lớn, nằm trong 4 ngành có tỷ lệ cao nhất gồm: công nghệ thông tin; ngành bán lẻ; bất động sản và hàng tiêu dùng.
Theo đó, sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp trung bình từ 18-20 tháng, hoàn thành từ 2 đến 3 dự án phần mềm, các lập trình viên, nhân viên ngành CNTT thường sẽ tìm cơ hội chuyển đến doanh nghiệp khác. Bởi, sau 2 đến 3 dự án phần mềm thì nhân viên CNTT đã học hỏi khá thành thạo những công việc, kỹ năng, công nghệ. Lúc đó nhân sự ngành này có khát vọng muốn tìm một dự án mới, môi trường mới ở một doanh nghiệp mới với thu nhập khả quan hơn.
“Bản chất của công nghệ liên tục thay đổi theo từng tháng, cập nhật nên nhu cầu thay đổi môi trường làm việc cũng theo đó mà tăng cao”, vị đại diện TopDev cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ với VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, thu nhập không phải yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân sự CNTT, mà môi trường quan trọng hơn. Nhân sự ngành CNTT thường muốn tìm một môi trường mới để triển khai các kiến thức, kỹ năng họ đã học được. Ngoài ra, họ cũng có khát vọng setup những doanh nghiệp cho riêng mình.
Cũng theo ông Điều, những vị trí có tỷ lệ nhảy việc, nghỉ việc cao nhất thường là những người làm việc đa năng, làm được nhiều khâu, nhiều mảng trong ngành CNTT.
“Nhân sự càng đa năng thì càng được các công ty đối tác săn đón nhiều với mức thu nhập cao hơn nên tỷ lệ nghỉ việc, nhảy việc nhiều hơn”, ông Điều nói.
Về giải pháp giữ chân nhân viên công CNTT, ông Nguyễn Trọng Điều cho rằng, còn quan trọng và khó khăn hơn so với việc tuyển dụng mới. Do vậy, ngoài đảm bảo thu nhập với mức cạnh tranh tốt, các doanh nghiệp phải luôn tạo ra môi trường chuyên nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ thông tin.
Bình luận