(VTC News) – 39 năm trước, người Sài Gòn chen nhau nghẹt thở theo dõi trận cầu đặc biệt của hai đội bóng đến từ hai miền Nam-Bắc sau ngày thống nhất đất nước!
“Sài Gòn tháng Tư lá me vẫn reo vui trên những con phố thân quen. Sài Gòn tháng Tư, nếu yêu, bạn còn có thể nghe thấy tiếng cá quẫy trên kênh Nhiêu Lộc. Sài Gòn tháng Tư ngổn ngang những công trình cho tàu điện ngầm… Sài Gòn có nhiều thứ để nhớ lắm!
Chúng tôi không quên, nhân dân không quên từ những mất mát đau thương trong chiến tranh cho đến hạnh phúc vỡ òa trong ngày thống nhất, để rồi 40 năm sau Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh được trang hoàng lộng lẫy để nhớ về ngày đoàn tụ.
Trong rất nhiều câu chuyện đoàn tụ ngày ấy, chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe về sự đoàn tụ của bóng đá Việt Nam.Trận cầu đầu tiên của hai đại diện miền Nam, miền Bắc sau 1975
Nghe có vẻ lạ những thực sự, đó là trận đấu mà ý nghĩa của nó, vượt ra khỏi khuôn khổ của môn thể thao vua, góp phần khẳng định chân lý Nam-Bắc một nhà!” – Danh thủ Đặng Gia Mẫn dẫn chuyện như một nhà văn.
Và ông Lê Thụy Hải, một nhân vật đáng chú ý của trận cầu năm xưa tiếp lời: “Bây giờ đã 39 năm rồi nhưng những kỷ niệm ấy không bao giờ quên được!”
Còn ông Trần Hữu Nghĩa, một khán giả tận mắt chứng kiến trận đấu đoàn tụ 2 miền Bắc – Nam của bóng đá Việt Nam 39 năm trước thì khẳng định, đó là trận đấu mà đến giờ chưa trận đấu nào đông khán giả tới sân như vậy!
Trong khi đó HLV trưởng của Cảng Sài Gòn (1976) Nguyễn Thành Sự, tự hào gọi đó là trận cầu Siêu kinh điển. Riêng với ông Trần Duy Long “thuyền trưởng” của đội bóng Tổng Cục đường sắt ngày ấy bồi hồi nghĩ về nó “như mới ngày hôm qua!”
Cách đây không lâu những cầu thủ từng góp mặt trong trận cầu mà chúng tôi đang nói tới gặp lại nhau trong cái bắt tay, ôm hôn nồng ấm, trên chính sân vận động đã diễn ra trận cầu lịch sử.
Họ đã quen nhau từ một trận đấu để đời, và đến hôm nay khi tóc đã điểm bạc, thì chính trên sân vận động Thống Nhất, họ gặp lại nhau trong một giao hữu để nhớ về trận cầu 39 năm trước khi họ là những sứ giả xây nhịp cầu đoàn tụ cho nghĩa Bắc lòng Nam.
Ngày 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam mà có lẽ không người con đất Việt nào quên. 11h30, thời khắc chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập của Ngụy quyền Sài Gòn, lá cờ cách mạng tung bay trong nắng Sài Gòn cũng là thời khắc lịch sử, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam-Bắc không còn chia cắt. Tái hiện trận đấu lịch sử trên sân Thống Nhất (Ảnh: Hoàng Tùng)
Tuy anh em một nhà mà đã 30 năm xa cách, nay non sông nối liền một dải nhưng lòng người có lẽ cần phải gắn lại bằng những cây cầu khác nhau.
Năm 1976, Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi đó chủ tịch là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao một nhiệm vụ quan trọng cho Tổng Cục Thể dục Thể thao (TDTT), đó là tổ chức một chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng miền Bắc với các đội bóng phía Nam.
Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn thông thường, chuyến thi đấu này còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao, là sứ giả của hòa bình, hòa hợp dân tộc trong những năm đầu mới giải phóng, thống nhất đất nước.
Dù mới chỉ du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 nhưng bóng đá ở thời điểm đó đã được rất nhiều người dân hai miền ái mộ. Trong suốt 30 năm từ 1945 đến 1975, bóng đá Việt Nam phải trải qua thời kỳ đất nước bị chia cắt, trải qua 2 cuộc chiến tranh, trái bóng lăn trong lửa đạn… nhưng bóng đá mỗi miền đã gặt hái được những thành công nhất định.
Đó là gia nhập FIFA và giành được nhiều thành tích đáng nể như hạng Tư châu Á (1956, 1960), Cup Merdeka 1966, đánh bại bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc của bóng đá miền Nam, hay tham gia các giải thuộc hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa, từng hạ Thanh niên Liên Xô 1-0 tại Moscow năm 1966, vượt qua trẻ Cộng hòa Dân chủ Đức 1-0 trên sân Hàng Đẫy, giao lưu với nhiều đội bóng của các nước XHCN khác của bóng đá miền Bắc… Ông Mai Đức Chung góp mặt ở trận cầu lịch sử năm 1976 (Ảnh: Hoàng Tùng)
Thế nhưng chưa từng có một cuộc so tài Nam-Bắc trong suốt giai đoạn 30 năm. Vì vậy, có lẽ đối với những người yêu bóng đá đơn thuần, đây cũng sẽ là một ẩn số thú vị chưa được giải mã về trình độ chuyên môn của bóng đá hai miền.
“Tôi báo cáo Thành ủy Ủy ban sẽ có một cuộc giao lưu học hỏi về bóng đá ở thành phố này (TP.HCM) thì đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi: Mời ai vào?. Tôi báo cáo: Sẽ mời đội Đường sắt. Đồng chí liền hỏi tại sao? Tôi nói: Tại vì lúc đó chuẩn bị làm đường sắt từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc và đội bóng đó thể hiện sự đoàn kết, giai cấp công nhân.
Anh Sáu (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lại hỏi: Thế đội đó sẽ thi đấu với đội nào?. Tôi báo cáo sẽ đề xuất đá với đội Cảng Sài Gòn. Đây cũng là đội bóng của giai cấp công nhân và là đội bóng lớn nhất phía Nam và cả nước…” – ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM (1976) nhớ lại.
* Còn nữa...
Bình luận