• Zalo

Đoàn Phú Tấn: 'Danh dự chúng tôi đã bị tước đoạt'

Thể thao Chủ Nhật, 29/09/2013 06:20:00 +07:00Google News

Nghi án 4 trọng tài nhận hối lộ đã được sang tỏ, và Phó ban trọng tài Đoàn Phú Tấn cho rằng, danh dự, nỗ lực của ông và ông Dương Vũ Lâm đã bị "tước đoạt".

Cuối cùng, nghi án 4 trọng tài nhận hối lộ đã được sang tỏ. Vấn đề đọng lại là những quyết định đình chỉ nhiệm vụ Trưởng và Phó Trưởng Ban Trọng tài vẫn còn gây nhiều tranh cãi về trách nhiệm của bộ phận đưa ra quyết định.


PV-Sau khi bị đình chỉ nhiệm vụ, các ông (ông và Trưởng Ban Dương Vũ Lâm) có nỗ lực gì để buộc VFF và các ban chức năng phải suy xét lại quyết định đình chỉ thiếu nhân văn, thậm chí thiếu trách nhiệm của VFF? Ồng có tiếp tục khiếu nại để đòi lại công bằng cho cá nhân và Ban Trọng tài không?

Ông Đoàn Phú Tấn: Sao lại không? Chúng tôi phải đòi lại những gì chúng tôi đã bị “tước đoạt” từ cái quyết định phi lý ấy. Có lẽ cần dùng từ “tước đoạt” ở đây mới nói đúng bản chất việc người ta đã làm với chúng tôi.

Chúng tôi chỉ mới hỏi Ban Kiểm tra, là nơi đã được Thường trực VFF phân công phối hợp với cơ quan điều tra và đã yêu cầu chúng tôi hợp tác, để muốn biết kết quả điều tra và những đánh giá thế nào của Ban này về trách nhiệm của Lãnh đạo Ban Trọng tài trong sự việc nghi vấn này. Vậy thôi, chưa phải là khiếu nại. Chúng tôi sẽ khiếu nại và cấp giải quyết khiếu nại của chúng tôi sẽ là những cấp khác, không phải Ban Kiểm tra.

Doan Phu Tan
Ông Đoàn Phú Tấn, nguyên Phó Trưởng Ban Trọng tài  (Ảnh: VSI)

- Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF kiêm Tổng Giám đốc VPF đã trả lời báo chí các trọng tài không nhận hối lộ. Ông có cảm xúc gì?

Cảm xúc? Tôi thấy nhẹ nhõm vì những học trò của mình không bị kết luận là mất phẩm chất.

Về tác động của kết luận ấy đối với cá nhân mình, tôi cũng chưa hình dung được khi người ta lấy cớ có nghi vấn để đình chỉ nhiệm vụ chúng tôi như một sự hạ nhục, bây giờ nghi vấn ấy chỉ là tin vịt, người ta sẽ trả lời chúng tôi ra sao?

Nhớ lại, người ta đã vội vàng mới công an vào điều tra, vội vã ra quyết định đình chỉ chúng tôi, trong khi trong tay chưa có một báo cáo nào của những người trong cuộc. Chỉ đến khi C45 đã gặp gỡ chúng tôi để thu thập chứng cứ, chúng tôi đã làm việc xong với C45, người ta mới chỉ đạo Ban Kiểm tra yêu cầu chúng tôi làm các báo cáo, tường trình. Thật lạ lùng!

- Việc sai sót trọng tài trong lượt về xảy ra nhiều hơn, phải chăng do hoạt động trọng tài như “rắn mất đầu”, thiếu vai trò của ông và ông Lâm. Hay, những người thay thế đã thỏa hiệp với những đặc tính xấu của trọng tài trước đây? Ông có nghĩ rằng VFF đã quá coi nhẹ vai trò của ông và ông Lâm? Ông có nghĩ nếu ông và ông Lâm không bị đình chỉ thì công tác trọng tài sẽ tốt lên?

Tôi không nghĩ thế. Tôi không đánh giá, phán xét những người đã thay thế chúng tôi để điều hành trọng tài. Tôi cũng không coi vai trò của chúng tôi lớn và tác động mạnh đến thế. Chúng tôi chỉ làm hết sức mình và hy vọng là anh em trọng tài thấy cần đến chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ sau sự việc này.

Sau cái quyết định ấy, có chăng là sự ảnh hưởng tâm lý vì anh em mất lòng tin vào sự xử lý không đúng mức, thiếu cơ sở của lãnh đạo VFF. Tôi cho rằng điều đó không làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác của anh em. Còn việc thiếu người có bản lĩnh để làm hậu thuẫn, ủng hộ và bảo vệ trọng tài những khi cần thiết, là rõ ràng. Anh em đã phải cắn răng chấp nhận sự xúc phạm, la lối miệt thị của một số lãnh đạo CLB mà không có ai can thiệp đúng lúc, lên tiếng kịp thời.

- Việc “hy sinh” thuộc cấp ông có nghĩ rằng đã phổ biến ở VFF? Thực tế đã có nhiều quan chức VFF bị dư luận cho rằng không ít lần đã phải hy sinh cho cấp trên, mà ông và ông Lâm là sự tiếp nối. Sự nghiệp chính trị của ai cũng quan trọng, bất kể chức to hay nhỏ, ông có nghĩ việc hạ bệ ông và ông Lâm đã có chủ đích, khi trước đó đã có điều tiếng VFF cải tổ một số vị trí chủ chốt của Ban Trọng tài bị dư luận băn khoăn. Giờ đây, đã rõ ràng hơn khi đã có sự “quy hoạch” cho nhân sự Ban Trọng tài nhiệm kỳ tới?

Tôi không nghĩ đây là việc “hy sinh thuộc cấp”, vì sự việc chưa đâu vào đâu mà chính người nhà làm cho ầm ĩ lên. Vì thế, nên coi đây là sự lợi dụng tình huống để triệt hạ nhau thì đúng hơn. Thật tiếc là, trước khi khai mạc giải, chúng tôi đã cảnh báo anh em trọng tài về những nguy cơ bên ngoài phá hoại giải, mà không ngờ được nguy cơ trong nhà.

Việc quy hoạch nhiệm kỳ tới hay hiện tại, tôi đâu có quan tâm về vị trí này nọ? Tôi chỉ tự cho mình là một người “lính chiến”, thực hiện những thao tác kỹ thuật trong công tác điều hành, dìu dắt trọng tài. Việc chính, việc tôi cho là thiên chức của mình, là đào tạo, bồi dưỡng trọng tài. Tôi không quan tâm đến các vị trí lãnh đạo. Chỉ lưu ý một điều, những ai thèm muốn vị trí lãnh đạo trọng tài, thì lãnh đạo VFF cần xem xét động cơ của họ.

- Nếu các ông không đòi được công bằng, không được phục hồi chức vụ, đồng nghĩa là các ông vẫn còn “tiền án”, khó có thể được tín nhiệm ở nhiệm kỳ sau. Như thế quả là bất công, bởi thực tế Ban Trọng tài và cá nhân hai ông đã có nhiều nỗ lực và năng lực, tâm huyết các ông vẫn cần cho trọng tài Việt Nam.

Nếu chúng tôi không đòi hỏi được công bằng, thì còn trời đất gì nữa? Tôi không tin điều đó! Chúng tôi đã làm gì sai, để phải bị trừng phạt, để không ai bảo vệ chúng tôi? Chúng tôi tự hào cho rằng mình luôn cống hiến hết sức cho sự nghiệp phát triển trọng tài bóng đá Việt Nam và không hề vụ lợi, không hề dung túng cho những hành vi tiêu cực của trọng tài (nếu có). Các trọng tài được chứng mình vô tội, đương nhiên cái lý do “tạm đình chỉ” chúng tôi không còn nữa. Kể cả khi các trọng tài khôn g được minh oan, chẳng lẽ chúng tôi có liên quan? Ai có thể chứng minh chúng tôi xui họ làm bậy hay dung túng, bao che cho hành vi xấu?

Doan Phu Tan
Nguyên Phó Ban Trọng tài Đoàn Phú Tấn (phải) tính kiện ngược VFF vì đình chỉ nhiệm vụ của ông ở Ban trọng tài. (Ảnh: VSI)

- Ban Trọng tài đã hợp tác tích cực với C45  trong nghi án nhận hối lộ, không bao che, vậy mà vẫn mang tiếng là giấu nhẹm vụ việc?

Đây là một diễn biến đáng giận nhất xung quanh sự việc này! Tôi đã từng phải dùng những từ ngữ “bịa đặt, ngụy tạo” để nói về lý do mà người phát ngôn của VFF, cụ thể là ông Nguyễn Lân Trung, đã phát biểu về chúng tôi.

Cho đến tận ngày hôm nay, chúng tôi còn chưa được biết nội dung thông tin nghi vấn và nguồn tin từ đâu. Ban Tổ chức giải mới là nơi nhận được thông tin, không phải chúng tôi. Hơn nữa, tới trước vòng 6 V-League (nghĩa là sau trận đấu có nghi vấn gần 1 tháng), Ban Tổ chức mới hé lộ nắm được thông tin và nhờ Ban Trọng tài tìm hiểu. Vậy mà, người ta dám nói rằng chúng tôi biết sự việc từ vòng 3 mà tới vòng 7 mới nói ra, rồi lấy đấy làm cơ sở giải thích tại sao đình chỉ. Tôi cho rằng, như thế là rất thiếu đàng hoàng.

- Phủ nhận VPF có phải là cách làm, cách suy nghĩ chưa ổn? Ông đánh giá thật khách quan cái tích cực, cái hạn chế của VPF?

Sự ra đời của VPF có thể có chút vội vàng, nhưng không thể không xảy ra. Sự tồn tại VPF là một xu thế không thể đảo ngược. Mô hình ấy là đúng, là thuận lợi cho sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp. những con người làm việc cho VPF có thể có lúc đã đáp ứng, có lúc chưa, nhưng rồi, tôi tin là sẽ có được sự ổn định và phát triển. Cá nhân tôi không đủ khả năng đánh giá, phán xét về cái được, cái chưa được của VPF, nhưng tôi tin tưởng. Tôi thấy một vấn đề là để điều hành cho thật sự chuyên nghiệp, ngoài việc xác định những cách hành xử chuyên nghiệp từ nhiều phía, hệ thống quy định, quy chế phối hợp phải chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Có một vấn đề mà tôi thấy cần nói ra lúc này. Đôi khi, người ta nghi ngờ tính khách quan trong những quyết định của các trọng tài khi vướng đến các đội bóng của các ông bầu có mặt, có tên trong Hội đồng quản trị VPF. Lo ngại như thế hoàn toàn không có căn cứ. Trong 2 năm làm việc với VPF với vị trí thường trực Ban trọng tài bên cạnh BTC giải, tôi hầu như không hề tiếp xúc với bất cứ ai trong Hội đồng quản trị, chúng tôi cũng xác định rõ vấn đề 2 cấp như thế với anh em trọng tài. Hội đồng quản trị chỉ làm việc quản lý công ty, không hề tham gia vào các công tác điều hành giải.

Vậy, có con đường nào để các ông bầu trong Hội đồng quản trị tác động đến trọng tài để làm lợi cho đội bóng của họ? Hơn nữa, tôi có niềm tin là những người sáng lập và quản trị VPF, người ta đang muốn đi đầu trong việc làm bóng đá tử tế, trong sạch, người ta đang dựng ngọn cờ, người ta sẽ không đời nào làm điều gì khuất tất để lấy lợi cho đội người ta. Vị trí trong HĐQT, họ sẽ rút dần ra, để tránh khỏi những phức tạp ngoài ý muốn.

- Cuối cùng, muốn trọng tài thoát ra khỏi mớ bùng nhùng, những vòng kim cô, theo ông cần những giải pháp nào?

Tôi nghĩ thế này: Đầu tiên về phía VFF phải chọn người làm việc, quản lý trọng tài cho “đúng người, đúng việc”. Nên đặt lợi ích chung lên trên hết, không nên sử dụng những người thiếu thực tài nhưng muốn có “tiếng” và có thói quen gây mất đoàn kết, hoặc những người tiến hành mạnh mẽ những vận động hành lang để được năm quyền lãnh đạo trọng tài.

Phía một số ban chức năng, nên tôn trọng và hiểu biết những quy định về cách tồn tại và trách nhiệm điều hành của Ban trọng tài, của các thể chế liên quan, để có những hành xử đúng đắn. Riêng Ban Kỷ luật cần điều chỉnh ngay cách suy nghĩ khi xem xét một sự cố, là trước khi ra quyết định, chờ xem, cần biết trọng tài đã đúng hay sai để định hướng kỷ luật nghiêm khắc hay thông cảm với những người vi phạm. Đấy không phải cách bảo vệ trọng tài, bảo vệ nếp chơi trong cuộc chơi chuyên nghiệp.

Bản thân đội ngũ trọng tài: Trọng tài phải hiểu, đây là môn chơi cá nhân, không ai có thể “làm hộ” điều gì cho ai. Những nhân vật muốn thâu tóm đội ngũ trọng tài để làm việc xấu, không thể tồn tại. Trọng tài chỉ có một con đường: Phấn đấu rèn luyện về thể lực, kiến thức và giữ gìn phẩm chất.

Phía VPF, tổ chức này cần thoát khỏi tư duy phong trào, để thực sự chuyên nghiệp hóa. Có định hướng rõ ràng và nghiêm khắc với các tập thể, cá nhân tham gia cuộc chơi chuyên nghiệp. Đó mới là cách đúng đắn để bảo vệ trọng tài, bảo vệ kỷ cương.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và chúc các ông sớm được trả lại danh dự và những nỗ lực của mình.


Theo TT&VH

Bình luận
vtcnews.vn