Đây là nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất ở Campuchia tại thời điểm này. Và là nhà máy sữa liên doanh giữa Vinamilk và đối tác BPC tại Campuchia thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia.
Trong buổi làm việc, lãnh đạo nhà máy sữa Angkor đã báo cáo với chủ tịch Quốc Hội về quá trình hình thành và xây dựng nhà máy dưới sự hỗ trợ của chính phủ và các bộ ngành hai nước Việt Nam và Campuchia.
Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 tính đến hết tháng 9, nhà máy sữa Angkor đã đạt được doanh thu 10.2 triệu USD, đạt 68% kế hoạch doanh thu 15 triệu USD của năm 2016. Đến năm 2024, dự kiến tăng trưởng của Công ty mỗi năm bình quân là 15%.
Bên cạnh những điểm thuận lợi và tích cực trong quá trình hoạt động, nhà máy sữa Angkor còn gặp một số khó khăn mà chủ yếu liên quan đến thuế nhập khẩu nguyên liệu. Do ngành sản xuất sữa là ngành mới tại Campuchia, các vùng nguyên liệu, chăn nuôi bò sữa còn chưa phát triển nên hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đều phải nhập khẩu từ các nước Châu Âu và Việt Nam với mức thuế nhập khẩu khá cao. Hiện nay, thuế nhập khẩu cho các nguyên vật liệu chính dao động từ 15 đến 35%.
Nhân dịp này, công ty sữa Angkor đã xin được kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội và Chính Phủ Việt Nam về việc chỉ đạo thúc đẩy ký kết thỏa thuận thương mại song phương giữa các cơ quan hữu quan hai nước Việt Nam - Campuchia, trong đó chú trọng đến miễn, giảm thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu chính để sản xuất sữa nhằm góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của ngành sữa tại Campuchia.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của Lãnh đạo công ty sữa Angkor, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ - công nhân viên nhà máy: “Ngoài kết quả kinh doanh tốt, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người dân Campuchia. Điều ấn tượng nhất là Vinamilk đã đem đến cho Campuchia một ngành sữa, một nhà máy sữa đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành sữa tương lai. Đây cũng là một nhu cầu rất cần thiết cho trẻ em và nhân dân Campuchia.
Chúng ta cũng thấy đây là 1 dự án rất thành công của sự hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia. Xin chúc mừng công ty Vinamilk và đối tác BPC tại Campuchia, tôi tin tưởng nhà máy sữa Angkor sẽ tiếp tục thành công trong tương lai.”
Nhà máy sữa Angkor được chính thức khánh thành vào ngày 25/05/2016 là kết quả của một quá trình dài lâu tìm hiểu và thâm nhập thị trường Campuchia của Vinamilk cách đây hơn 10 năm. Trước nhu cầu và triển vọng phát triển của ngành sữa tại Campuchia, vào ngày 24/07/2013, Vinamilk đã cùng với công ty BPC – nhà phân phối, đối tác chiến lược từ những ngày đầu của Vinamilk tại thị trường Campuchia – ký hợp đồng hợp tác liên doanh thành lập Công ty TNHH sữa Angkor trong đó đối tác BPC nắm giữ 49% cổ phần và Vinamilk là 51%.
Toạ lạc trong Đặc khu kinh tế Phnompenh, với tổng diện tích gần 30.000 m2, nhà máy sữa Angkor có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD được xây dựng với thời gian chỉ hơn 1 năm. Trong giai đoạn 1, nhà máy Angkor Milk sẽ được vận hành với công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Đến giai đoạn 2 - năm 2024, nhà máy sẽ đẩy công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm để phục phụ nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân tại Campuchia và khu vực.
Nhà máy sữa Angkor được xây dựng đồng bộ từ khâu nạp-chế biến-chiết rót cho đến đóng gói thành phẩm và được quản lý bằng chương trình quản lý tối ưu từ Tetra Pak để kiểm soát toàn bộ khu vực chế biến, chiết rót, kết nối liên thông đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Toàn bộ các công đoạn từ thiết kế, xây dựng nhà xưởng đến lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất đều theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về An toàn thực phẩm và Môi trường.
Là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên và duy nhất tại Campuchia tại thời điểm này, với công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhà máy sữa Angkor sẽ hiện thực hóa mục tiêu cung cấp cho người dân Campuchia những sản phẩm sữa được sản xuất tại chính đất nước Campuchia với chất lượng tốt theo tiêu chuẩn thế giới cùng giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, phát triển thể chất và trí tuệ của người dân Campuchia.
Bình luận