Giá Bitcoin đã vọt lên mức kỷ lục vào năm 2021 rồi lao dốc ngay trong năm sau. Điều đó như dội một gáo nước lạnh vào Mitch Day và các nhà đầu tư khác.
Theo Wall Street Journal, kể từ đó, anh và nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa khác đã chuyển sang vàng. "Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ: 'Ôi, vàng và bạc? Đó là những thứ của người già'", anh Day, 27 tuổi, chia sẻ.
"Chắc chắn là tôi sẽ không thể giàu lên nhờ vàng. Nhưng đây là loại tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn bấp bênh", anh bình luận.
Rời khỏi tiền mã hóa
Những người ủng hộ Bitcoin tin rằng loại tài sản này độc lập với ngân hàng và các chính phủ. Nhưng nhiều người trong số họ đã thua lỗ nặng vì sự suy yếu của thị trường thời gian qua. Giờ đây, một số tìm tới vàng để đa dạng hóa khoản đầu tư.
Theo một phân tích của Nick Martin tại Hootsuite - nền tảng tiếp thị truyền thông xã hội (Vancouver), số lượt tìm kiếm liên quan đến "vàng và tiền mã hóa" đã đạt mức kỷ lục kể từ năm 2018.
Dựa theo dữ liệu của Google Trends trong vòng 20 năm trở lại đây, trong tháng này, số lượt tìm kiếm "cách mua vàng" trên Google cũng cao chưa từng thấy.
SPDR Gold Shares - quỹ ETF vàng vật lý lớn nhất thế giới - đã tăng trưởng khoảng 20% trong 6 tháng qua. Trong tháng đầu năm, doanh số đồng xu vàng American Eagle vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm.
Kể từ cuối năm 2021 đến nay, Bitcoin đã mất khoảng một nửa giá trị. Vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX khiến nhà đầu tư hoảng sợ.
Cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu cũng ghi nhận mức giảm 2 chữ số trong năm ngoái. Ở chiều ngược lại, giá vàng gần như đi ngang. Bước sang năm nay, những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng đã đẩy giá kim loại quý vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce lần đầu tiên trong năm, tiến sát ngưỡng cao kỷ lục.
Tiền mã hóa - được các nhà đầu tư coi là tương lai của đầu tư - vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo CoinMarketCap, tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa hiện là 1.200 tỷ USD.
Còn theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, vàng - một trong những tài sản lâu đời nhất thế giới - trị giá khoảng 14.500 tỷ USD.
Đến nay, kim loại quý vẫn là một trong những danh mục đầu tư chính của các nhà đầu tư, được đánh giá cao về tính ổn định và khả năng chống lại rủi ro lạm phát.
Vàng cũng dễ dàng được nấu chảy rồi đúc thành dạng thỏi hoặc tiền xu.
Đổ xô vào vàng
Rob Saudelli là một trong những người rút bớt tiền từ các tài sản kỹ thuật số để chuyển sang vàng. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, khoản tiền mà ông đầu tư vào một công ty đào tiền mã hóa đã tăng gấp 10 lần.
Đến đầu năm 2022, danh mục đầu tư của Saudelli gồm khoảng 10% Bitcoin và Ether. Nhưng đến nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%. "Mọi người đã mở tiệc, nhưng giờ đây, họ đều đang rời đi", ông nhận định.
Giống với Saudelli, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết họ sẵn sàng đánh đổi khả năng sinh lời không tưởng của tiền mã hóa, để lấy sự ổn định của vàng. Bởi dĩ nhiên, lợi nhuận cao có thể đi kèm với rủi ro lao dốc thảm.
Ông cho biết danh mục đầu tư của mình bao gồm khoảng 10% vàng và 14% bạc.
Những tháng qua là thời gian bận rộn của ông Daniel Fisher - Giám đốc điều hành Physical Gold, một đại lý kim loại quý ở London. Ông cho rằng nguyên nhân là sự sụt giảm của tiền mã hóa và tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán.
"Nhiều người đã lựa chọn giữa việc tiếp tục và có thể mất tất cả, hoặc rút tiền ra", ông nói thêm.
Trở lại với Day, anh biết rằng vàng không thể giúp anh giàu nhanh như tiền mã hóa. Day mua vàng để bảo toàn tài sản của mình.
Trên thực tế, Bitcoin có nhiều điểm chung với vàng. Cả 2 đều được khai thác và không thuận tiện cho việc thanh toán. Nhưng vàng có một lợi thế so với Bitcoin. "Bản thân nó rất đẹp. Và các vị có thể thực sự nắm chúng trong tay", Day bình luận.
Bình luận