• Zalo

Đồ uống Trung quốc chui lủi, hàng Việt đua cùng Coca Cola, Pepsico

Kinh tếThứ Sáu, 06/06/2014 07:21:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đồ uống Việt đã vượt qua được hàng Trung Quốc và đang tập trung sức lực để chạy đua cùng hai “ông lớn” thế giới Coca Cola và Pepsico.

(VTC News) – Đồ uống Việt đã vượt qua được hàng Trung Quốc và đang tập trung sức lực để chạy đua cùng hai “ông lớn” thế giới Coca Cola và Pepsico.

Phớt lờ nước giải khát Trung Quốc

Wahaha Hàng Châu là công ty nước giải khát lớn nhất Trung Quốc. Wahaha đã giúp ông chủ Tông Khánh Hậu trở thành người giàu nhất đất nước tỷ dân này. Giới trẻ vẫn thường chia sẻ với nhau câu chuyện thành công đáng khâm phục của Tông Khánh Hậu cùng Wahaha.

Wahaha Hàng Châu hiện chiếm 7% thị phần nước giải khát Trung Quốc. Mới đây, Hangzhou Wahaha Group tỏ rõ tham vọng của mình khi công bố quyết định đưa 170.000 chai Future Cola đến Los Angeles và New York trong tháng tới.

Sự lớn mạnh của Wahaha khiến không ít người cho rằng Wahaha dễ dàng chiếm được một vị trí quan trọng tại Việt Nam, thị trường rất gần với Trung Quốc và có tốc độ phát triển nhanh mạnh. Thế nhưng, trên thực tế, Wahaha vẫn là thương hiệu vô cùng xa lạ với người tiêu dùng Việt.

wahaha
Nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng Wahaha vẫn vắng bóng tại Việt Nam 

Trong thị trường đồ uống, nước giải khát “chính thức” của Việt Nam, không chỉ Wahaha không hiện hữu, các sản phẩm dán nhãn mác Trung Quốc vẫn hoàn toàn “vô danh”. Đồ uống Trung Quốc hoạt động mạnh ở chợ truyền thống dưới hình thức… can thay vì sản phẩm chai thương mại dạng nhỏ.

Đồ uống Trung Quốc không sử dụng trực tiếp mà phải qua pha chế vì đó chỉ là hương liệu. Chỉ với 55.000 đồng, khách hàng có thể mua được 1 can 2 lít hương liệu các loại hoa quả. Một can hương liệu có thể pha chế thành 8 lít nước giải khát.

Các can hương liệu có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán khá nhiều tại các chợ truyền thống ở cả Tp.HCM và Hà Nội. Đa phần số hàng hóa này đều không có nguồn gốc rõ ràng. Vì là hàng trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên sản phẩm này không được người tiêu dùng đón nhận. Khách hàng chủ yếu của “nước giải khát dạng can” là những người bán nước giải khát vỉa hè hoặc quán cà phê.

Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên VTC News, thực chất nước giải khát Trung Quốc đóng chai nhỏ cũng tồn tại trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những sản phẩm này sống chui nhủi dưới nhãn mác của thương hiệu khác. Cũng giống như bánh kẹo Trung Quốc, nước giải khát Trung Quốc hoạt động chủ yếu tại các cổng trường tiểu học và trung học.

Năm ngoái, dư luận xôn xao khi hàng loạt cơ quan báo chí Việt Nam đưa thông tin về những chai nước nhỏ xíu không có nguồn gốc xuất xứ được dán nhãn Coca lẫn lộn với chữ Trung Quốc đang được bán ngoài cổng trường Tiểu học Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Vì có giá rất rẻ, chỉ 2.000 đồng/chai nên các em học sinh mua rất nhiều để uống giải khát.

Phụ huynh rất lo lắng vì nước giải khát “Coca” có nguồn gốc Trung Quốc này không hề in hạn sử dụng trên chai. Vì nhãn chai toàn tiếng Trung Quốc nên không ai đọc được thành phần của sản phẩm nên không biết nước uống này có chất gì độc hại không.

Có thể thấy, nước giải khát Trung Quốc hoàn toàn yếu thế trên thị trường Việt Nam. Không có bất cứ thương hiệu có nhãn mác in tiếng Trung nào dành được sự tin tưởng từ khách hàng Việt.

nước giải khát
Tại các siêu thị, nước giải khát Việt chiếm ưu thế. Ảnh Bảo Linh 

Tuy nhiên, xét rộng hơn trong cộng đồng sử dụng tiếng Hoa, vẫn có thương hiệu mang “quốc tịch” Đài Loan được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đó là Tribeco. Nhưng xét cho cùng, thực chất, Tribeco là thương hiệu do người Việt xây dựng và quảng bá. Chỉ tới khi gặp Tribeco gặp khó khăn, Uni - President - tập đoàn chuyên sản xuất thực phẩm nước giải khát hàng đầu của Đài Loan mới thâu tóm Tribeco. Ban đầu, Uni - President chỉ sở hữu 15% cổ phần Tribeco nhưng, chưa đầy 3 năm sau, Uni-President đã nắm giữa 43,6% cổ phần Tribeco.

Từ khi về tay Uni-President, Tribeco bớt khó hơn nhưng vẫn chưa thể tìm lại vị thế ngày xưa của mình. Hiện Tribeco đang sống dựa vào một số sản phẩm như sữa đậu nành Trisoy, trà bí đao Tribeco, trà ngon 100, tăng lực X2 dâu, chanh.

Chạy đua cùng Coca Cola, Pepsico

Giống như thị trường bia, thị trường nước giải khát Việt Nam rất hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng khả quan.

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Datamonitor (Anh), vào cuối năm 2014, thị trường nước uống đóng chai Việt Nam sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 279 triệu USD, tăng trưởng bình quân 6%/năm trong giai đoạn 2009 - 2014. Đồng thời, tổng sản lượng của toàn thị trường đạt 307 triệu lít.

Euromonitor International (EI - một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu về các quốc gia, nghiên cứu về khách hàng) lạc quan hơn khi đưa ra dự báo nước giải khát là ngành có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.

Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2016, tốc độ tăng trưởng ngành nước uống đóng chai đạt 16%/năm. Với tốc độ tăng trưởng “trong mơ” này, thị trường nước giải khát Việt đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia. Điều đáng nói, trong thị trường “béo bở” này, thương hiệu Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng.

Thực ra, người có công lớn ngăn chặn sự thâm nhập của nước giải khát Trung Quốc không phải doanh nghiệp Việt mà là hai ông lớn Coca Cola và Pepsico.

Ngay từ khi Việt Nam mới mở cửa, hai ông lớn này đã vào Việt Nam và thống lĩnh thị trường. Thời gian đầu, người ta chỉ được chứng kiến màn so găng tay đôi đầy khốc liệt giữa Coca Cola và Pepsico. Nước giải khát Trung Quốc không có chỗ đứng vì Coca Cola và Pepsico có sức ảnh hưởng quá mạnh.

Cũng giống như nước giải khát Trung Quốc, doanh nghiệp nội địa gặp khó khi cạnh tranh với Coca Cola và Pepsico.

Pepsico vào thị trường Việt Nam trước nên đã thống lĩnh thị trường từ Nam ra Bắc. Chiêu thức hãng này áp dụng là giá rẻ, cộng thêm uy tín, chất lượng cao, Pepsi "đè bẹp" hầu hết các đối thủ nội địa trong vòng không quá… một tháng. Tribeco là “nạn nhân” nổi tiếng nhất khi suýt phá sản và kết quả cuối cùng là Tribeco rơi vào tay ông lớn Đài Loan.

Tân Hiệp Phát
Tân Hiệp Phát thắng lớn với Trà xanh 0 độ 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt không cam chịu việc phải đứng nhìn Coca Cola và Pepsico tung hoành ngay trên “sân nhà mình”. Tân Hiệp Phát là một trong những gương mặt tiêu biểu không ngừng lớn mạnh để chia sẻ thị phần với Coca Cola và Pepsico.

Thành lập năm 1994, trải qua nhiều khó khăn, tới năm 2001, Tân Hiệp Phát mới tạo được tiếng vang lớn với nước tăng lực Number 1. Thời điểm đó, Red Bull, Rhino và Lipovitan đang làm mưa làm gió trên phân khúc này. Tân Hiệp Phát không ngại các ông lớn. Bằng chính sách giá rẻ, Number 1 đã thu về hơn 30% thị phần chỉ sau 3 tháng.

Cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn khi Samurai và Sting được Coca Cola và Pepsico tung ra để đối chọi với Number 1. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến không có hồi kết khi mà tất cả các sản phẩm đều có tiếng nói riêng trên thị trường.

Ngoài Number 1, Tân Hiệp Phát còn nổi đình đám với một số sản phẩm khác như Trà Xanh 0 độ, trà Dr Thanh. Doanh thu của Tân Hiệp Phát được đánh giá thậm chí không thua kém Pepsi là bao. Có thể thấy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đang được cải thiện mạnh.

Thị trường nước giải khát Việt còn ghi dấu nhiều thương hiệu nổi tiếng khác. Ông lớn ngành sữa Vinamilk cũng mạnh tay đầu tư vào rất nhiều sản phẩm nước giải khát như dòng Vfresh. Bên cạnh đầu tư vào sản xuất, Vinamilk còn mạnh tay chi tiền cho quảng cáo. Chính vì vậy, các sản phẩm của Vinamilk dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh Coca Cola, Pepsico, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, thị trường nước giải khát Việt Nam còn có chỗ đứng cho Kirin, Wonderfarm, URC,…

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn