Tại Hội nghị Trung ương 14, khoá XII, Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Trả lời VTC News, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho hay, nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ phải đảm bảo cơ cấu về độ tuổi.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Ông Thưởng cho rằng, việc cơ cấu độ tuổi xuất phát từ yêu cầu vừa phải có những nhân sự từng trải, kinh qua những chức vụ khác nhau đồng thời cũng phải có những người trẻ để kế cận.
“Trường hợp đặc biệt, có thể là những người trên 60 tuổi, đã từng kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, có kinh nghiệm thực tiễn và sẽ là nòng cốt Ban Chấp hành khoá mới. Còn độ tuổi dưới 50 là đội ngũ kế cận những người ‘dự trữ’ lâu dài, độ tuổi này càng trẻ càng tốt”, ông Lê Quang Thưởng cho hay.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khẳng định ý nghĩa của việc cơ cấu độ tuổi là để đội ngũ cán bộ có thể kế tục nhau, không đứt quãng.
“Nếu tất cả lớn tuổi thì đến khi nghỉ sẽ không có người thay kịp, nên phải đưa những người dưới 50 tuổi để từng bức thay thế những người ngoài 60 tuổi khi nghỉ”, ông Thưởng nói.
Về đổ tuổi tối thiểu giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, ông Thưởng cho biết, theo nguyên tắc người được giới thiệu vào Bộ Chính trị phải là Uỷ viên Trung ương ít nhất một khoá. Tương tự để được giới thiệu bầu Tổng Bí thư thì sẽ phải là Uỷ viên Bộ Chính trị ít nhất một khoá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho hay, việc đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII để tạo ra sự kế thừa liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Ông Hà đánh giá thế hệ trẻ có thể năng động hơn, trẻ hơn, khỏe hơn, hăng hái hơn nhưng kinh nghiệm còn ít. Vì vậy, ông Hà cho rằng phải tạo ra tập thể đoàn kết, thống nhất, kế thừa nhau, bổ sung cho nhau, phát huy những mặt mạnh, hạn chế những mặt còn khiếm khuyết.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất về cơ cấu phải có một số người dưới 45 tuổi, chính là các Ủy viên dự khuyết Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng cho lâu dài.
Nếu là Ủy viên Trung ương chính thức mới tham gia lần đầu thì phải đủ tuổi để công tác 2 nhiệm kỳ, tức là ít nhất 50 tuổi, hoặc đủ để công tác trọn 1 nhiệm kỳ, tức là không quá 55 tuổi. Những Ủy viên Trung ương tái cử thì không quá 60 tuổi.
Nếu các cán bộ đã là Ủy viên Trung ương và lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì không quá 60 tuổi. Nếu các là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử thì không quá 65 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt.
“Chúng ta biết rằng đại hội lần này cũng là sự chuyển giao đội ngũ cán bộ. Là sự chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh, đào tạo bài bản trong mái trường xã hội chủ nghĩa; bây giờ chuyển sang một thế hệ cán bộ sinh ra lớn lên trong hòa bình và lại được đào tạo từ rất nhiều nguồn, rất nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”, ông Hà nói.
Nói về “trường hợp đặc biệt”, ông Hà cho rằng, để xác định “trường hợp đặc biệt”, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt. Sau khi thống nhất, Ban Chấp hành Trung ương mới trình ra Đại hội để xem xét, quyết định.
Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, 4 “trường hợp đặc biệt” tái cử đã thể hiện năng lực, uy tín và trách nhiệm của mình trong công việc và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
“Có thể nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có sự tín nhiệm rất cao trong Đảng và trong Nhân dân. Từ vai trò của người đứng đầu của Đảng nên trong Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư có sự đoàn kết thống nhất rất cao, có sự vững mạnh hơn, góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân. Điều đó cho thấy, việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết”, ông Hà khẳng định.
Cũng cùng quan điểm này, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, các “trường hợp đặc biệt” là những người có phẩm chất, uy tín, có năng lực và sẽ là nòng cốt cho khoá mới.
“Theo tôi, nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ tiếp tục xuất hiện những trường hợp đặc biệt”, ông Thưởng nhận định.
Bình luận