Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam vừa được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược Thái Bình Dương và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam do UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 6/9 tại Đà Nẵng.
Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo diễn ra sáng 6/9 |
Theo đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tìm được đầu ra tốt khi cạnh tranh hơn về giá nhờ những rào cản đối với dệt may, da giầy... của các nước tham gia Hiệp định sẽ được dỡ bỏ đến 90%, thêm vào đó, thuế suất thuế xuất khẩu với mặt hàng này cũng sẽ giảm về 0%, tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh hơn về thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): “TPP được ký kết sẽ tạo cú hích mở rộng thị trường, tăng nguồn hàng, sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Sau các Hiệp định thương mại tự do nhóm các nước đang phát triển (FTA), thương mại tự do EU, TPP được đánh giá là quan trọng và thu hút được sự chú ý nhất từ trước đến nay”.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của ngành dệt may Việt Nam năm 2013, mặc dù trong năm 2012 ngành đạt doanh thu lên đến 20 tỷ USD, xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều do lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nặng về phương thức gia công.
Cụ thể, cả nước có 5,1 triệu cọc sợi và hàng năm sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu, nhưng năm 2012, lượng nguyên liệu nhập khẩu lên đến gần 700.000 tấn bông, xơ các loại.
Ngoài ra, mặc dù ngành dệt may có nhu cầu sử dụng 6,8 tỷ mét vải trong năm 2012, nhưng tổng lượng vải sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 0,8 tỷ mét, nhập khẩu 6 tỷ mét.
Bên cạnh đó, 70% sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức gia công CMT (cắt, ráp và hoàn thiện). Bên cạnh đó, hầu hết doanh thu ngành chủ yếu thuộc về doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc, Trung Quốc...
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo hàng loạt thách thức tiềm ẩn đối với doanh nghiệp dệt may từ Hiệp định TPP |
Tuy vậy, theo thống kê Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong số 4.000 doanh nghiệp dệt may cả nước, số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 25% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại chiếm đến hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Điều này khiến các doanh nghiệp nội địa, quy mô nhỏ dễ mất chỗ đứng, “chết lâm sàng” ngay trên sân nhà nếu như không có hành động.
Ông Phạm Gia Định, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Dệt may Huế hy vọng, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu ở Mỹ đang phải chịu thuế nhập đến 28% thì với ưu thế TPP sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ đổ xô tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam do giá nhân công rẻ, chất lượng cao... Đây sẽ là cơ hội đối với doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới.
Bửu Lân
Bình luận