Mới đây, hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất giấy tại cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Phong Khê (TP Bắc Ninh) và CCN Phú Lâm (huyện Tiên Du) bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt do vi phạm bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.
Để tiếp tục sản xuất, duy trì sự tồn tại của làng nghề, các doanh nghiệp giấy này đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép vận hành thử nghiệm các hệ thống xử lý nước thải để đánh giá, nghiệm thu và sớm hoạt động trở lại, tránh thiệt hại lớn về kinh tế.
Đầu tư tiền tỷ xử lý nước thải
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH giấy Tân Hoàng Nga (CCN Phong Khê 1, TP Bắc Ninh) chia sẻ, thời gian trước đây, mỗi ngày công ty của ông sản xuất khoảng 30 tấn giấy, tạo công ăn việc làm cho gần 60 công nhân với thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi người 1 tháng.
Sau khi bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính và buộc dừng hoạt động do vi phạm bảo vệ môi trường, Công ty Tân Hoàng Nga gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Trước đó, để sản xuất kinh doanh, ông Đức phải vay ngân hàng cả chục tỷ đồng và trả lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Khi công ty bị đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường, hoạt động sản xuất bị dừng, máy móc hư hỏng, công nhân mất việc làm, khách hàng tìm đối tác khác... Điều này khiến gia đình ông Đức gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ phá sản rất lớn.
Tuy nhiên, ông Đức cũng như các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm đều nhận thấy rõ chủ trương của tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường là rất đúng nên chấp hành nghiêm việc này. Hiện nay, các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn đang tập trung đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khói bụi với mong muốn sớm được tỉnh cho phép hoạt động trở lại.
Do diện tích mặt bằng nhà xưởng có hạn, ông Phạm Văn Đức quyết định lựa chọn mô hình xử lý nước thải CNC 800M do Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam (CCN Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) nghiên cứu và phát triển. Công suất máy đạt 800 m3/ngày đêm với kinh phí xây dựng chỉ bằng 1/3 các hệ thống xử lý nước thải khác.
"Khi đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý nước thải CNC 800M của Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hiện tại nước đầu vào và đầu ra rất tốt. Chúng tôi cam kết là quay vòng hệ thống nước thải 100% không xả ra môi trường.
Nếu đi vào hoạt động sẽ đỡ được rất nhiều chi phí, nước đầu vào thì không mất mà lại thu hồi được bột chảy ra, tạo điều kiện rất tốt trong sản xuất, tiết kiệm chi phí trong xử lý nước thải, đảm bảo quy định về pháp luật bảo vệ môi trường", ông Phạm Văn Đức khẳng định.
Bà Vũ Thị Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam cho biết, máy xử lý nước thải CNC 800M dựa trên công nghệ lõi gồm phần máy và phần chế phẩm vi sinh khử mùi, thúc đẩy quá trình xử lý.
“Máy có rất nhiều ưu điểm nổi trội, nhỏ gọn, dễ lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng. Nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cột A của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, bà Hoa thông tin.
Ưu điểm nữa của máy xử lý nước thải CNC 800M là khi vận hành không tốn quá nhiều nhân công vì máy hoàn toàn tự động, hóa chất sử dụng cho quá trình xử lý rất thấp và diện tích đặt máy chỉ bằng 1/3 so với với công nghệ cũ.
Với những ưu điểm nổi trội này, các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép vận hành thử nghiệm để đánh giá, nghiệm thu nhằm nhân rộng mô hình xử lý.
“Công ty tôi có xưởng chế tác nên thời gian lắp đặt, chế tạo đáp ứng được theo tiến độ CCN Phong Khê và CCN Phú Lâm cũng như các cơ quan, ban ngành đang mong muốn giải quyết nhanh chóng thực trạng xử lý nước thải của khu vực trên”, bà Hoa cho biết thêm.
Ông Ngô Văn Cần, Phó Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Cường (CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du) cho biết, mỗi ngày công ty sản xuất từ 60-70 tấn giấy và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân lao động. Nhưng sau khi liên tiếp nhận 2 quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động, công ty lâm cảnh khốn khó.
Do đó, để mong được hoạt động sản xuất trở lại với đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng công trình xử lý nước thải tuần hoàn, đảm bảo 100% không thải chất ô nhiễm ra môi trường.
“Trước kia, do hoạt động không đảm bảo môi trường nên công ty bị xử phạt vi phạm hành chính, cho tạm dừng sản xuất để đầu tư công trình xử lý nước thải. Đến nay, công ty đã khắc phục hoàn toàn, rất mong UBND tỉnh, các sở, ban ngành kiểm tra, tạo điều kiện cho công ty hoạt động trở lại”, ông Cần nói.
Là người trực tiếp lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý nước thải cho Công ty Giấy và Bao bì Phú Cường, ông Nguyễn Đức Sáng (Công ty Nhật Kiến Thành, tỉnh Bình Dương) cho biết, khi tỉnh Bắc Ninh mạnh tay xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, các công ty đã có ý thức đặt đồ và các thiết bị để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
“Phần xây dựng, thợ xây làm cả ngày lẫn đêm trong vòng 1,5 tháng thì xong. Song song với quá trình xây dựng, các thiết bị được chế tạo và chuyển ra để lắp đặt, khoảng 2 tháng là xong”, ông Sáng thông tin về việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.
Cho phép vận hành thử nghiệm
Ngày 29/7, Đoàn liên ngành của tỉnh Bắc Ninh gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Cảnh sát môi trường và UBND phường Phong Khê có buổi kiểm tra, vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải CNC 800M tại cơ sở sản xuất giấy Tân Hoàng Nga (CCN Phong Khê 1, TP Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam nghiên cứu và phát triển.
Sau khi trực tiếp kiểm tra, thẩm định việc vận hành thử nghiệm công nghệ CNC 800M trong xử lý nước thải sản xuất giấy của Công ty Tân Hoàng Nga, ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nên rất thuận lợi cho vấn đề lắp đặt hay quản lý vận hành, bảo trì sau này.
"Qua báo cáo của đơn vị tư vấn cũng như của nhà đầu tư và đặc biệt là ý kiến của các sở, ngành và chính quyền địa phương, chúng tôi thống nhất với công nghệ CNC 800M.
Trước mắt, nguồn nước thải của Công ty Tân Hoàng Nga sau khi sử dụng công nghệ CNC 800M đã đạt cột A, nước rất trong. Nếu thải nguồn nước này ra môi trường sẽ đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thậm chí có thể phục vụ nông nghiệp.
Ngành sản xuất giấy cần nhiều nguồn nước, vậy nên nếu công nghệ này có thể xử lý quay vòng, tái chế được nguồn nước thì sẽ rất tốt. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp", ông Phương cho biết.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định sẽ báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép Công ty Tân Hoàng Nga vận hành sử dụng công nghệ CNC 800M.
Ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) cho biết, trong 3 tháng qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê cơ bản được xử lý triệt để.
“Hiện nay, kể cả ô nhiễm về khói bụi, nguồn nước, không khí ở Phong Khê bình thường như những nơi khác. Hiện nay con sông rất trong, xanh”, ông Biên nói.
Theo ông Biên, đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê, họ rất mong muốn tìm ra được công nghệ tối ưu để xử lý khói bụi, xử lý nước thải, nhưng từ trước đến nay chưa thực sự có công nghệ đáp ứng được với đặc thù của nghề giấy.
"Một số công ty đã nghiên cứu ra được công nghệ tối ưu, phù hợp với nguồn nước, nguồn khí thải của các cơ sở sản xuất giấy, đặc biệt là công nghệ CNC 800M. Các doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ này và họ đã tập trung lắp đặt các hệ thống để xử lý ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước thải", ông Biên nói.
Trong thông báo kết luận tại phiên họp giao ban lãnh đạo UBND tỉnh ngày 29/7, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, các chủ cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm đã có ý thức bảo vệ môi trường một cách rõ rệt. Một số cơ sở đã đầu tư xây dựng xong hệ thống xử lý môi trường nhưng chưa được phép hoạt động, chưa được hoàn thiện các thủ tục, nộp hồ sơ liên quan đến lĩnh vực môi trường.
Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép các cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường nộp hồ sơ đề nghị cho phép vận hành thử nghiệm đến Chủ tịch UBND tỉnh.
Cụ thể, đối với các cơ sở đã được kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hồ sơ gồm: Biên lai nộp tiền phạt; văn bản báo cáo việc thực hiện khắc phục sai phạm (xây dựng xong hệ thống xử lý môi trường); đơn đề nghị cho phép vận hành thử nghiệm.
Đối với các cơ sở chưa kiểm tra, xử phạt trong năm 2021, hồ sơ gồm: Bản cam kết đã xây dựng xong hệ thống xử lý môi trường gồm (nước thải, khí thải và chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất); đơn đề nghị cho phép vận hành thử nghiệm.
"Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND TP Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du chịu trách nhiệm trong việc giám sát việc vận hành thử nghiệm của các cơ sở.
Nếu cơ sở vận hành thử nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn của pháp luật về môi trường thì cho phép vận hành chính thức. Nếu cơ sở vận hành thử nghiệm chưa đảm bảo tiêu chuẩn của pháp luật về môi trường thì kiên quyết tiếp tục dừng hoạt động đến khi cơ sở điều chỉnh, bổ sung hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê (TP Bắc Ninh) và CCN Phú Lâm (huyện Tiên Du) xả thải gây ô nhiễm kinh hoàng, từ ngày 29/4 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 46 cơ sở, tổng số tiền phạt 14,49 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 44 cơ sở từ 4,5 đến 9 tháng.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải và chất thải rắn tại Phong Khê và Phú Lâm có nhiều chuyển biến rõ rệt, đang tạo ra một môi trường không khí trong lành cho người dân.
Bình luận