New Straits Times cho biết, sau khi đối mặt với nhiều thách thức tại Việt Nam trong các năm 2013 và 2014, Gamuda Land đã có sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số bất động sản khi đạt 125 triệu USD vào năm 2015 và 220 triệu USD trong 2016 tại Việt Nam.
Tập đoàn này hiện có hai dự án lớn phát triển đô thị lớn tại Việt Nam là dự án Gamuda City tọa lạc gần công viên Yên Sở, Hà Nội với vốn đầu tư 3,5 tỷ USD từ năm 2007 và dự án Celadon City tại TP.HCM trị giá 1,16 tỷ USD được tập đoàn phát triển từ năm 2010.
Tổng giám đốc Gamuda Land - ông Chow Chee Fan cho biết, nhu cầu về bất động sản nhà ở của người Việt Nam hiện đang tăng lên và người mua cũng đang tìm kiếm các dự án có chất lượng cao hơn.
Ông Chow cũng cho biết, tỷ lệ tiêu thụ của một vài đợt mở bán gần đây tại dự án Gamuda City luôn đạt 100%.
"Đa số khách hàng đã mua bằng tiền mặt. Giá bán của các sản phẩm từ 300.000 USD đến 1 triệu USD", ông Chow nói trong chuyến viếng thăm Gamuda City ngày 18/5.
Dự án Gamuda City có diện tích 474 ha, cách khu vực trung tâm Hà Nội 6 km với các hạng mục công trình bao gồm Gamuda Central, Gamuda Plaza, Gamuda Gardens, trung tâm thương mại Gamuda City và Gamuda Lakes.
Giai đoạn đầu tiên sẽ phát triển dự án Gamuda Gardens có quy mô 73 ha, dự án cung cấp hơn 2.100 căn hộ, 2.000 nhà phố, 100 shophouse, 200 căn nhà liền kề và 100 căn biệt thự. Trị giá của Gamuda Gardens là 850 triệu USD.
Ông Chow tự tin doanh số của Gamuda City sẽ tăng cao hơn trong các năm tài khóa 2017 và 2018 khi đạt 150 triệu USD mỗi năm, chủ yếu đến từ Gamuda Gardens.
Lãnh đạo Gamuda cũng cho rằng thị trường bất động sản của Việt Nam đang đi lên nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia đã tạo ra hàng ngàn việc làm và giúp thu nhập người dân tăng lên.
Trong khi đó, ông Wyren Yap Vooi Soon - Tổng Giám đốc Gamuda Land TP.HCM kỳ vọng sẽ thu về 120 triệu USD trong năm nay và năm tới từ dự án Celadon City.
Gamuda Land là đơn vị phát triển bất động sản của tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được thành lập vào năm 1995. Vào năm 2007, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam được thành lập để trực tiếp quản lý dự án tái định cư Công Viên Yên Sở và phát triển khu đô thị Gamuda City.
Dù tự tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam nhưng Gamuda Land đã gặp không ít tai tiếng và nhiều lần bị cơ quan quản lý thanh tra.
Theo báo cáo kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Gamuda Land làm chủ đầu tư, qua kiểm toán chi tiết chi phí đầu tư (bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn xây dựng, chi phí khác và chi phí quyết toán giai đoạn 2 của dự án, chi phí giải phóng mặt bằng) đều có sự chênh lệch lớn so với số liệu báo cáo của chủ đầu tư Gamuda Land.
Con số chênh lệch lên tới 147,8 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng sau khi kiểm toán giảm tới 44,8 triệu USD.
Từ kết quả kiểm toán này, KTNN kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án hơn 61,9 triệu USD, trong đó yêu cầu nộp trả UBND TP Hà Nội hơn 22,1 triệu USD, tương đương 484,2 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá cuối năm 2015).
Đồng thời kiến nghị giảm số tiền được UBND TP Hà Nội thanh toán so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập 39,8 triệu USD, tương đương hơn 872 tỷ đồng.
KTNN đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận các nội dung kiến nghị xử lý tài chính khác số tiền hơn 86,8 triệu USD để quyết toán và thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách, tài sản công.
Video: Điểm lại những dự án nghìn tỷ thua lỗ của PVN
KTNN cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể tại Sở TN-MT Hà Nội và Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam trong việc không kịp thời quyết toán hợp đồng BT, chậm thu hồi số tiền nộp ngân sách 22,1 triệu USD, xác minh làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật trong việc tham mưu cho UBND TP chấp thuận ký hợp đồng BT khiến UBND TP Hà Nội phải tự bỏ chi phí để vận hành dự kiến 450 tỷ đồng.
Không chỉ Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, phim trường Santorini Park của Gamuda Land Việt Nam cũng bị UBND quận Hoàng Mai yêu cầu phải tháo dỡ theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội do hoạt động không phép.
Tuy nhiên, đã qua thời gian phải thực hiện chỉ đạo nhưng phim trường Santorini Park vẫn hoạt động một cách công khai.
Bình luận