• Zalo

Điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà, phụ huynh nhất định phải nhớ những điều này

Tư vấnThứ Hai, 24/01/2022 16:04:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các phụ huynh cần ghi nhớ những điều này khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà.

Ths. Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y tế Công Cộng nêu 4 bước cần lưu ý với phụ huynh khi điều trị trẻ em à F0 tại nhà.

Bước 1: Báo cho y tế địa phương. Trẻ em là đối tượng khác biệt so với người lớn, một số trẻ dưới 3 tháng, trẻ có bệnh lý nền nên được theo dõi tại cơ sở y tế. Việc phân luồng sắp xếp sẽ do y tế địa phương phụ trách.

Bước 2: Kết nối với đội ngũ bác sĩ hỗ trợ F0. Trẻ em khác biệt người lớn vì không thể phản ánh chính xác tình trạng của mình, các triệu chứng thay đổi từng ngày, nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong việc theo dõi trẻ, nên cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của các bác sĩ, tránh bỏ sót những dấu hiệu nặng của bệnh, cũng như hạn chế sự lo lắng quá mức của gia đình.

Điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà, phụ huynh nhất định phải nhớ những điều này - 1

Một bé trai mắc COVID-19 nặng tại Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. (Ảnh: Vietnamnet)

Bước 3: Chuẩn bị phòng, người chăm sóc cho trẻ. Vì trẻ có khoảng thời gian ít nhất 2 tuần ở trong phòng, trong nhà nên cần đảm bảo trẻ sẽ có thể có đủ đồ chơi, không gian vận động thoải mái.

Khi trẻ ốm phải chú ý đến tâm lý của trẻ, tạo không khí thoải mái, vui vẻ, hạn chế những căng thẳng, stress, lo lắng cho các con.

Bước 4: Chuẩn bị thuốc và các vật dụng cần thiết cho chăm sóc trẻ.

- Thuốc hạ sốt: Bình thường các đợt ốm trước bé dùng hạ sốt gì thì đợt này dùng loại hạ sốt đó, theo đúng cân nặng của con. Với trẻ khó uống thuốc nên chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt đặt hậu môn để dùng trong trường hợp trẻ không uống được.

- Thuốc ho thảo dược và thuốc ho long đờm: Chọn 1 loại thảo dược và 1 loại thuốc long đờm tây y. Thời gian đầu trẻ ho thì sử dụng thuốc ho thảo dược trước.

- Các dung dịch xịt mũi, vệ sinh mũi họng. Mục đích sử dụng là vệ sinh mũi họng cho trẻ, giảm sự khó chịu cho trẻ, giảm nguy cơ bội nhiễm.

- Các thuốc tăng sức đề kháng và các vitamin. Mục đích hỗ trợ trong quá trình điều trị. Trẻ lớn: thuốc vitamin nhóm B, C. Trẻ nhỏ: multivitamin dạng siro. Với những trẻ ăn uống, dinh dưỡng tốt, không mệt nhiều thì không quá cần thiết phải sử dụng vitamin. Phụ huynh không sử dụng quá nhiều loại vitamin cùng một lúc dễ gây dư thừa và gây ra các tác dụng phụ.

- Vật dụng cần thiết: Kẹp nhiệt độ. Ưu tiên nhiệt kế điện tử kẹp nách. Nếu không có dùng nhiệt kế thủy ngân kẹp nách. Máy đo SpO2 theo lứa tuổi (nếu có điều kiện, không bắt buộc).

Chăm sóc trẻ thế nào?

Ths. Nguyễn Đình Tỉnh lưu ý, đảm bảo vấn đề dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề hàng đầu cần quan tâm. Theo đó, cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng. Ngoài ra, gia đình cần đảm bảo bù đủ nước điện giải cho trẻ trong trường hợp trẻ có sốt cao liên tục. Trẻ lớn, trẻ hợp tác thì bổ sung oresol, một số nước hoa quả. Trẻ trong độ tuổi bú mẹ thì cho bú mẹ nhiều hơn.

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng liều lượng và khoảng thời gian; mặc quần áo thoáng, bỏ bỉm khi trẻ sốt.

Các phụ huynh cần vệ sinh mũi hàng ngày, mũi sạch sẽ thì trẻ sẽ đỡ ngạt, đỡ ho, đỡ quấy và bú dễ dàng hơn; vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Cần theo dõi những dấu hiệu gì?

Các bậc phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ ngày 2 lần, khi sốt; ghi lại diễn biến thời gian dùng hạ sốt, nhiệt độ khi sốt, liều lượng thuốc hạ sốt. Người lớn cần theo dõi nhịp thở của trẻ khi ngủ  2 – 3 lần/ngày (ghi lại); theo dõi SpO2 ngày 2 lần (nếu có máy). Đồng thời, quan sát trẻ ăn, trẻ chơi xem có dấu hiệu gì bất thường không.

Những dấu hiệu cần báo với nhân viên y tế

- Trẻ sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1 – 2 giờ nhiệt độ không giảm); sốt cao quá 48 giờ; mệt nhiều, ăn/uống/ bú kém hơn.

- Trẻ thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 – 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút; SpO2 < 96%; ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở; trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.

Ths. Nguyễn Đình Tỉnh cũng lưu ý, thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với COVID-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm. Các bậc phụ huynh chỉ sử dụng thuốc khi có hướng dẫn của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.

Hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với COVID-19 dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà, nên vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh lưu ý không chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hàng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng.

Tất cả những hướng dẫn của các bác sĩ đều theo sát hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế Việt Nam thì các bậc phụ huynh không sử dụng.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn