Ngày 5/2, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại huyện Đồng Xuân (Phú Yên).
HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên để điều tra lại đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của nhiều cán bộ thuộc huyện Đồng Xuân.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/8/2017, TAND tỉnh Phú Yên phạt bốn bị cáo tổng cộng 30 năm tù về tội hủy hoại rừng. Trong đó, Huỳnh Anh Khương (37 tuổi, nguyên cán bộ Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân) tám năm tù; Phạm Xuân Trình (42 tuổi), La O Kính (40 tuổi, cùng ngụ huyện Đồng Xuân) mỗi bị cáo bảy năm sáu tháng tù; La Lan Thập (33 tuổi) bảy năm tù. Ngoài ra, tòa buộc bốn bị cáo liên đới bồi thường cho UBND xã Phú Mỡ hơn 2 tỉ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định với những nội dung cơ bản như quyết định kháng nghị phúc thẩm do viện này ban hành ngày 15/9/2017.
VKSND Cấp cao cho rằng vụ phá rừng trên xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của hàng loạt cán bộ. Đó là các ông Cao Thanh Lương, Trưởng phòng TN&MT huyện Đồng Xuân; Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; So Bếp, Bí thư đảng ủy xã Phú Mỡ; La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ; La O Hoa, cán bộ địa chính xã Phú Mỡ; Mai Xuân Lợi; cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; Nguyễn Phan Hóa, cán bộ Phòng TN&MT…
Những người này đều là cán bộ có trách nhiệm liên quan ở địa phương, biết rõ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN).
Tuy nhiên, những cán bộ này đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong thẩm định, thẩm tra hồ sơ dẫn đến việc cấp GCN trái quy định.
VKSND Cấp cao kết luận: Hành vi của các ông Cao Thanh Lương, Nguyễn Hồng Đức, So Bếp, La O Hóa, La O Hoa, Mai Xuân Lợi, Nguyễn Phan Hóa đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa cấp sơ thẩm không xét xử về hành vi này là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Viện cũng nhận định: đối với Phạm Xuân Trình, Hoàng Anh Khương, ngoài hành vi hủy hoại rừng còn có hành vi lập hồ sơ xin giao đất rừng không đúng quy định của pháp luật với diện tích 110 ha.
Hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai nhưng chưa được xử lý. Ngoài ra, các GCN đã cấp trái quy định pháp luật nhưng bản án sơ thẩm không tuyên hủy là thiếu sót.
Cơ bản thống nhất với những kiến nghị của VKSND Cấp tại tại Đà Nẵng, HĐXX phúc thẩm trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Phú Yên để điều tra lại đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ trên cũng như hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai của các bị cáo.
Theo hồ sơ, tháng 5/2015, Phạm Xuân Trình làm các hồ sơ đứng tên ba người dân tộc thiểu số để đăng ký cấp GCN ba thửa đất rừng ở địa phương này.
Được sự tác động của các ông Đỗ Minh Tân, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân; Nguyễn Thành Chung, cán bộ điều tra công an huyện, ba hồ sơ trên đã được UBND xã Phú Mỡ xác nhận. Sau đó, UBND huyện cấp các GCN với tổng diện tích hơn 83 ha rừng trái quy định.
Sau khi lập khống các hợp đồng chuyển nhượng, tháng 3/2016, Trình thuê gần 30 người sử dụng cưa máy, rựa phát trắng rừng. Thấy vậy, La O Kính, La Lan Thập cũng thuê người chặt phát rừng để lấy đất canh tác.
Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 110 ha rừng đã bị triệt hạ, phát trắng. Trong đó có 33 ha rừng (gồm 25 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất), 77 ha có cây gỗ tái sinh nhưng chưa thành rừng.
Bình luận