• Zalo

Điều kiện để các trường đại học được cấp bằng kỹ sư thay cử nhân?

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 01/08/2020 08:07:08 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT đồng ý các trường đại học được cấp bằng kỹ sư cho các khóa tuyển sinh trước ngày 1/7/2019 thay vì cấp bằng cử nhân theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

Cấp bằng kỹ sư, cử nhân khi nào?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc có công văn phản hồi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về việc cấp bằng tốt nghiệp đại học. Theo đó, Bộ thống nhất ý kiến của ủy ban về thực hiện điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với các ngành đào tạo của giáo dục đại học tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019 thì việc cấp bằng tốt nghiệp được áp dụng theo Luật Giáo dục Đại học 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Đối với các ngành tuyển sinh, đào tạo từ sau ngày 1/7/2019, việc cấp bằng tốt nghiệp được áp dụng theo mới và Nghị định 99/2019, cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trên cơ sở nguyên tắc áp dụng văn bản nêu trên, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát văn bản hiện hành về hướng dẫn nội dung ghi trên văn bằng để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu cần thiết) cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho người học.

Như vậy, với công văn này, các trường đại học được cấp bằng kỹ sư cho những khóa tuyển sinh trước ngày 1/7/2019 thay vì chỉ được cấp cấp bằng cử nhân theo hướng dẫn trước đây của Bộ GD&ĐT.

Điều kiện để các trường đại học được cấp bằng kỹ sư thay cử nhân? - 1

Lễ tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. (Ảnh minh hoạ)

Các trường lúng túng cấp bằng tốt nghiệp

Ông Nguyễn Trung Nhân, Tưởng phòng đào tạo Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ: "Khi tuyển sinh, chúng tôi cam kết cấp bằng kỹ sư với nhiều ngành kỹ thuật, giờ cấp bằng cử nhân sinh viên sẽ không đồng ý. Đó là điều không thỏa đáng với sinh viên khối kỹ thuật bởi tốt nghiệp CĐ cũng được cấp bằng cử nhân".

Tương tự, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, đến nay trường đã hoàn tất việc xét tốt nghiệp nhưng vẫn chưa biết cấp bằng kỹ sư hay cử nhân.

Nếu cấp bằng cử nhân sẽ rất thiệt thòi cho sinh viên bởi chương trình đào tạo kỹ sư của trường từ khóa 2014 là 142 tín chỉ, tuy chưa đủ 150 tín chỉ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với chương trình cử nhân 120 tín chỉ.

Liên quan việc cấp bằng tốt nghiệp cho các chương trình kỹ sư, ngày 3/7, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội có văn bản gửi Bộ GD&ĐT.

Trong văn bản nêu, hiện có nhiều cơ sở giáo dục đại học băn khoăn về thông tư 27/2019 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng chưa rõ, thậm chí Bộ GD&ĐT còn chỉ đạo từ ngày 1/3/2020 chỉ được cấp bằng cử nhân cho người tốt nghiệp các chương trình đào tạo trình độ đại học có khối lượng học tập dưới 150 tín chỉ, áp dụng cho tất cả chương trình đào tạo kỹ sư, kể cả các chương trình tuyển sinh trước 1/7/2019.

Đại diện Ủy ban cho rằng Luật giáo dục đại học mới quy định hệ thống văn bằng giáo dục đại học gồm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng có trình độ tương đương, giao Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu, đặc thù và không có quy định chuyển tiếp hoặc hồi tố về nội dung này.

Do vậy, nội dung văn bản hướng dẫn thi hành cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan có thẩm quyền cũng không được vi phạm vào nguyên tắc không hồi tố.

Đối với trường đại học đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo các trình độ giáo dục đại học theo chương trình đào tạo cũ trước khi Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành thì vẫn được tiếp tục thực hiện đào tạo, cấp bằng theo quy định cũ. Các trường hợp tuyển sinh sau thời điểm luật có hiệu lực phải thực hiện theo quy định mới.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn