• Zalo

Điều ít biết về tập đoàn 'rót' 200 triệu USD vào Hà Nội

Kinh tếThứ Sáu, 11/04/2014 11:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chấp nhận "trì hoãn có ý đồ" khi để cho các ông lớn bán lẻ thế giới vào Việt Nam trước,Tập đoàn bán lẻ AEON nuôi kế hoạch chiếm lĩnh thị trường VN.

(VTC News) - Chấp nhận "trì hoãn có ý đồ" khi để cho các ông lớn bán lẻ thế giới vào Việt Nam trước, Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) nuôi kế hoạch chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.

Sau khi có những thành công nhất định khi xây dựng những dự án tại TP.HCM và Bình Dương, tập đoàn bán lẻ lâu đời nhất Nhật Bản AEON chính thức đặt chân ra Hà Nội.
AEON
AEON là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản 
Dự án đầu tư tại Hà Nội của tập đoàn AEON có tên là Khu phức hợp trung tâm thương mại, dịch vụ cộng đồng và triển lãm Aeon Mall Him Lam. Dự án sẽ được khởi công tại khu vực Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội trong tháng 4/2014.


Quy mô dự án khoảng 10ha thuộc Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội nằm trong khu công nghiệp Sài Đồng B do Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư.

 
Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1,1 triệu m2 bao gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng làm việc, khu thể thao… Trong đó có khoảng 75.500m2 diện tích dùng để cho thuê. Tổng số vốn đầu tư của dự án dự kiến lên tới 200 triệu USD và dự tính đến năm 2015 sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động tạo việc làm cho khoảng 2.000 nhân viên.


Với việc chính thức đặt chân ra Hà Nội, AEON Nhật Bản đã thêm một bước tiến trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.

 
Trước đó, hồi tháng 1/2014, AEON Nhật Bản cũng đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam (Aeon Tân Phú Celadon) tại quận Tân Phú, TP.HCM. Dự án Trung tâm mua sắm AEON -Tân Phú Celadon đã được tập đoàn AEON Mall công bố từ tháng 3/2012 với mức đầu tư 109 triệu USD.


Đồng thời, AEON Nhật Bản cũng dự kiến sẽ khai trương trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary vào tháng 10/2014 và Aeon Mall Long Biên, Hà Nội vào 2015. Tại mỗi trung tâm mua sắm kiểu này, AEON dự định sẽ phải tuyển dụng khoảng 2.000 nhân viên làm việc.

Được biết, với kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, AEON Nhật Bản dự kiến, đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn ở Việt Nam.

 
Theo thông tin trên website của Tập đoàn này, AEON hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Được thành lập từ năm 1758, với lịch sử trải dài trên 250 năm, Tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản.


AEON chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện (01/12/2009 – 10/07/2012). Ngày 07/10/2011: Được sự chấp thuận từ UBND TP HCM, Công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức được thành lập, đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Đây được xem là phương hướng kinh doanh chủ đạo. Ngoài ra AEON còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại và nghiên cứu.

Chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là bám lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt Nam, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. 

Trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, AEON đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop. Dự kiến tháng 10/2014, trung tâm thương mại thứ hai mở ở Bình Dương, năm 2015 đến lượt trung tâm thương mại tại Long Biên, Hà Nội, hoạt động.

Dù thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là một "miếng bánh ngon", nhưng có thực sự dễ "nuốt trôi" khi miếng bánh ấy đang trở thành cuộc chạy đua tranh giành thị phần gay gắt giữa hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài có thực lực như BigC, Metro và Lotte.

Hơn nữa, đây không phải là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Vào tháng 6/2011, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản đã bắt tay với tập đoàn Phú Thái, chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nên FamilyMart đã chia tay Phú Thái. Đến ngày 30/7/2013, chuỗi cửa hàng này đã khai trường trở lại sau khi tạm ngưng hoạt động để thay đổi đối tác.

Như vậy, dù có mức đầu tư khủng, nhưng là doanh nghiệp đi sau, AEON sẽ phải tranh giành miếng bánh thị phần bán lẻ khốc liệt với các đại gia bán lẻ đi trước, vốn đã gây dựng được lòng tin với khách hàng Việt Nam
.

Trước đó, trả lời trên báo chí Tổng giám đốc Công ty AEON Mall Việt Nam vẫn lạc quan cho rằng, khủng hoảng kinh tế đang là cơ hội đầu tư của nhà kinh doanh bán lẻ. 2 lý do được ông Yukio Konishi viện dẫn để cho rằng tập đoàn không muộn khi đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm khó khăn kinh tế này, ngoài việc mang đến dịch vụ của người Nhật. Theo đó, Việt Nam có 90 triệu người và diện tích tương đương nước Nhật, khác biệt lớn nhất là dân số Việt trẻ. Do đó, đầu tư hôm nay, 10 năm sau AEON Mall sẽ đạt được thành công.

Ngoài ra, dù đã có mặt ở Việt Nam 3 năm, nhưng AEON Mall lại chấp nhận "trì hoãn có ý đồ" khi để cho các ông lớn bán lẻ thế giới vào Việt Nam trước, ở thời điểm vẫn đang là thị trường bán lẻ số một toàn cầu. Các nhà bán lẻ đến trước đã có thời gian dạy cho người tiêu dùng Việt những kiến thức về hàng hóa, chất lượng sản phẩm.

"Ngày nay chúng tôi có lợi thế hơn, bởi người dùng Việt Nam đã có thể hiểu và so sánh chất lượng giữa các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ", ông Yukio Konishi nhận xét.

Rõ ràng, việc AEON có thành công ở thị trường Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi đó, hàng loạt các "đại gia" bán lẻ ngoại khác như tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng đang lên kế hoạch tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam. 


Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn