• Zalo

Điều ít biết về Tân Hoàng Minh và ông chủ Đỗ Anh Dũng vừa bị bắt giam

Bất động sảnThứ Sáu, 08/04/2022 07:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến là "ông lớn" trong giới bất động sản, sở hữu nhiều dự án cao cấp, trong khi ông Đỗ Anh Dũng nổi tiếng với khối tài sản "khủng".

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông chủ 10.000 tỷ 

Trước khi bị bắt, ông Dũng nổi tiếng là đại gia bất động sản với việc nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp, ước tính số tài sản lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Dũng đang sở hữu 51,48% trong tổng số vốn điều lệ đến 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tương ứng 5.148 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần D.Pay có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, tương ứng 7,5 tỷ đồng.

Điều ít biết về Tân Hoàng Minh và ông chủ Đỗ Anh Dũng vừa bị bắt giam - 1

Bị can Đỗ Anh Dũng (bìa trái) cùng các đồng phạm bị bắt giam. Ảnh: Công an 

Ngoài ra, ông Dũng còn nắm cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn (80%); Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh (34%); Công ty cổ phần nhà D'Land (25%); Công ty cổ phần quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt (80%)...

Ông Đỗ Anh Dũng (SN 1961) thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tại TP.HCM từ năm 1993. Ban đầu, Tân Hoàng Minh hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng, dịch vụ vận tải công cộng bằng taxi.

Đến năm 2006, ông Đỗ Anh Dũng dần chuyển hướng sang tài chính và bất động sản, trong đó kinh doanh bất động sản được xác định là hoạt động chính và tạo được nhiều tiếng vang lớn với những dự án nghìn tỷ ở những khu đất "vàng" tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Loạt dự án vướng lùm xùm

Đầu tháng 1/2022, 11 dự án của Tân Hoàng Minh bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) vào cuộc thanh tra. Các dự án gồm: D’.Le Pont D’or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’ San Raffles Hàng Bài; D'. Le Roi Soleil Quảng An; D’.El Dorado Phú Thượng; D’.Dorado Phú Thanh; D’Capitale Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng; D’. Jardin Royal-Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt; Tân Hoàng Minh Lò Đúc; Tân Hoàng Minh Hoàng Mai...

Dự án D'.El Dorado Phú Thượng và chung cư cao cấp D'.El Dorado II Phú Thanh (quận Tây Hồ, Hà Nội) nằm cạnh Hồ Tây. Hai dự án này gồm hai tòa tháp D’. El Dorado I (Phú Thượng) và D’. El Dorado II (Phú Thanh), mỗi tòa rộng 3.183 m2 bao gồm 4 tầng hầm, 27 tầng nổi. 

Điều ít biết về Tân Hoàng Minh và ông chủ Đỗ Anh Dũng vừa bị bắt giam - 2

D’. El Dorado gồm hai tòa tháp D’. El Dorado I (Phú Thượng) và D’. El Dorado II (Phú Thanh), mỗi tòa rộng 3.183 m2 bao gồm 4 tầng hầm, 27 tầng nổi.

D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu nằm ở số 36 Hoàng Cầu, được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Dự án có 23 tầng nổi và 4 tầng hầm với 308 căn hộ. Dự án từng được chào bán với mức giá khoảng 40 - 45 triệu đồng/m2. Căn hộ rộng nhất tại dự án này lên tới 400 m2, giá khoảng 15 - 16 tỉ đồng. Dù có mức giá hạng sang nhưng cư dân ở đây thường xuyên phản ánh việc chưa có sổ đỏ vì chủ đầu tư đo sai diện tích, phí gửi xe tăng vọt.

D'. Le Roi Soleil Quảng An tọa lạc tại số 2 Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội), là tổ hợp gồm 6 tầng hầm, hai tòa tháp căn hộ cao 25 tầng với 498 căn hộ siêu sang. Giá trên thị trường năm 2019 từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tới giữa năm 2019, dự án D'. Le Roi Soleil của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh vướng phải lùm xùm bị cư dân tố lừa dối khách hàng, chậm tiến độ. 

D’. Palais de Louis số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy. Dự án ra mắt năm 2009, tuy nhiên liên tục bị chậm tiến độ, chủ đầu tư đã phải trả lại toàn bộ cho tiền đặt cọc cho khách hàng.

Công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở (có tên thương mại là D' San Raffles) tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng do Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T (công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/6/2010, cấp điều chỉnh lần 1 ngày 11/5/2015. 

Thế nhưng mãi cuối tháng 1/2021, dự án mới rục rịch khởi công sau nhiều năm đắp chiếu. Theo đó, Masterise Homes đóng vai trò đơn vị phát triển dự án này và nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta.

Dự án D’Capitale Trần Duy Hưng, bao gồm 6 tòa tháp (4 tòa căn hộ chung cư và hai tòa căn hộ Soho) nằm ngay ngã tư Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Đại lộ Thăng Long.

Điều ít biết về Tân Hoàng Minh và ông chủ Đỗ Anh Dũng vừa bị bắt giam - 3

Dự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An của Tân Hoàng Minh khởi công năm 2015 tại số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án nằm tại vị trí “đất vàng” ngay ngã ba nối phố Xuân Diệu và Đặng Thai Mai.

Summit Building Trần Duy Hưng là dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building nằm tại 216 Trần Duy Hưng, cao 35 tầng nổi, 4 tầng hầm (bao gồm 1 tầng lửng) với 288 căn hộ.

Tân Hoàng Minh Lò Đúc nằm giữa ba con đường là Nguyễn Công Trứ, Thi Sách và Lò Đúc. Khu đất làm dự án có diện tích khoảng 2,67 ha; dự kiến triển khai hai toà cao ốc cao 33 – 35 tầng. Dự án đến nay vẫn quây tôn, chưa có động thái triển khai.

D’. Jardin Royal-Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt được Hà Nội giao Công ty Cổ phần Tu tạo và Phát triển Nhà triển khai từ năm 2002, tuy nhiên chậm tiến độ suốt nhiều năm. Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã chào bán thành công lô trái phiếu 1.900 tỉ đồng với kỳ hạn 60 tháng để tái khởi động dự án này.

Khoản nợ khổng lồ

Tính đến cuối năm 2020, tổng khối nợ của cả 3 doanh nghiệp nhà Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông là khoảng 14.600 tỷ đồng, chiếm hơn 85% tổng tài sản xấp xỉ 17.050 tỷ đồng.

Theo VietnamFinance, tổng tài sản của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt tính đến cuối năm 2020 đạt 8.651 tỷ đồng, được hình thành từ 1.850 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, khiêm tốn hơn rất nhiều so với khối nợ phải trả 6.801 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn.

Điều ít biết về Tân Hoàng Minh và ông chủ Đỗ Anh Dũng vừa bị bắt giam - 4

Summit Building có vị trí tại số 216 Trần Duy Hưng, có 35 tầng nổi, 4 tầng hầm (bao gồm 1 tầng lửng), với tổng diện tích dự án 2.373 m2 với 288 căn hộ. 

Thời điểm đó, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt ghi nhận nợ vay ngắn hạn 1.127 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp so với các khoản mục khác như phải trả ngắn hạn khác (3.639 tỷ đồng), phải trả người bán ngắn hạn (724 tỷ đồng), phải trả dài hạn khác (421 tỷ đồng).

Sang năm 2021, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu có tổng trị giá 2.700 tỷ đồng, lãi suất 11,5 - 12%/năm với kỳ hạn 48 - 60 tháng. Mục đích huy động vốn bao gồm việc mua 51% vốn Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt tiến (800 tỷ đồng), nhằm thực hiện một dự án tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên; đồng thời rót 1.900 tỷ đồng cho dự án nằm ở phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.

Như vậy, nợ vay dài hạn trong năm vừa qua có thể phát sinh thêm ít nhất 2.700 tỷ đồng, là một gánh nặng không hề nhỏ đối với Công ty Ngôi Sao Việt. 

Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng được mệnh danh là "nợ như chúa chổm", bởi lẽ tỷ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên đến 21,2 lần tính đến cuối năm 2020. Trong đó, nợ phải trả đứng ở mức 5.974 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 281 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil - chủ đầu tư dự án D’. Le Roi Soleil ngắt chuỗi thua lỗ sau năm 2019 cùng lập kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận với 2.595 tỷ đồng và 71,5 tỷ đồng, nhưng ngay lập tức suy yếu trong năm 2020.

Thậm chí doanh nghiệp còn chứng kiến khoản lỗ ròng 135 tỷ đồng trong năm 2020, qua đó đánh bay toàn bộ giá trị lợi nhuận lũy kế xuống mức âm 68,8 tỷ đồng và "ăn mòn" vốn chủ sở hữu. Thế nhưng với sức khỏe tài chính không tốt của mình, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil vẫn "hút" về 1.750 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, với mức lãi suất 11,5 - 11,75%/năm, kỳ hạn 24 - 36 tháng.

Công ty CP Cung điện Mùa Đông cũng cướng các khoản nợ. Tổng nợ vay cuối 2020 là gần 440 tỷ đồng, với 420 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Đặc biệt ở chỗ, với vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 297,5 tỷ đồng, bước tới năm 2021, Công ty Cung điện Mùa đông vẫn vay được đến 3.680 tỷ đồng trái phiếu, tức gấp hơn 12 lần.

Tóm lại, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của cả 3 doanh nghiệp nhà Tân Hoàng Minh đứng ở mức xấp xỉ 17.050 tỷ đồng, chủ yếu tài trợ là nợ phải trả với hơn 14.600 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu. 

Khối nợ này chưa bao gồm các khoản vay trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành trong năm 2021 - đầu năm 2022, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng.

Nhóm PV(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn