Theo nhà phân tích chính trị Egountchi Behanzin,Hhội nghị thượng đỉnh BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) 2024 tại Kazan, Nga có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử địa chính trị toàn cầu. Trong khi đó, trật tự thế giới do phương Tây thiết lập đang dần mất cân bằng và cần đến một thay đổi mạnh mẽ.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, cùng lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Đây cũng là hội nghị đầu tiên của BRICS theo định dạng mở rộng gồm 9 nước, ngoài Brazil, LB Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, còn có thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Tìm kiếm hợp tác thực tế
Theo truyền thống, Liên hợp quốc được coi là "thành trì" của chủ nghĩa đa phương nhưng sự liên kết của tổ chức này với các cường quốc phương Tây đang bị đặt dấu hỏi. Hội nghị thượng đỉnh này tại Kazan có thể là đòn bẩy tái khẳng định lại vị thế của Liên hợp quốc để tổ chức này có thể định hướng lại hoạt động giữa các liên minh cũ và các xu hướng mới nổi.
BRICS ngày nay không còn chỉ là một liên minh kinh tế mà đang khẳng định mình là một giải pháp thay thế khả thi cho trật tự thế giới do các nước phương Tây xây dựng. Thế giới đơn cực dường như đang nhường chỗ cho một kỷ nguyên đa cực, nơi một số cường quốc mới nổi đang khẳng định lại tiếng nói của mình đối với các vấn đề quan trọng của thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh Kazan là cơ hội chưa từng có để BRICS vẽ nên bản đồ hợp tác quốc tế mới. Các nguyên thủ quốc gia có mặt sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, từ kinh tế đến an ninh, bao gồm cả các thách thức về môi trường.
Bằng cách hình thành các liên minh chiến lược, BRICS đại diện cho hơn 45% dân số thế giới, không chỉ tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình mà còn cung cấp một nền tảng thay thế cho các nước đang phát triển thường cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các tổ chức Bretton Woods truyền thống như IMF hoặc Ngân hàng Thế giới.
Các cuộc hội đàm tại BRICS có thể đi đến những thỏa thuận, tùy thuộc vào phạm vi của chúng, có thể xác định lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu.
Phản ứng của phương Tây
Hiện nay các nước phương Tây thay vì đứng ngoài cuộc buộc phải phản ứng với sự phát triển của BRICS. Tuy nhiên, phương Tây vẫn bất đồng quan điểm và chia rẽ về cách tiếp cận khi phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với các nền kinh tế mới nổi.
Tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng như là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm lòng tin vào các thể chế các nước phương Tây làm trung tâm. Lập trường của NATO và các bên liên quan châu Âu đối với BRICS có thể trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận, làm nổi bật nhu cầu không thể tránh khỏi về việc thích nghi.
Bằng cách tham dự thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mang đến thông điệp rằng tổ chức này cần khôi phục vai trò của mình trong một thế giới đang thay đổi.
Cơ hội cho Nam Bán Cầu
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này cũng có thể mở ra một cơ hội cho các nước Nam bán cầu, những nước muốn lên tiếng trên trường quốc tế. Những quốc gia này gần như không có tiếng nói trong các quyết định mang tính toàn cầu.
Thông qua hình thức hợp tác mới của BRICS, các nước Nam bán cầu có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm và nguồn lực của BRICS để thiết lập các mô hình phát triển phù hợp với nhu cầu của họ.
Tuy nhiên, thách thức cho việc liên kết các nước Nam bán cầu là việc xây dựng mối quan hệ bền chặt và lâu dài không chỉ dựa trên nền tảng kinh tế mà còn cả về xã hội và môi trường.
Điều này có thể thấy rõ sự bất ổn của chủ nghĩa đa phương được hình thành sau Thế chiến thứ 2. Chính phủ các nước mới nổi đang phải vật lộn để giải quyết hiệu quả các thách thức đương đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng và khủng hoảng chính trị.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS có thể đưa ra một tầm nhìn mới về chủ nghĩa đa phương, bao trùm hơn và phù hợp hơn với thực tế hiện tại. Mô hình này có thể tạo ra sự tương hỗ giữa các quốc gia ở Nam Bán cầu, đề xuất một giải pháp thay thế cho sự cứng nhắc của khuôn khổ phương Tây hiện tại.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan không chỉ là các cuộc thảo luận ngoại giao mà còn là phép thử để tạo ra một trật tự toàn cầu mới. Và phương Tây có thể chứng kiến sự thay đổi cán cân quyền lực trong các vấn đề quốc tế, các nước đang phát triển, đại diện là BRICS đang nắm quyền kiểm soát sự chuyển đổi này.
Hội nghị thượng đỉnh này có thể đánh dấu khởi đầu cho kết thúc trật tự thế giới cũ do phương Tây xây dựng và sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới, nơi tiếng nói của Nam Bán cầu cuối cùng cũng được lắng nghe. Do đó, các sự kiện ở Kazan hứa hẹn sẽ có những tác động lâu dài đến cách các quốc gia hình dung về trật tự thế giới trong những thập kỷ tới.
Bình luận