Ngay sau khi giá điện vừa được điều chỉnh tăng 8,36% vào cuối tháng 3/2019, giá xăng dầu cũng vừa được điều chỉnh tăng khoảng 8%, theo các chuyên gia kinh tế nhận định là mức tăng sốc, có nguy cơ tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, việc giá xăng tăng rất mạnh trong ngày 2/4 chưa kể giá điện cũng được điều chỉnh tăng cách đây ít lâu sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, vận tải,... kéo theo giá cả hàng hoá nhu yếu phẩm tăng.
TS Đinh Thế Hiển nhận định, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đó chính là tầng lớp lao động thu nhập thấp do mức độ tăng giá chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu nhập. Trong khi đó, với tầng lớp trung lưu sẽ ít bị tác động bởi chi phí tăng không đáng kể so với thu nhập của họ.
Thực tế, nổi lo lắng lớn nhất của người lao động là khi giá xăng và điện cùng tăng kéo theo giá cước vận tải tăng, giá cả hàng hoá dịch vụ tăng, trong khi thu nhập không tăng. Người lao động thu nhập thấp phải sống rất tằn tiện mới đủ chi phí, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Theo ông Đặng Viêt Hoà - Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ cho biết, giá xăng tăng hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Riêng giá điện tăng thì có ảnh hưởng do chi phí điện chiếm khoảng 8% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ông Hoà cho biết thêm là mức độ tác động của giá điện đến Sợi Thế Kỷ là thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Nguyên nhân do Sợi Thế Kỷ đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất từ Đức nên mức độ tiêu tốn điện năng thấp. Chi phí điện trên tổng chi phí sản xuất chỉ ở khoảng 8% nên khi giá điện sản xuất tăng khoảng 7% thì chi phí điện chỉ tăng thêm khoảng 0,5%.
Để đối phó với tình hình đó, ông Hoà cho biết sẽ ưu tiên tập trung sản xuất vào giai đoạn thấp điểm nhằm giảm chi phí điện. Nhờ đó, mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá điện giảm xuống chỉ còn khoảng 0,1-0,2% tổng chi phí sản xuất.
Dù vậy, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện cách thức tương tự để giảm chi phí. Đối với các doanh nghiệp thâm dụng điện năng như ngành Thép, xi măng,… theo các chuyên gia nhận định là sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.
Thống kê của CTCK MBS cho thấy chi phí điện hiện đang chiếm khoảng 10-15% chi phí sản suất ngành thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng là tăng giá thành sản phẩm, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tăng giá cũng không dễ dàng gì và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.
Bài toán cũng nan giải hơn với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá, đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên khi giá xăng dầu tăng. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, giá nhiên liệu chiếm khoảng 45% giá cước vận tải taxi, thông thường giá nhiên liệu tăng 6-8%, các doanh nghiệp đã điều chỉnh cước. Các hãng taxi truyền thống phải tính toán để tăng cước là khó tránh. Các doanh nghiệp vận tải hành khách phải chuyển chi phí đầu ra cho khách hàng thông qua việc tăng giá cước.
Dù vậy, thực tế thì khó khăn vẫn đè nặng lên vai doanh nghiệp là rất lớn. Chẳng hạn như trường hợp của Superdong Kiên Giang - doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách đường biển thì chi phí dầu DO chiếm khoảng 50% giá vốn của SKG. Bởi vậy, việc giá xăng dầu tác động rất mạnh đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Năm 2018, dù doanh thu của hãng tăng 10% nhưng việc giá dầu tăng đã góp phần đẩy lợi nhuận doanh nghiệp giảm 25% so với cùng kỳ.
Theo đại diện một DN vận tải hàng hoá, việc tăng giá cước là chuyện tất yếu khi giá xăng tăng. Tuy nhiên, với những hợp đồng đã ký trước thì không thể tăng được. Trong khi đàm phán mức tăng giá mới với các đối tác còn tuỳ vào mối quan hệ cung cầu và mức độ cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Nếu tăng giá dẫn đến chênh lệch giá vé cao, dễ khiến công ty mất thị phần, khách hàng vào tay các hãng tàu khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không cũng dự kiến sẽ chịu áp lực tăng chi phí rất lớn do chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng không. Với Vietnam Airlines, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% - 38% tổng chi phí hoạt động của hãng, với Vietjet vào khoảng 42 % chi phí sản xuất - kinh doanh (không bao gồm chi phí mua máy bay).
Còn theo phân tích của hãng Crucial Perspective, “Giá nhiên liệu tăng 1% có thể khiến cho lợi nhuận ròng của các hãng hàng không châu Á giảm trung bình 2,6%”. Theo đó, xu hướng tăng của giá xăng dầu đang đặt ra nhiều thách thức với bài toán quản trị chi phí để duy trì lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không.
"Các doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn hoặc chủ động chính sách phòng vệ thông qua các hợp đồng phái sinh giá dầu để giảm tác động do giá dầu tăng, hoặc đẩy chi phí này vào giá vé, hay chấp nhận giảm lợi nhuận để cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng", một chuyên gia phân tích chứng khoán nhận định.
Bình luận