Vào năm 2012, thế hệ trẻ vào độ mười mấy, hai mươi tuổi bắt đầu có những biểu hiện thật lạ. Có tới 83% cảm thấy bản thân thật vô dụng và không còn niềm vui. Số người trẻ tự tử và cố gắng tự tử tăng lên 23% so với năm trước, trong đó, tới 31% chỉ khoảng từ 13 - 18 tuổi.
Bên cạnh đó, theo một kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Khoa học tâm lý lâm sàng, Mỹ, những người trẻ tự tử này có các hoàn cảnh gia đình khác nhau: Khá giả và không khá giả, da màu và cả da trắng, rải rác khắp các tầng lớp, các chủng tộc, đến từ mọi vùng đất của quốc gia này.
Và dường như, thế hệ trẻ sinh sau năm 1995, thế hệ mà chúng ta gọi đó là thế hệ “iGen”, đang phải chịu đựng các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều hơn các thế hệ trước.
Chuyện gì xảy ra khiến cho quá nhiều những nam nữ thanh thiếu niên bị trầm cảm, rồi tự tử hoặc cố gắng tự tử chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Có một nguyên do hiển hiện xuyên suốt được ghi các nhà tâm thần học đánh dấu đỏ: Vấn đề bắt đầu từ sự phát triển đột ngột của điện thoại thông minh.
Mọi chuyện đều bắt nguồn từ cái điện thoại
Từ năm 2010 đến năm 2015, kinh tế ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Vấn nạn bất bình đẳng trong thu nhập cũng chẳng phải tới những năm 2010 mới xuất hiện dù cho nó vẫn luôn nhức nhối.
Thêm vào đó, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng gia tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, không có nhiều khả năng cho thấy vấn đề kinh tế là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên thời nay.
Thời nay, dường như lũ trẻ ít dành thời gian để làm bài tập về nhà hơn trước. Bên cạnh đó, theo Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ, số lượng người mua điện thoại thông minh tăng lên gần gấp 3 lần, vượt tới 50% cuối năm 2012. Đây cũng là thời điểm mà chứng trầm cảm và các vụ tự tử từ từ gia tăng. Tới năm 2015, 73% thanh thiếu niên có thể tiếp cận rất dễ dàng với điện thoại thông minh.
Không chỉ có tình trạng gia tăng bệnh nhân trầm cảm và sử dụng nhiều điện thoại thông minh, mà thời gian online và các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng được chứng minh rằng chúng có liên quan đến nhau.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, thanh thiếu niên thường xuyên dành tới hơn 5 tiếng đồng hồ để trực tuyến ở trên mạng – họ sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những người khác. Và những trạng thái tâm thần tiêu cực dẫn họ tới cái chết sẽ càng tăng cao hơn nữa cứ sau 1 đến 2 giờ online liên tục.
Từ đây, có thể thấy trầm cảm và thời gian online có mối quan hệ hai chiều: càng online nhiều, càng trầm cảm nặng và ngược lại.
Chúng ta bị tổn hại những gì khi cứ ngồi trước màn hình và online?
Ngay cả khi thời gian online không trực tiếp gây hại tới sức khỏe tâm thần của mỗi người, nhưng nó vẫn có thể gián tiếp ảnh hưởng xấu tới mỗi người.
Trong trường hợp của nhóm thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, các báo cáo, khảo sát đều cho thấy họ dành rất ít thời gian để gặp mặt, trò chuyện trực tiếp với bạn bè của mình. Thiếu đi giao tiếp xã hội, tâm trạng của họ trở nên tồi tệ, họ bắt đầu phải chịu đựng áp lực nhiều hơn, và theo sau đó là các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Kể từ năm 2012, thanh thiếu niên dành ít thời gian hơn cho các hoạt động có lợi cho sức khỏe tâm thần (tương tác xã hội trực tiếp) và nhiều thời gian hơn cho các hoạt động gây hại hơn (là thời gian trực tuyến).
Đồng thời, bởi vì họ dành nhiều thời gian cho chiếc điện thoại, họ ngủ ít hơn. Thiếu ngủ trầm trọng là một trong những lý do cơ bản khiến cho họ mắc bệnh trầm cảm. Điều này giải thích tại sao trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên gia tăng chóng mặt.
Video: Toàn cảnh vụ nữ sinh tự tử sau khi clip hôn nhau bị tung lên mạng
Theo các nhà tâm thần học, có thể những lập luận này vẫn còn có nhiều lỗ hổng, và còn quá sớm để đưa ra các khuyến cáo liên quan tới việc sử dụng điện thoại thông minh hay tiếp xúc với các loại thiết bị điện tử khác.
Tuy nhiên, việc hạn chế thời gian online để tập trung vào các hoạt động có lợi cho sức khỏe luôn được khuyến khích vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Bình luận