Đề cập đến lý do vì sao Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không còn có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin như trước đây, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói đó là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo phương Tây không quan tâm đến việc đạt được hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán.
"Hiện tại, các quốc gia phương Tây đang tích cực đặt cược vào việc xung đột tiếp diễn", ông Peskov nói, cho biết vị thế của các quốc gia phương Tây - do Washington đứng đầu, "ngăn người Ukraine nghĩ, nói về hòa bình hoặc thảo luận về hòa bình”.
Điện Kremlin tin rằng các bên sẽ quay trở lại bàn đàm phán. “Bây giờ, nhu cầu xoa dịu tình hình là thấp. Chúng tôi chắc chắn… rằng thời gian cho các cuộc đàm phán sẽ đến", ông Peskov cho biết thêm.
Theo người phát ngôn điện Kremlin, Kiev vẫn sẽ nhận được tất cả các yêu cầu của Moskva trước khi các cuộc đàm phán có thể tiếp tục. Ông Peskov nói, khi Chính phủ Ukraine nhận thức rõ quan điểm của Nga, Kiev chỉ cần “ngồi xuống bàn đàm phán” và “ký một văn bản đã được thống nhất phần lớn”.
Moskva và Kiev bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình chỉ 4 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2. Các bên đã tổ chức một số vòng gặp mặt trực tiếp tại Belarus và sau đó tiếp tục các cuộc đàm phán trực tuyến. Vào cuối tháng 3, các phái đoàn từ Nga và Ukraine đã gặp lại nhau một lần nữa tại Istanbul (Thô Nhĩ Kỳ).
Tuy nhiên, kể từ đó, các cuộc đàm phán hoàn toàn bị đình trệ. Phía Ukraine khẳng định sẽ chỉ quay trở lại bàn đàm phán khi họ ở trong một “vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn”.
Hồi tháng 4, Tổng thống Putin cáo buộc Kiev đã đưa quá trình đàm phán vào bế tắc. Ông Peskov cho biết vào thời điểm đó, Nga đã cung cấp cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận và chờ phản hồi.
Tháng trước, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine - David Arakhamia, cho biết Kiev tin rằng họ có thể đạt được “vị trí thuận lợi” này vào cuối tháng 8 sau khi tiến hành “các hoạt động phản công ở một số khu vực nhất định”.
Bình luận