Giải đáp nghi vấn về việc Nga có thể đảo ngược chính sách mở cửa của Peter Đại đế vì mối quan hệ căng thẳng với châu Âu, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moskva “không có kế hoạch đóng cửa bất kỳ lĩnh vực nào” với khu vực này.
Peter Đại đế là Sa hoàng cai trị Đế quốc Nga từ năm 1682 đến năm 1725. Ông đã thúc đẩy Nga thành một cường quốc lớn ở châu Âu và lập ra thành phố Saint Petersburg - nơi được mệnh danh là "cửa sổ dẫn đến châu Âu" của Nga.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, các nước châu Âu đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Ngày 30/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thống nhất sẽ cắt 90% dầu nhập khẩu từ Nga trước năm 2023. Cùng với đó, khối này cũng loại ngân hàng lớn nhất Nga là Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và áp lệnh cấm 3 đài truyền hình nhà nước Moskva.
Nga là nhà xuất khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất sang EU. Nước này cung cấp 2,2 triệu thùng dầu/ngày và 1,2 triệu thùng các sản phẩm từ dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ước tính xuất khẩu dầu mang về cho Nga 1 tỷ USD/ngày.
Do khối EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, một số nước thành viên sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu loại bỏ nguồn năng lượng này. Năm ngoái, Slovakia nhập khẩu 96% dầu từ Nga (105.000 thùng/ngày). Tỷ lệ nhập khẩu dầu Nga ở Hungary là 58% (70.000 thùng/ngày) và Cộng hòa Séc nhập khẩu một nửa số dầu từ Nga (68.000 thùng/ngày). Các quốc gia EU khác ít phụ thuộc vào dầu Nga hơn nhưng giá dầu tăng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở châu Âu.
Hồi tháng 3, Nga tăng cung cấp dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, khoảng 310.000 thùng/ngày tới Ấn Độ (so với việc hầu như không xuất khẩu sang Ấn Độ hồi tháng 2) và thêm 70.000 thùng/ngày để lên 790.000 thùng/ngày sang Trung Quốc. Vào tháng 3, lượng dầu Nga cung cấp sang châu Âu giảm 420.000 thùng/ngày xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày.
Bình luận