• Zalo

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 20/9

Thời sự quốc tếThứ Tư, 21/09/2022 06:42:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 20/9/2022.

Tướng Mỹ: Ukraine bắn rơi 55 máy bay chiến đấu của Nga: Một viên tướng Mỹ hôm 19/9 cho hay, phòng không Ukraine đã bắn rơi ít nhất 55 máy bay chiến đấu kể từ đầu xung đột với Nga nổ ra.

Theo viên tướng trên, việc số lượng lớn máy bay bị bắn hạ như vậy khiến máy bay tiêm kích và ném bom của Nga chưa đóng vai trò lớn trong xung đột này.

Tướng Mỹ James Hecker, tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết, phía Ukraine sử dụng chính hệ thống phòng không cũ của Nga để bắn hạ các máy bay đó, buộc phía Nga phải giới hạn các phi vụ gần vị trí quân Ukraine.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 20/9 - 1

 

Su-34 của Nga dùng tên lửa Kh-29 tấn công chính xác mục tiêu cách 30km: Theo một video Bộ Quốc phòng Nga công bố trên kênh Telegram ngày 20/9, tiêm kích Su-34 của Nga đã sử dụng tên lửa không đối đất Kh-29 có độ chính xác cao để tấn công các mục tiêu từ khoảng cách lên tới 30km trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Các binh lính đã thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu và hệ thống phòng không của kẻ thù. Các vũ khí chính xác giúp họ có thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu sử dụng các hệ thống nhắm bắn mục tiêu từ khoảng cách xa. Tên lửa Kh-29T được sử dụng với nhiệm vụ tấn công vào thành trì của quân đội Ukraine ở trong rừng", Phó Chỉ huy một phi đội cho hay.

Nga tuyên bố phá hủy nhà máy bảo trì hệ thống HIMARS của Ukraine: Nga ngày 19/9 cho biết, quân đội nước này đã phá hủy thành công một nhà máy bảo trì các hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS của Ukraine ở Zaporizhzhia. Trong khi Ukraine tuyên bố ngăn chặn thành công cuộc tấn công của Nga ở mặt trận phía Đông.

NATO tập trận quy mô lớn có tàu ngầm tham gia cách Ukraine chỉ vài trăm km: Hơn 50 tàu chiến NATO đã tham gia một trong những cuộc tập trận trên biển mở rộng nhất của châu Âu, cách Ukraine chỉ vài trăm km.

Tổng cộng có 50 tàu chiến, 5 tàu ngầm, 5 chiến đấu cơ, 1.500 thủy thủ và binh lính từ 12 nước thành viên NATO đã tham gia cuộc tập trận mang tên Dynamic Mariner 22 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức. Cuộc tập trận này diễn ra ở phía Bắc Biển Đen, nơi phương Tây cho là Hải quân Nga đang tiến hành các cuộc tấn công Ukraine.

Slovenia cung cấp 28 xe tăng M-55S cho Ukraine: Theo một tuyên bố được công bố trên trang web của chính phủ hôm 19/9, Slovenia sẽ gửi 28 xe tăng M-55S tới Ukraine.

Trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Slovenia Robert Golob và Thủ tướng Đức Olaf Scholz “thể hiện tinh thần đoàn kết với Ukraine”, đã nhất trí sẽ cung cấp cho Kiev 28 xe tăng M-55S của Slovenia.

Nga cáo buộc Mỹ tham gia vào “hoạt động truyền thông điên rồ”: Nga ngày 19/9 tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán về số phận của các tù nhân Mỹ ở Nga, song cáo buộc Mỹ đang tham gia vào “hoạt động truyền thông điên rồ” sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ gia đình của 2 công dân Mỹ bị Nga bắt giữ vào tuần trước.

Trước đó, Tổng thống Biden đã có các cuộc gặp riêng với người thân của vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp Brittney Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan đang bị giam giữ ở Nga. Họ là hai tù nhân mà Mỹ đang trong quá trình đàm phán để trao đổi với Nga.

Khu vực Donetsk ở Ukraine muốn trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga ngay lập tức: Văn phòng dân sự Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng kêu gọi người đứng đầu của họ sớm tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga, theo sau động thái của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.

Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng phải “ngay lập tức” tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, văn phòng dân sự cho biết hôm 19/9. Lời kêu gọi được đưa ra ngay sau khi văn phòng của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng có động thái tương tự.

EU có thể ra tay với Hungary - quốc gia thân thiện hàng đầu với Nga: Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cắt các nguồn tài chính cung cấp cho Hungary sau khi EU tố Thủ tướng Hungary Viktor Orban làm xói mòn nền dân chủ nước này. Ông Orban là một trong những lãnh đạo ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Nga Putin.

Thủ tướng Orban đã dẫn dắt quốc gia Đông Âu Hungary từ năm 2010. Giờ đây, quốc gia này có thể phải chấp nhận từ bỏ tới 7,5 tỷ euro viện trợ từ EU.

Hungary đưa ra các cam kết và thay đổi luật để nhận được tiền tài trợ từ EU: Hungary đã đưa ra các cam kết chống tham nhũng và trình một số sửa đổi về luật pháp lên Quốc hội từ nay cho tới ngày 23/9 để giải quyết các bất đồng và có thể nhận tiền tài trợ từ các quỹ của EU.

Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, cho tới ngày 19/11, Hungary sẽ phải thực hiện các thay đổi pháp lý cần thiết theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu để có thể nhận được 65% trong tổng số 7,5 tỷ euro tài trợ của EU cho quốc gia này.

Tổng thống Erdogan: Nga sẵn sàng sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine: Nga sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine sớm nhất có thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định với PBS trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19/9.

Khi được hỏi về việc cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chấm dứt trong thời gian bao lâu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định "điều quan trọng nhất là thái độ của Nga".

"Tại Uzbekistan, tôi đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và chúng tôi đã có những cuộc trao đổi mở rộng với nhau", ông Erdogan cho hay. Theo Tổng thống Erdogan, Tổng thống Putin đã cho thấy "ông ấy sẵn sàng chấm dứt điều này sớm nhất có thể".

Australia ủng hộ G7 áp giá trần với dầu mỏ Nga: Sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 quyết định áp giá trần với dầu mỏ của Nga vào hồi đầu tháng 9/2022, Australia vừa bày tỏ việc ủng hộ quyết định này và kêu gọi các quốc gia khác có hành động tương tự để hạ giá dầu toàn cầu.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers hôm qua (19/9) ra tuyên bố cho biết, “nhiên liệu tăng giá đang là mối quan tâm lớn nhất của nước này trong bối cảnh người dân Australia đang phải căng mình ứng phó với tình trạng giá cả sinh hoạt tăng cao”. Theo Bộ trưởng Chalmers, “việc giá dầu tăng sẽ làm tăng lạm phát và làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu” vì vậy Australia ủng hộ việc áp giá trần với dầu mỏ của Nga “để hạn chế những tác động của cuộc xung đột tại châu Âu ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”.

Trung Hiếu (VOV.VN )
Bình luận
vtcnews.vn