Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 dâng cao khiến các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động, việc làm bị đình trệ, gián đoạn. Giữa bộn bề khó khăn, để vượt qua thử thách, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, thích ứng với đại dịch toàn cầu, thậm chí là phát triển giữa đại dịch.
Công bố lãi trăm tỷ giữa mùa dịch
Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp nửa đầu 2021 ghi nhận những gam màu sáng nhất thuộc về ngành ngân hàng. Báo cáo tài chính cho thấy, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 song hầu hết các ngân hàng đều đạt những mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 50%.
Vốn là những “gương mặt vàng” trong khối nhà băng, chỉ trong nửa đầu năm nay, các "ông lớn" ngân hàng đã thay nhau báo lãi.
ViettinBank báo lợi nhuận ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với lợi nhuận trước thuế cùng kỳ năm trước.
Vietcombank ước lợi nhuận đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng MBBank cũng báo lãi trước thuế nửa đầu năm tăng 56%, ghi nhận hơn 7.986 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.557 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu 2021.
TPBank báo lãi trước và sau thuế đều tăng 48% so với nửa đầu năm 2020, đạt gần 3,007 tỷ đồng và 2,407 tỷ đồng. Nếu so với con số 5,500 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, TPBank đã thực hiện được gần 55% sau nửa đầu năm.
Tương tự, lũy kế 6 tháng đầu 2021, OCB báo lãi trước và sau thuế tăng lần lượt 43% và 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.661 tỷ đồng và gần 2.120 tỷ đồng.
NCB ghi nhận lãi trước và sau thuế gần 126 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, đều gấp 5,4 lần cùng kỳ.
Gam màu tương sáng cũng trở lại với Công ty cổ phần Điện Gia Lai khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 625 tỷ đồng và lãi ròng 128 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 2% so cùng kỳ 2020.
Ở mảng địa ốc, Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn địa ốc gây bất ngờ khi 6 tháng đầu năm 2021 đạt doanh thu 249,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,3% và 140,9% so với cùng kỳ 2020.
Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm cũng ghi nhận doanh thu 159,5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế 64,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,5% và 19,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bối cảnh thị trường thuận lợi đã giúp nhiều doanh nghiệp phân bón tiếp tục báo cáo lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể DAP Đình Vũ ghi nhận doanh thu 1.370 tỷ đồng, lãi sau thuế 90 tỷ đồng; Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao đạt doanh thu 1.603 tỷ đồng, lãi sau thuế 53 tỷ đồng; Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ đạt doanh thu 1.159 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,5 tỷ đồng…
Trong một năm ăn nên làm ra của ngành thép, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng khiến nhiều nhà đầu tư “choáng váng” khi công bố lợi nhuận 216 tỷ đồng, gấp 14,8 lần cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng cho biết doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 6.559 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 134 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 110 tỷ đồng, gấp 7,1 lần so với 15,5 tỷ đồng năm ngoái.
Kinh doanh khởi sắc, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cũng báo doanh thu hơn 4.264 tỷ đồng, lãi ròng trên 310 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ 2019.
Biến nguy thành cơ
Sự tàn phá khủng khiếp của COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đây lại được cho là thời điểm để doanh nghiệp nhìn rõ và cải thiện chính mình.
Để có thể tồn tại giữa mùa dịch, theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp cần xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững, nắm bắt giải pháp công nghệ, tập trung khai thác lợi thế từ chuyển đổi số.
Chia sẻ về thành quả đạt được trong nửa đầu 2021, lãnh đạo Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án ứng phó với các kịch bản khó khăn có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất điện.
Ngoài ra, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh là do công ty đã thực hiện tốt công tác quản trị chi phí, giảm đáng kể suất hao nhiệt so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố hệ thống máy móc thiết bị, công tác kỷ luật trong vận hành sản xuất được tăng cường, qua đó các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản như tỷ lệ điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỷ lệ dừng máy do sự cố đều đạt và vượt kế hoạch.
Tương tự, theo đại diện Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn địa ốc, 6 tháng đầu 2021 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức. Thị trường biến động, chính sách điều hành kinh tế trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí đầu tư, chi phí y tế trong công tác phòng, chống dịch…
“Tuy vậy, chúng tôi có đủ niềm tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ được phục hồi, những cơ hội mới sẽ mở ra với doanh nghiệp”, đại diện Việt Tiên Sơn địa ốc nói.
Ở mảng ngân hàng, giới phân tích cho rằng, việc cắt giảm chi phí, giảm trích lập dự phòng, tăng thu từ dịch vụ, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... giúp các nhà băng duy trì lãi lớn, bất chấp đa số doanh nghiệp "ngấm đòn" vì COVID-19.
Bình luận