(VTC News) – Trung Quốc đang sử dụng triệt để điểm mấu chốt này để lừa bịp cả thể giới liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải phát biểu với báo giớ Mỹ rằng Việt Nam dùng tàu vũ trang đâm vào tàu dân sự, tàu chấp pháp của Bắc Kinh.
Đại sứ Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng biển cách Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Dựa vào điều này, ông Thôi cho rằng Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan mà không vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 mà Bắc Kinh cũng đã ký kết.
Lừa bịp quốc tế
Có thể thấy đây là một trong những cách Trung Quốc đang sử dụng triệt để nhằm biện minh cho hành vi xâm lược, bành trướng, hung hãn và hiếu chiến của mình.
Dễ nhận thấy, bằng cách viện dẫn UNCLOS theo kiểu méo mó, Trung Quốc lờ đi sự thật rằng luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào sử dụng vũ lực đánh chiếm đảo, quần đảo của nước khác.
Từ trước đến nay, với các tài liệu, bằng chứng rõ ràng, lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định nhất quán, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23/5 lần thứ ba về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định, Việt Nam đã có lịch sử khai phá, hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17, có dân sinh sống ổn định, không bị tranh chấp bởi bất cứ quốc gia nào.
"Cựu Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Liễu cũng đã xác định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo sau đó, không vấp một sự phản đối nào của các nước.' - Ông Hải nói.
Theo ông Hải, sau kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận việc đảm bảo thực thi chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo nào. Tại hội nghị Giơnevơ, Trung Quốc biết những thỏa thuận này và đã chấp hành.
Việc dùng vũ lực của Trung Quốc để chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ông Hải khẳng định là vi phạm luật pháp quốc tế. “Vũ lực không làm phát sinh chủ quyền” - đây là nguyên tắc thể hiện trong UNCLOS.
Tại cuộc giao lưu với các nhà khoa học ngày 17/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trả lời câu hỏi của một nhà khoa học liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Phó Thủ tướng nói Việt Nam sẽ tìm mọi cách để đòi lại quần đảo này: “Tôi xin chỉnh lại một chữ khi bạn nói Hoàng Sa “sẽ” là của Việt Nam. Thực tế, Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ làm mọi cách để đòi lại. Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi, theo đúng luật pháp quốc tế”.
An toàn, tự do hàng hải bị đe dọa
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 20 tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 22/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng một lần nữa khẳng định việc Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Hoàng Sa vốn bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
“Tôi xin nói rõ thêm rằng Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974.” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo ông, gần đây, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng, gây quan ngại sâu sắc trong khu vực và thế giới.
Từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Ông khẳng định đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
"Việt Nam tha thiết hòa bình. Chúng tôi đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam,” Phó Thủ tướng bày tỏ.
“Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục dùng sức mạnh một cách ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.”
Chủ quyền đất nước quý hơn vàng
Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, các lãnh đạo Việt Nam đã có những tuyên bố đanh thép, chính nghĩa về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.
Mới đây, hôm 17/5, trong cuộc trò chuyện với các nhà khoa học Việt Nam, Phó Thủ tướng nói trong xúc động: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế”.
Câu nói của ông Đam được đông đảo các nhà khoa học và Bộ trưởng Khoa học công nghệ Nguyễn Quân hoan nghênh nhiệt liệt.
Câu bình luận về 16 chữ vàng trong quan hệ Việt – Trung của Phó Thủ tướng cũng được đông đảo nhà khoa học và người dân nhiệt tình ủng hộ.
Video: Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng. Phía Việt Nam luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm 16 chữ vàng. Và chúng ta mong rằng phía Trung Quốc cũng như vậy.
Nói đó là những chữ vàng vì chắc có ý so sánh quý như vàng. Nhưng các bạn chắc biết vàng chưa phải là quý nhất, kim cương quý hơn vàng. Nhưng có thứ quý hơn cả kim cương. Đó chính là câu nói của Bác Hồ. Chỉ có bốn chữ thôi: Độc lập tự do".
Điều này lại được nhấn mạnh một lần nữa tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23/5 lần thứ ba về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chúng ta tiếp tục duy trì "16 chữ vàng" đến khi nào, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh, vấn đề chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng, vì vậy vàng rất quý nhưng chủ quyền, độc lập dân tộc còn quý hơn vàng.
Phương Mai
Bình luận