Từ đầu năm đến nay, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu ngân hàng, gồm cả cổ phiếu chưa niêm yết lẫn cổ phiếu niêm yết rất lớn. Điều đáng nói, một số cổ phiếu trên OTC được giao dịch với giá còn cao hơn cả những cổ phiếu ngân hàng lớn được niêm yết.
Theo thống kê, trong số các ngân hàng đang giao dịch trên OTC, cổ phiếu của VPBank có giá cao nhất với 33.700 đồng/cổ phiếu (ngày 24.7.2017). Tiếp đến là Techcombank với giá 32.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, so với cổ phiếu “vua” hot nhất trên sàn niêm yết – VietcomBank (36.800 đồng/cổ phiếu) thì 2 cổ phiếu trên sàn OTC kia cũng tỏ ra không “yếu thế”. Trong khi đó, so với 2 “ông lớn” ngành ngân hàng BIDV (19.150 đồng/cổ phiếu) và Vietinbank (18.600 đồng/cổ phiếu) thì 2 cổ phiếu trên tại sàn OTC lại có phần vượt trội.
Ngoài VPbank và Techcombank thì 2 ngân hàng cũng được chú ý trên sàn OTC là HDBank (17.000 đồng/cổ phiếu) và VIB (22.300 đồng/cổ phiếu). Đây cũng được xem động lực để các ngân hàng khác mạnh dạn lên sàn.
Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thị trường đang kỳ vọng HDbank và Techcombank sẽ được niêm yết trong 6.12 tháng tới.
Công ty chứng khoán này đánh giá, đây là những ngân hàng quy mô trung bình có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây; thiên về cho vay tiêu dùng và cho vay khách hàng cá nhân. Những ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu khá thấp nhờ tránh cho vay các lính vực rủi ro cao, mà điển hình là dự án BOT.
Cũng theo Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhờ sóng ngân hàng trên sàn giao dịch chứng khoán từ đầu năm đến nay cũng như Quốc hội đã thông qua Nghị quyết nợ xấu đã hỗ trợ cho giá cổ phiếu của toàn bộ các ngân hàng.
Đồng thời, các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào kế hoạch lên sàn giao dịch vào năm nay của các ngân hàng TMCP. Điều này đã giúp giá cổ phiếu các ngân hàng đang giao dịch trên OTC sôi động hơn.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC tăng giá không diễn ra ồ ạt mà có sự phân hóa rõ nét. Đặc biệt, một số cổ phiếu ngân hàng không có giao dịch như Đông Á - SeaBank hoặc giao dịch ở mức giá khá thấp như Ngân hàng An Bình chỉ lẹt đẹt ở mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu, Ngân hàng Phương Đông ở mức 7.000 đồng/CP; LienVietBank ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu…
Theo các nhà đầu tư, ngoài việc kinh doanh khó khăn thì thông tin hoạt động của các ngân hàng này cũng chưa công bố rõ ràng khiến cho thị trường cổ phiếu của các ngân hàng này vẫn giậm chân tại chỗ…
Người vui mừng, kẻ lo lắng khi lên sàn?
“Ngôi sao sáng” trên thị trường OTC là do kết quả kinh doanh của VPBank những năm gần đây luôn thuộc nhóm dẫn đầu. Cụ thể, 2 năm trở lại đây, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có kết quả lợi nhuận tốt nhất khối ngân hàng tư nhân.
Xét cả về quy mô và tên tuổi VPBank vẫn chưa thể sánh bằng Techcombank, MBBank, ACB hay Sacombank…, nhưng xét về kết quả lợi nhuận, VPBank đã vượt xa so với những ngân hàng trên. Mà lợi nhuận của VPBank có sự đóng góp lớn từ mảng cho vay tiêu dùng.
Về Techcombank, trong Đại hội cổ đông mới đây, Chủ tịch Techcombank cho biết ngân hàng sẽ cố gắng đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm 2017, song còn phụ thuộc vào thời điểm hồ sơ được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Cũng theo Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay, hồ sơ niêm yết cổ phiếu đã được ngân hàng gửi lên Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo ngân hàng vẫn đang cân nhắc lựa chọn giữa 3 sàn (UPCoM, HNX, HOSE) và muốn xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp.
“Chọn sàn nào để niêm yết, chúng tôi cũng đều hướng đến tạo giá trị tốt hơn cho ngân hàng, cổ đông. Khi hồ sơ được phê duyệt, chúng tôi sẽ lập tức đưa cổ phiếu lên sàn”, ông Hùng Anh nói trước khi phương án niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) được cổ đông "chốt" với tỷ lệ thông qua đạt 99,97%.
Tuy giao dịch khá sôi động nhưng không phải ngân hàng nào cũng hào hứng với chuyện lên sàn. Như đại hội cổ đông vừa qua, tại MaritimeBank lại chỉ có hơn 3% cổ đông đồng ý với kế hoạch niêm yết trên UPCoM.
Video: Cổ phiếu ngân hàng - Buông rẻ cắt lỗ vẫn khó kiếm khách
Lý giải điều này, có ý kiến cho rằng, tuy thị trường đang thuận lợi nhưng không phải giá cổ phiếu ngân hàng nào cũng hấp dẫn, nên các cổ đông thận trọng với kế hoạch lên sàn, đặc biệt là cổ đông lớn.
Ngoài các lý do mà ngân hàng đưa ra như chưa chọn được thời điểm thuận lợi; thị trường chứng khoán còn èo uột, giá cổ phiếu ngân hàng bị đánh giá thấp nên việc lên sàn sẽ gặp nhiều rủi ro thì nguyên nhân sâu xa được giới chuyên gia lý giải việc ngại lên sàn của các ngân hàng là yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.
Bởi những ngân hàng lợi nhuận thấp, nợ xấu cao thì càng không muốn lên sàn, vì không công khai những thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngân hàng.
Bình luận