Ngày 12/12 và 13/12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Chuyến thăm đánh dấu mốc quan trọng, diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023).
Trong 15 năm qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương:
- Ngày 30/5 đến 2/6/2008: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, trong đó nhất trí phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, trở thành Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt."
Cũng trong năm 2008, hai nước đã tiến hành đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc (từ 28 đến 31/12/2008) và ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
- Ngày 11 đến 15/10/2011: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, gồm 8 điểm thể hiện những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ hai Đảng, hai nước và những định hướng lớn để phát triển Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký 6 văn kiện hợp tác, trong đó có “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
- Ngày 19 đến 21/6/2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc Chủ tịch nước và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những văn kiện vừa định hướng cho tương lai quan hệ hai nước, vừa đề ra các bước phát triển hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu hơn nữa như "Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc."
Hai bên khẳng định nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được hai nước ký tháng 10/2011.
- Ngày 13 đến 15/10/2013: Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời kỳ mới, trong đó hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được hai nước ký tháng 10/2011.
- Ngày 9 và 11/11/2014: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 22) tại Bắc Kinh, Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định phát triển tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; cho rằng việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
- Ngày 7 đến 10/4/2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2015).
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 7 văn bản hợp tác và ra Thông cáo chung, khẳng định chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, lành mạnh vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
- Ngày 5 và 6/11/2015: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, gặp gỡ thanh niên tiêu biểu Việt-Trung và chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác song phương.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống, Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
- Ngày 10 đến 15/9/2016: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc gồm 15 điểm cũng như ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.
- Ngày 12 đến 15/1/2017: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong chuyến thăm, qua các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước đều nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo; sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 15 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực; ra Thông cáo chung gồm 10 điểm.
- Ngày 11 đến 15/5/2017: Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác.
- Ngày 10 đến 13/11/2017: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục xu thế phát triển tích cực.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, mang ý nghĩa dấu mốc quan trọng.
- Ngày 30/10 và 1/11/2022: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” và ký kết 13 văn kiện quan trọng.
Nhân chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam về những đóng góp vào việc phát triển quan hệ giữa hai nước cũng như định hướng và thúc đẩy Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Trung-Việt trong thời đại mới.
Điều đó cũng thể hiện tình cảm sâu sắc, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam, bao hàm niềm hy vọng của hai đảng và nhân dân hai nước cùng theo đuổi tương lai tốt đẹp.
- Ngày 25 đến 28/6/2023: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc).
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (6/2008-6/2023), trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì cục diện phát triển và đạt nhiều thành quả tích cực mới, kể từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
- Ngày 17 đến ngày 20/10/2023: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có các hoạt động hội kiến song phương với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng về hợp tác Vành đai và Con đường, trong đó nêu quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam về chủ đề Kinh tế Số.
Chuyến công tác đã góp phần tiếp tục cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2022.
Chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thể hiện sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu.
Bình luận