Năm nay, thí sinh dự thi ngành Báo chí vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cần đạt 28,5 điểm ở tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý mới trúng tuyển.
Điểm chuẩn ngành này của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng lên đến 27,5 (trung bình mỗi môn hơn 9 điểm).
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cũng cần đạt mỗi môn khoảng 8 điểm để có cơ hội trúng tuyển.
Điểm chuẩn tăng cao
Năm nay, điểm chuẩn ngành Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) theo khối C cao vượt trội so với 3 năm trước.
Cụ thể, điểm trúng tuyển theo điểm thi 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vào ngành này là 28,5, cao hơn năm ngoái 2,5 điểm. Mức chênh so với hai năm 2017, 2018 lần lượt là 2 và 3,5 điểm.
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn các ngành nhóm báo chí, truyền thông đều cao hơn năm trước. Riêng ngành Báo chí, điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm nay.
Ở tổ hợp C0, điểm chuẩn cho ngành Báo chí là 27,5, cao nhất trường và cao hơn năm ngoái 2,8 điểm. Mức điểm này ở năm 2017 là 27,25, năm 2018 là 24,7.
Điểm trúng tuyển theo tổ hợp D1, D14 cũng cao hơn 3 năm trước. Mức điểm chuẩn từ năm 2017 đến nay lần lượt là 25,5 - 22,6 - 24,1 - 26,15 điểm.
Ngoài ra, hai năm nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển thêm ngành Báo chí chất lượng cao và Truyền thông đa phương tiện. Điểm chuẩn năm 2020 của hai ngành này cũng cao hơn năm 2019.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm trúng tuyển chuyên ngành Báo in theo tổ hợp R16 (Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội) là 31, tính theo thang điểm 40.
Các năm trước, điểm xét tuyển của ngành tính theo thang điểm 30. Khi quy điểm trúng tuyển cả 4 năm về thang điểm 10, mức điểm năm nay chỉ thấp hơn năm 2018 không đáng kể và cao hơn hai năm còn lại.
Chuyên ngành Báo mạng điện tử cũng có điểm chuẩn tăng. Nếu quy ra thang điểm 10, điểm trúng tuyển trong 3 năm 2018-2020 (năm 2017 không tuyển sinh) là 8,12 - 7,67 - 8,15 điểm.
Không chỉ riêng ngành Báo chí, nhìn chung, điểm chuẩn năm nay của cả 3 trường nêu trên đều tăng.
Trong đó, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ khi lấy điểm chuẩn 30 cho ngành Hàn Quốc học (tổ hợp C0). Với tổ hợp này, điểm chuẩn vào ngành Đông Phương học cũng cao không kém: 29,75.
Các năm trước, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất (năm 2017 và 2019 lấy 28,5 điểm, năm 2018 lấy 27,25 điểm.
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), mức điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm qua cũng rơi vào năm 2020 (ngành Báo chí tổ hợp C0). Năm 2017, ngành này dẫn đầu trường với 27,25 điểm.
Năm 2018, điểm trúng tuyển cao nhất vào trường là 24,9 (ngành Du lịch, tổ hợp C0). Năm ngoái, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tổ hợp C0, là ngành có điểm chuẩn cao nhất: 25,5.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm qua theo thang điểm 30 lần lượt là 23,75 (năm 2017), 23 (năm 2018), 24,75 (năm 2019) và 27,57 (năm 2020).
Với những ngành tính theo thang điểm 40, điểm chuẩn năm nay lên đến 36,75, cao hơn mức cao nhất của năm 2017 và 2018 đến 2,75 điểm và tăng 6 điểm so với năm 2018.
"Tình hình chung"
PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết nguyên nhân nằm ở đề thi dễ hơn các năm trước.
Với ngành học có điểm chuẩn 36,75 (hơn 9 điểm mỗi môn), ông An cho biết việc trường phân bổ chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng, xét tuyển học bạ cũng khiến điểm trúng tuyển đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp điểm thi năng khiếu cao lên.
Ông An đánh giá những năm gần đây, ngành Truyền thông (bao gồm báo chí) có sức hút lớn với thí sinh. Các ngành Quan hệ công chúng, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện đều “hot”, thậm chí hơn các chuyên ngành thuộc Báo chí, và có điểm chuẩn cao.
Đương nhiên, các ngành báo chí vẫn có sức hút lớn. Điều này thể hiện qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi những môn năng khiếu vào trường.
PGS.TS Lưu Văn An cho hay dù dịch COVID-19, số lượng thí sinh nhỉnh hơn năm trước 100-200 em. Ngoài ra, trường tổ chức thi thêm đợt 2 với hình thức online cho thí sinh Đà Nẵng (5 em).
“Những năm gần đây, việc 1.300-1.400 thí sinh dự thi để cạnh tranh cho chưa đến 300 suất học ở trường là bình thường”, ông thông tin.
Tuy nhiên, ông An cho rằng việc điểm chuẩn năm nay tăng là tình hình chung do đề thi tốt nghiệp THPT dễ. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm chuẩn không tăng mạnh do đề thi năng khiếu vẫn giữ nguyên độ khó, thậm chí có phần khó hơn năm trước, điểm không chênh lệch nhiều. Ngoài ra, môn này còn nhân hệ số 2.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng đánh giá điểm chuẩn ngành Báo chí cao nhiều năm.
Năm 2017, ngành này cũng đứng đầu toàn trường về điểm chuẩn với 27,25 điểm. Ông nói thêm không chỉ Báo chí, điểm chuẩn các ngành khác năm nay cũng tương tự năm 2017, năm đề thi được đánh giá dễ.
“Ngành Báo chí lấy điểm chuẩn cao, những người quan tâm ngành này nhiều năm sẽ không bất ngờ. Đây là ngành nhiều thí sinh giỏi lựa chọn nên đương nhiên, điểm chuẩn cao”, ông Hạ nói.
Tương tự, dù không phải ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Báo chí theo tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, luôn ở mức cao. Trong 4 năm qua, năm thấp nhất là 27,25 điểm, thí sinh cần đạt trung bình hơn 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Bình luận