3 điểm 10 vẫn chưa chắc đỗ
Ngày 29/7, Tổng cục Chính trị CAND công bố điểm trúng tuyển vào các học viện, trường đại học CAND năm 2017. Năm nay, nhiều ngành thuộc khối CAND đều có điểm cao kỷ lục.
Trường có mức điểm chuẩn cao nhất cho tới thời điểm hiện tại là Học viện An ninh.
Thậm chí có ngành, để trúng tuyển thí sinh phải đạt mức điểm xét tuyển (bao gồm điểm 3 môn thi cộng với điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực) lên tới 30,5. Đó là ngành Ngôn ngữ Anh (tổ hợp D01) với đối tượng thí sinh nữ. Năm ngoái, mức điểm cao nhất của trường này là 29,75 điểm (ngành Điều tra trinh sát - nữ).
Trong thông báo điểm của trường có nêu rõ, có 4 thí sinh đạt cùng mức điểm 30,25 và trường này chỉ lấy 3 thí sinh dựa trên tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn chưa làm tròn từ 28,35 điểm. Điều này có nghĩa, một thí sinh đạt 30,25 điểm đã không trúng tuyển vào trường mà em yêu thích.
Theo thống kê sơ bộ, Học viện An ninh nhân dân có tỷ lệ chọi tương đối cao là 1 chọi 24.
Một trường khác cũng thuộc khối trường ngành công an có mức điểm chuẩn trên 30 điểm là Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Điểm chuẩn trúng tuyển đối với đối tượng thí sinh nữ phía Bắc lên tới 30,25 điểm. Năm 2015-2016, mức điểm cao nhất của trường này là 27,5.
Những ngành khác thuộc các trường CAND có điểm đầu vào thấp nhất là 24,75 điểm cho thí sinh nam khối D01 tại Trường Đại học An ninh nhân dân.
Video: Điểm chuẩn của hàng loạt trường đại học năm 2017
Các trường thuộc khối quân đội năm nay cũng có mức điểm cao kỷ lục, nhiều trường, ngành lấy điểm chuẩn là 30 điểm.
Cụ thể, tại Học viện Kỹ thuật quân sự, điểm trúng tuyển đối với thí sinh nữ miền Bắc cả 2 tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa) và A01 (Toán, Lí, Anh) là 30 điểm.
Với Học viện Quân y, điểm trúng tuyển với thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp A00) và thí sinh nữ miền Bắc (tổ hợp B00) đều là 30 điểm.
Mức điểm cao nhất lên tới 30 điểm của các trường quân đội tăng tới 1,25 điểm so với mức điểm chuẩn cao nhất năm 2016. Năm 2016, mức điểm cao nhất của khối các trường quân đội là 28,75 điểm của Học viện Quân y.
Thậm chí, trong một lần tuyển sinh trước mùa thi năm 2017, trung tá Trần Văn Đồng, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Thư viện, ĐH Phòng cháy Chữa cháy đã dự báo điểm chuẩn vào ngành công an sẽ tăng cao hơn so với năm 2016.
Việc giảm chỉ tiêu còn 1.500 chỉ tiêu cho 7 trường khối công an so với 3.200 chỉ tiêu năm 2016 mà lượng hồ sơ nộp vào không thay đổi thì đương nhiên đã đẩy điểm lên cao hơn so với năm trước.
Cùng với đó là khối trường công an, quân đội còn phải tiếp nhận một lượng lớn thí sinh là lính nghĩa vụ tham gia thi và ứng tuyển trong tổng số chỉ tiêu đề ra.
Trung tá Trần Văn Đồng cho hay, các trường công an thực hiện chế độ cộng điểm. Số thí sinh nữ được cộng điểm thi học sinh giỏi quốc gia khá nhiều, trong khi chỉ tiêu lại hạn chế, dẫn đến việc điểm chuẩn cao.
Ông thông tin thêm, năm nay, Bộ Công an đưa ra chỉ tiêu 10%-15% cho nữ và giải thích, nữ trong ngành công an nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung, thường ít hơn, vì đòi hỏi hoạt động thể lực và sức khỏe.
Thực tế mùa tuyển sinh 2017 vào trường Học viện An ninh nhân dân đã thể hiện rõ điều này khi ngành Ngôn ngữ Anh (tổ hợp khối D01) đối với nữ của Học viện An ninh nhân dân có điểm chuẩn 30,5 điểm.
Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay đối với các thí sinh trong kỳ thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh ở khu vực 3 dù được 3 điểm 10 nhưng không có điểm ưu tiên thì vẫn không thể đỗ vào Học viện An ninh với ngành Ngôn ngữ Anh.
Trước khi đăng ký dự thi vào các học viện, trường đại học CAND, thí sinh còn phải qua sơ tuyển tại công an các tỉnh, thành phố nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú nhằm xác minh hồ sơ lý lịch và hồ sơ sức khỏe với những yêu cầu nghiêm ngặt về thân nhân cũng như sức khỏe.
Chẳng hạn như yêu cầu về thị lực phải đạt thị lực không kính một mắt 10/10, tổng thị lực 2 mắt có thể từ 19 - 20/10, phải đủ răng, không kể răng khôn, không viêm lợi, không sứt môi, khe hở vòm miệng, không nói ngọng... Yêu cầu hình thể nam cao từ 1,64-1,80m, cân nặng từ 48kg đến 75kg; nữ cao từ 1,58-1,72m, cân nặng từ 45kg đến 57kg.
Theo kinh nghiệm từ những người đã từng thi tuyển vào khối ngành công an, quân đội đều cho biết áp lực thi cử rất lớn, do đông số lượng người dự thi nhưng chỉ tiêu chỉ có hạn.
Video: Nữ sinh Học viện An ninh nhảy cổ động không kém nữ sinh chuyên nghiệp
Vì sao?
Điểm thi cao, sơ tuyển ngặt nghèo nhưng hàng năm, vẫn có một số lượng không nhỏ thí sinh dự thi trường học viện, trường đại học CAND.
Chia sẻ với VTC News, một chiến sĩ trẻ cho biết bản thân lựa chọn ngành an ninh – cảnh sát vì được định hướng từ nhỏ.
Một cựu học viên Học viện An ninh tâm sự: " Gia đình mình có bố và chú, cùng nhiều anh em ở trong ngành. Vì vậy, từ nhỏ mình đã luôn xác định lớn lên sẽ trở thành cảnh sát nên đã quyết định thi vào trường Học viện An ninh".
Bên cạnh đó, nhiều gia đình đều muốn con em mình thi vào các trường khối cảnh sát – quân đội để được hưởng những quyền lợi mà trường đại học bình thường khác không thể có.
Học viên theo học tại học viện, trường đại học CAND được miễn phí học phí và nhận phụ cấp (lương) hàng tháng. Số tiền không lớn nhưng cũng đủ để các học viên trang trải cuộc sống.
Học viên tốt nghiệp đều được phân công công việc, không phải lo lắng chuyện đầu ra. Thậm chí, trong những năm qua, lương của các chiến sĩ trong những ngành này cũng có những cải thiện đáng kể khiến cho cuộc sống cũng không còn khó khăn như trước.
Quá trình học tập của học viên cũng được tính vào thâm niên công tác là một điểm lợi thế mà không phải ngành nào cũng có được.
“Ví dụ như những chiến sĩ theo học 5 năm tại trường, đi làm 5 năm sẽ được tính đã có thâm niên 10 năm trong ngành”, một sĩ quan cảnh sát chia sẻ.
Bên cạnh đó, tâm lý của các phụ huynh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn ngành học của con.
Phụ huynh thường có tâm lý yên tâm hơn vì con mình được quản lý chặt chẽ, hầu như không bị sa ngã do những tác động của xã hội nếu học tập trong các ngôi trường công an, quân đội.
Video: Nữ sinh cảnh sát bay người hạ đối phương trong nháy mắt
Mừng hay lo?
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc các thí sinh có tâm lý đăng ký vào ngành học công an, quân đội để “ra trường có việc luôn” cũng là một vấn đề đáng ngại và đáng tiếc.
Khi đó, các bạn trẻ chọn nghề để “an toàn” chứ không xuất phát từ đam mê hay hiểu biết về ngành nghề. Điều này khiến nhiều nhà tâm lý, nghiên cứu giáo dục phải lo lắng.
Thậm chí, chuyên gia tâm lý còn lo lắng khi nhiều gia đình khuyến khích con em vào ngành vì dễ kiếm tiền. Điều đó sẽ khiến các em có những suy nghĩ sai lệch về ngành nghề dẫn tới nhiều hệ luỵ không hay sau này.
Bình luận