Học viện Tài chính
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài Chính cho biết, do có nhiều phương thức tuyển sinh riêng nên điểm chuẩn xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, không riêng phổ điểm.
Dựa trên kinh nghiệm làm tuyển sinh lâu năm, điểm thi năm nay khá nhiều điểm 10 và đề thi phân hóa tốt và tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu, chuyên gia này dự báo, khả năng những ngành top trên (từ 26 điểm trở lên) khối ngành kinh tế sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ 0,5 điểm. Những ngành có dải điểm 23 - 26, dự báo điểm chuẩn vào các ngành sẽ chênh nhau tầm 1 điểm.
Với các ngành học có mức điểm chuẩn dưới 23 điểm, theo PGS Tùng, mức điểm chuẩn sẽ biến động lớn. Cụ thể, dự báo điểm chuẩn sẽ giảm mạnh từ 1 đến 1,5 điểm.
Điều mà chuyên gia này đưa ra, do năm nay môn giáo dục công dân rất nhiều điểm 10, khả năng một số trường sẽ "lách" để tuyển các tổ hợp có môn thi điểm cao nhằm làm đẹp điểm chuẩn.
Theo chuyên gia này, nên chăng cần yêu cầu các trường công bố cả tổ hợp xét tuyển để đảm bảo công bằng, minh bạch trong xét tuyển.
Học viện Ngân hàng
Đại diện Học viện Ngân hàng dự báo điểm chuẩn của trường ổn định như năm ngoái, một số ngành giảm khoảng 0,5 điểm. Những ngành năm ngoái có điểm chuẩn xét tuyển cao, năm nay khả năng giảm khoảng 0,25 đến nửa điểm.
Cũng theo chuyên gia này, căn cứ vào phổ điểm thi để dự báo điểm chuẩn chỉ mang tính chất tương đối. Nhiều khi dự báo như vậy nhưng tâm lý thí sinh sợ ngành điểm cao, không dám đặt nguyện vọng, khiến ngành đó có mức điểm chuẩn "dễ thở" hơn.
Theo lời khuyên của chuyên gia này, thí sinh cứ mạnh dạn đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên hàng đầu còn nguyện vọng đã chắc chắn đỗ nên đặt sau. Thí sinh không nên đặt quá nhiều nguyện vọng nhưng không nên quá ít để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM
ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, điểm chuẩn năm nay sẽ có xu hướng giảm nhẹ đối với tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Lý, Hóa) và tăng nhẹ đối với các khối với tổ hợp xét tuyển A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh).
"Mức điểm chuẩn các ngàngh của trường có thể giảm nhẹ trong khoảng 0,5 điểm, hoặc tương đương năm 2022", ông nói. Nguyên nhân do chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường không còn nhiều (40% trong tổng 2.400 chỉ tiêu).
Ông cũng dự báo, các ngành như Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Kinh tế quốc tế, Marketing, có mức độ cạnh tranh cao, được nhiều thí sinh quan tâm thì điểm chuẩn sẽ không giảm.
Đại học Thương mại
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Thương mại cho biết, năm ngoái tất cả ngành của trường lấy điểm chuẩn từ 25,8 trở lên với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ba ngành cao nhất lấy 27 điểm gồm: Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Các ngành còn lại phổ biến mức 26.
Theo ông những nhóm ngành 25 - 26 điểm năm nay có thể giảm nhẹ 0,25 - 0,5 điểm. Còn các nhóm ngành 27 điểm "nhiều khả năng" không giảm bởi đây đều là ngành thí sinh đăng ký đông.
Đại học Kinh tế quốc dân
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo phân tích, với mức độ đề thi có tính phân hoá cao hơn so với năm ngoái, nhưng mức điểm chuẩn năm nay giảm hơn so với năm ngoái không lớn. Theo ông, nếu có sự tăng hoặc giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ (0,25 - 0,5 điểm, tùy mã ngành).
Còn với các ngành "hot" như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2022 để lấy làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp, ông Triệu lưu ý.
Bình luận