• Zalo

Dịch tay chân miệng bùng phát với 12.442 ca bệnh

Sức khỏeThứ Tư, 14/03/2012 11:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Từ 01/01/2012 đến ngày 09/3/2012 đã có 12.442 trường hợp mắc tại 60/63 tỉnh, thành phố.

(VTC News) - Từ 01/01/2012 đến nay, tình hình bệnh dịch tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tính đến ngày 09/3/2012 đã có 12.442 trường hợp mắc tại 60/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011.

 
Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi và có nguy cơ tiếp tục gia tăng số mắc và tử vong trong thời gian tới.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có 10-20 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Năm nay, dịch đến sớm hơn và bùng phát khá mạnh ngay từ đầu năm.

Theo thống kê, tại Hà Nội, ngay từ đầu tháng 1 đã có 113 trẻ mắc tay chân miệng, đến tháng 2 số ca mắc đã tăng gấp 3. Đặc biệt, trong 9 ngày đầu tháng 3 đã có thêm 160 trẻ mắc bệnh.

Đến thời điểm này, riêng tại viện Nhi trung ương đã có 320 trẻ nhập viện. Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…

Trước diễn biến của dịch bệnh tay chân miệng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các thành phố đề nghị tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng.

Công điện đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, giảm tối đa tử vong do dịch bệnh tay chân miệng. Cụ thể yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở điệu trị, tập huấn cán bộ, bảo đảm đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị; sẵn sàng có gama globulin phục vụ cho điều trị bệnh nhân; Giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị y tế chịu trách nhiệm về điều trị và trong trường hợp có tử vong tại cơ sở.

Đồng thời, công điện nêu rõ cần tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị cấp cứu bệnh nhân tay chân miệng cho các bác sỹ và điều dưỡng tại bệnh viện các tuyến; chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, monitor, máy thở phục vụ điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Một nội dung quan trọng là thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền để đôn đốc công tác phòng, chống dịch; kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ nhất là các nhà trẻ tư nhân, các hộ trông trẻ tại gia đình.

Bệnh Tay - Chân - Miệng ( Hand - Foot - Mouth Disease - HFMD ) là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban đỏ có bọng nước ở miệng, lòng bàn tay.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Sốt thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh, 1 đến 2 ngày sau sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng có dạng vết loét, đường kính từ 4mm – 8mm, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi , tại vòm miệng hoặc ở lợi răng, làm trẻ nuốt đau.

Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay.Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể không xuất hiện đầy đủ hay cùng lúc.

Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

Trong giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

Để phòng bệnh cần: Rửa tay sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc don dẹp các vật dụng có dính phân trẻ; Che miệng khi ho và hắt hơi; Vệ sinh đồ; Cho nghỉ tại nhà những trẻ biểu hiện sốt và/hoặc có biểu hiện loét miệng hoặc trẻ nhễu nước bọt nhiều.

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn