• Zalo

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Thừa Thiên Huế lập chốt trên các tuyến đường ngăn dịch lây lan

Sức khỏeThứ Sáu, 22/03/2019 15:12:00 +07:00Google News

Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, các địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã lập chốt phong tỏa trên nhiều tuyến đường để ngăn chặn dịch lây lan.

Trước nguy cơ lan rộng của dịch tả lợn châu Phi, Thừa Thiên - Huế đã ban hành, triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp để dập dịch. Trong đó, nhiều chốt kiểm dịch được lập ra tại các tuyến đường giáp ranh giữa Thừa Thiên - Huế và  Quảng Trị để ngăn chặn dịch lây lan.

Theo ghi nhận của VTC News, sáng 22/3 tại 2 đầu cầu Phước Tích bắc qua sông Ô Lâu trên QL49 nối giữa xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) và xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) có 2 chốt kiểm dịch động vật của 2 địa phương.

Trong khi đó, phía 2 đầu cầu Hưng Nhơn - cây cầu bắc qua sông nối xã Phong Bình (huyện Phong Điền) qua xã Hải Hòa (huyện Hải Lăng) cũng thường xuyên có lực lượng chức năng chốt chặn; trên cầu và 2 đầu cầu cũng đã được rải vôi bột...

Đây chỉ là số ít trong tổng số những chốt chặn được bố trí sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ gia đình ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).

hang-loat-chot-chan-ngan-dich-ta-lon-o-dia-ban-giap-ranh-hue-quang-tri-0-1553225452-width900height498

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn dịch lây lan. (Ảnh: Duy Lợi) 

Hôm qua (21/3), cơ quan chức năng đã lấy mẫu, tiêu hủy 6 con lợn rừng thuộc đàn lợn gồm 47 con tại Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) xem có dương tích với dịch tả lợn Châu Phi hay không. 

Trước đó, ngày 19/3 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn khẩn về việc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

UBND tỉnh chỉ đạo, đối với địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi thì cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn huyện có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đối với các địa phương chưa có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, thì cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp huyện; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,... thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

Tỉnh yêu cầu các đơn vị thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp huyện, nhất là các huyện giáp với địa phương có bệnh dịch tả lợn Châu Phi; bố trí các lực lượng thú y, công an và lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn.

Thừa Thiên Huế là tỉnh thứ 19 phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. 18 tỉnh khác gồm: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới