Tính tới hiện tại, dịch Covid-19 đã lây lan tới 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 200.000 người và khiến gần 8.000 người thiệt mạng. Chủng virus corona mới càn quét khắp nơi trên thế giới, dẫn tới những hạn chế xã hội chưa từng thấy kể từ Thế chiến II và khiến các nền kinh tế quay cuồng trước nguy cơ suy thoái.
Chính phủ các quốc gia ở mọi châu lục đang phải thực hiện các biện pháp hà khắc từ tạm ngừng du lịch cho tới hoãn, hủy các sự kiện thể thao, nghi lễ tôn giáo để ngăn dịch lây lan.
Bên cạnh mục đích chính là hạ thấp lây nhiễm và giảm thiệt mạng, các cường quốc toàn cầu đang tập trung vào mục tiêu hạn chế các tác động kinh tế không thể tránh khỏi.
Với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump đề xuất bơm 1.000 tỷ USD vào thị trường. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn phát cho mỗi người Mỹ 1.000 USD trong vòng 2 tuần tới để có tiền đối phó với dịch.
Hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở xứ cờ hoa. Theo Reuters, các hãng hàng không Mỹ đang tìm kiếm ít nhất 50 tỷ USD tiền tài trợ và các khoản vay để duy trì hoạt động khi số lượng hành khách đang bốc hơi ngày một nhiều.
Anh kêu gọi người dân tránh tới các quán rượu, câu lạc bộ, nhà hàng, rạp chiếu phim, các nhà hát, nhưng London cũng cung cấp một gói giải cứu trị giá 400 tỷ USD cho các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vì dịch.
Hồi giữa tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo hạ lãi suất từ 0,75% xuống còn 0,25% và công bố hàng loạt biện pháp giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn nước Anh vượt qua thời điểm khủng hoảng hiện tại.
Pháp tuyên bố sẽ bơm 50 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế, hỗ trợ các công ty và người lao động.
“Tôi luôn hướng tới chính sách thắt chặt tài chính trong thời bình để Pháp không phải tiết kiệm ngân sách khi trong thời chiến", Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu nới lỏng các quy tắc của mình, cho phép các công ty nhận các khoản tài trợ lên tới 550.000 USD hoặc bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng để đảm bảo thanh khoản.
Nhưng bước đi đó vẫn không thế khiến thị trường chứng khoán lạc quan trở lại, đặc biệt là sau khi Phố Wall vừa trải qua ngày giao dịch đen tối nhất trong 30 năm qua. Trong phiên giao dịch hôm 16/3, các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc không phanh trước sự bất lực của các nhà đầu tư.
Philippines là quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính, trong khi châu Âu, tâm dịch của thế giới đang chứng kiến mức giảm 7% với cổ phiếu hàng không và du lịch.
Khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cắt giảm lãi suất để giúp đỡ các nền kinh tế đang bị đe dọa, các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng này sẽ không còn đủ "đạn dược" để ứng phó tới hết mùa dịch.
Các nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là kịch bản gần như khó tránh khỏi dù nhiều người lạc quan tin rằng sẽ có một sự phục hồi nhanh chóng khi hết dịch.
Video: Không để cảng hàng không bị ách tắc
Bình luận