Ý kiến này được đại diện nhiều trường đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học, cao đẳng diễn ra chiều nay (13/2).
Siết chặt công tác tuyển sinh đầu vào
Giải đáp băn khoăn của các trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Tại thời điểm này, các nhà trường đều có khung thời gian học bù trong kế hoạch. “Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét và thông báo cụ thể”.
Đồng thời, nhằm quán triệt vấn đề xây dựng phương án tuyển sinh năm 2020 tại các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các trường phải thận trọng khi mở ngành mới và quyết định tổ hợp xét tuyển mới. “Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời, ý kiến một số cá nhân mà mở ngành mới, hay đưa ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp gây hoang mang dư luận”, ông Nhạ nói.
Việc mở ngành cần phải nghiên cứu bài bản, chắc chắn. Trong đó, phải làm tốt khâu nghiên cứu thị trường, nguồn lực lao động. Nếu thận trọng, chắc chắn, tuyển sinh cũng sẽ thuận lợi. Ngược lại nếu vội vàng sẽ nhiều rủ ro, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở đào tạo và hệ luỵ đến một lượng lớn cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường.
Bộ trưởng chỉ ra thực trạng nhiều trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít. Bộ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục Đại học phối hợp với các vụ cục khác hỗ trợ các trường ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng đề án tuyển sinh, không phải có đề án xong mới báo lên để thẩm định.
Cùng với đó, Bộ GD&Đ tiếp thu ý kiến nhiều trường sư phạm là bảo đảm nhu cầu giáo viên dạy các môn học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tin học…Ngành Khoa học sức khỏe cũng phải rất chú trọng đến chất lượng, từ đầu vào đến đầu ra. Không phải vì đặc thù mà hạ chất lượng điểm đầu vào.
Cũng liên quan đến phương án tuyển sinh, Bộ trưởng yêu cầu phải minh bạch, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình nên mọi thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh phải số hóa, minh bạch. “Tôi đề nghị Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra giữa thông tin được kê khai trong phương án tuyển sinh với thông tin đăng mạng. Cơ sở giáo dục đào tạo phải chịu trách nhiệm về tình trung thực để người đăng ký dự thi nghiên cứu, tham khảo”.
Về thực hiện tuyển sinh, ý kiến tại hội nghị thống nhất cao việc các trường đại học sẽ phối hợp với các sở GĐ&DT trong đăng ký tuyển sinh. Nhất là các trường phổ thông đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý kết quả học tập, ghi học bạ cho học sinh phải nghiêm túc, chặt chẽ, để các cơ sở đào tạo đại học có thể tin cậy sử dụng trong tuyển sinh theo phương thức xét hồ sơ, học bạ.
Bộ trưởng cũng đề nghị các trường phổ thông, sở GD&ĐT phải kết hợp với các trường đại học trong công tác hướng nghiệp. Các trường đại học cần đảm bảo tính trung thực trong thông tin tuyển sinh để học sinh, phụ huynh tham khảo.
Ngoài ra, trong quá trình tuyển sinh lọc ảo, cần xử lý kịp thời các trường hợp, vì quyền lợi của người học nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu theo quy định. Tuyển sinh là nhiệm vụ các trường đại học, vì thế học sinh đăng ký vào trường nếu gặp trục trặc, trước hết trường phải có trách nhiệm, trực tiếp đứng ra giải quyết thoả đáng. Bộ GD&ĐT đứng ra chỉ đạo và giải quyết công việc chung.
Điểm mới cần đặc biệt lưu ý
Riêng về tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết đang lấy ý kiến bổ sung 2 nhóm ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học là du lịch (du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống) và công nghệ thông tin (khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin).
Hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi với hai nhóm ngành này cũng thay đổi so với trước. Nếu như trước đây giảng viên thỉnh giảng chỉ được tính chung hệ số quy đổi cho tất cả các ngành thì dự thảo mới bổ sung hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi cao hơn rất nhiều so với các ngành còn lại khi xác định chỉ tiêu và bằng ½ so với giảng viên cơ hữu.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tích hợp quy chế tuyển sinh các hệ chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2 vào cùng một quy chế. Không chỉ vậy, bộ cũng sẽ tiếp tục quy định tiêu chí ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, bổ sung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo hai khối ngành này.
Bộ cũng sẽ đưa ra các quy định chế tài chặt chẽ hơn đối với việc vi phạm quy chế thi, tuyển sinh. Chỉ tiêu ngành sư phạm được Bộ GD&ĐT phân bổ các cơ sở báo cáo nhu cầu giáo viên của địa phương.
Điểm đặc biệt năm nay là Bộ GD&ĐT không quy định lệ phí tuyển sinh, lệ phí do các cơ sở giáo dục quy định nhưng cần ổn định như các năm trước. Các cơ sở giáo dục thống nhất với Sở GD-ĐT mức thu phí xét tuyển.
Bình luận