(VTC News) - Hơn 40 năm về trước đã diễn ra cuộc trao trả tù binh chính trị yêu nước về với cách mạng trong tư thế người chiến thắng, đầy cảm xúc...
Kỳ 4 (Kỳ cuối) : Nước mắt ngày về trên sông Thạch Hãn
Thực hiện Hiệp định Paris, hơn 40 năm về trước (3/1973) đã diễn ra cuộc trao trả tù binh - tù chính trị yêu nước về với cách mạng trong tư thế người chiến thắng, đầy cảm xúc... Cả nước mong chờ hàng vạn người con trung kiên của đất nước bị Mỹ Ngụy bắt bớ, đày đọa được trở về với cách mạng, với nhân dân vùng giải phóng.
Điều 8 chương III của Hiệp định Paris đã ghi rõ: “Việc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam giải quyết trên nguyên tắc Điều 21 (b) của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và phải trao trả trong vòng 90 ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực”. Cơ sở pháp lý đã rõ ràng vậy nhưng Mỹ Ngụy vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố, chúng vẫn bằng mọi cách ém giấu tù nhân hòng trốn tránh trao trả, nhất là đối với tù chính trị (mà Hiệp định ghi rõ là nhân viên dân sự).
Ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nhà tù trên khắp miền Nam, chúng ra sức đàn áp, xé lẻ tù nhân để gạn lọc, đánh tráo hoặc chuyển thành tù án bằng các tội danh gán ghép như “gian nhân nhập đảng, phá rối trị an...”. Mặc dù vậy, tù nhân ở các nhà lao vẫn nắm được nội dung của Hiệp định Paris và quyết liệt đấu tranh đòi địch phải chấp hành các điều khoản trong Hiệp định. Cùng với sự đấu tranh kiên quyết của phái đoàn ta tại hội nghị bốn bên, phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước và dư luận quốc tế đã buộc địch phải chấp nhận trao trả.
Cảnh cai ngục dội nước sôi lên đầu tù binh ở Phú Quốc |
Ở nhà lao Phú Quốc, ông Tống Trần Hội, ông Phùng Xuân Nghị, cũng như những cựu binh khác, sau mấy năm trải qua “địa ngục trần gian”, bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, được xếp vào hạng “nan y tàn phế”, trở về trong cuộc trao trả bên sông Thạch Hãn. Tuy vậy, không vì thế mà cuộc đấu tranh của các tù binh dừng lại.
Trong ký ức của ông Hội, cuối tháng 11/1972, gần 600 người ở nhà lao Phú Quốc được chuyển về Biên Hòa tập kết. Ngày 12/2/1973, về đến sân bay Huế, ông Hội thấy xuất hiện một loạt xe treo đầy cờ ba sọc, cờ Mỹ. Anh em tù binh tuyên bố trước phái đoàn giám sát quốc tế, nhất quyết không chịu lên xe có cờ địch để về sông Thạch Hãn. Trước sự phản đối kịch liệt, cuối cùng lính Ngụy cũng phải chịu thua, thay thế bằng một đoàn xe khác .
Một cảm giác hồi hộp xen lẫn niềm vui quê hương sắp được giải phóng. Trên đường về, quang cảnh hoang tàn vì chiến tranh, con đường đầy những ổ gà, ổ voi, hai bên đường hầu như không có dân cư, và bên trong chắc chắn còn nhiều bom mìn sót lại. Nhìn những anh em một thời sinh tử chiến đấu với mình, giờ người thì bại liệt, người cụt chân, người cụt tay… ông không khỏi căm phẫn trong lòng.
Video hầm vũ khí của biệt động sài gòn
Lúc gần đến bờ sông Thạch Hãn, nhìn thấy lá cờ giải phóng bay phấp phới, tất cả tù binh reo hò ầm ỹ. Trước đó, mỗi người đã được phát áo sơ mi cộc tay mới, quần âu, nhưng tất cả ầm ầm phản đối, tuyên bố trước lính Ngụy: Các anh đối xử với chúng tôi như thế nào thì giờ trao trả chúng tôi cũng như thế để nhân dân cả nước, để quốc tế biết rõ mọi việc. Chưa thực hiện xong nghi lễ, các chiến sĩ đã cởi bỏ hết áo quần bên ngoài và các vật dụng mang theo của Mỹ - ngụy quẳng xuống sông, mặc mỗi chiếc quần cộc, trước khi lên thuyền tiếp đón.
Thuyền chưa đến giữa sông, những người còn đi lại được đã không chịu nổi, thi nhau nhảy ào xuống lội bộ qua bờ bên kia, nơi những đồng chí thân yêu của mình đang chờ sẵn. Đến bờ sông mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt lăn dài, có một số chiến sĩ quá yếu lại xúc động, khuỵu xuống phải dùng cáng để vận chuyển đến trạm cấp cứu gần đấy.
Cảnh trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn. Ảnh tư liệu |
Có 3 sư đoàn miền Bắc vào Quảng Trị để bảo vệ cuộc trao trả tù binh. Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ huy, còn nhà thơ Tố Hữu trực tiếp ra đón. Tất cả đồng thanh hô vang “Độc lập dân chủ muôn năm”, “Đảng nhân dân cách mạng muôn năm” , ầm ầm náo động cả một vùng rộng lớn hai bên bờ sông Thạch Hãn.
Phút giây những bước chân vội vã rẽ nước sông, những giọt nước bắn tung lên trắng xóa, những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt, những cánh tay vươn ra như muốn ôm tất cả vào lòng… tất cả đã trở thành những kỷ niệm khắc ghi trong tâm khảm những người trở về sau cuộc chiến.
Tưởng như không có có niềm vui nào bằng, không có hạnh phúc nào hơn. Ngục tù đã mở ra không chỉ từ chữ ký tại Paris, mà còn là máu và nước mắt của một dân tộc đã phải ra trận, biết bao năm không ngưng nghỉ, biết bao năm đạp lên bom đạn mà đi…
Các tù binh trở về trong vòng tay đồng đội. Ảnh tư liệu |
Ông Hội bảo rằng, ông nhìn thấy có những tù binh phía bên kia khi được trao trả, đã quay lại giơ tay lưu luyến vẫy tay chào đất Bắc và những chiến sĩ quân đội mình cũng vẫy tay chào lại họ. Họ cũng mong muốn, khát khao hòa bình, không còn cảnh đất nước phải “nồi da nấu thịt”, chung tay xây dựng cuộc sống mới, như là bản thân ông cùng với những đồng đội của mình đã đấu tranh không biết mệt mỏi cho lý tưởng ấy.
Các cựu tù Phú Quốc được đưa về trại điều dưỡng ở miền bắc. Về sau, người tiếp tục theo quân ngũ, người tiếp tục đi vào chiến trường B góp phần vào ngày toàn thắng 30/4/1975. Bản thân ông Tống Trần Hội, ông Phùng Xuân Nghị, cùng một số đồng đội khác thì lập gia đình, sống một cuộc đời bình dị như bao người dân khác.
Các cựu tù Phú Quốc được đưa về trại điều dưỡng ở miền bắc. Về sau, người tiếp tục theo quân ngũ, người tiếp tục đi vào chiến trường B góp phần vào ngày toàn thắng 30/4/1975. Bản thân ông Tống Trần Hội, ông Phùng Xuân Nghị, cùng một số đồng đội khác thì lập gia đình, sống một cuộc đời bình dị như bao người dân khác.
Ông Tống Trần Hội: "Đó là những ký ức đấu tranh cho lý tưởng cách mạng mà chúng tôi không thể nào quên" |
Ông Hội nhớ như in một kỷ niệm hồi những năm 90 thế kỷ trước, trong lần vào miền nam thăm lại chiến trường xưa, bất ngờ ông gặp lại một nhóm sĩ quan chế độ cũ, có cả người đã từng đích thân tra tấn mình trong những ngày ngục tù. Mọi người hàn huyên nói chuyện vui vẻ. Ông Hội cũng không còn một chút gì hận thù khi những vết thương vẫn còn đeo đẳng mình cho đến cuối đời, ông chỉ cười và bảo rằng: “Dù chiến thắng sẽ có người vui kẻ buồn, nhưng tôi không hề trách cứ các anh, bởi vì các anh phải hiểu, chính Mỹ và và những kẻ đầu sỏ của Việt Nam Cộng hòa đã lợi dụng lòng yêu nước của các anh, xô đẩy các anh vào con đường phản dân, hại nước, mà chính các anh không hề hay biết”.
Đối với các cựu tù Phú Quốc trở về, dù chiến tranh trên quê hương đã lùi xa, bệnh hoạn thương tật rồi cũng sẽ lắng xuống. Nhưng lịch sử không cho phép họ quên quá khứ. Những ngày gian khổ ở “địa ngục trần gian”, là ký ức không thể nào quên, là quá khứ của gan góc, dạn dày, đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, quá khứ của lòng chung thủy và trong sáng…
Hải Minh
Bình luận