Gã sống một mình trong hang đá, không vợ con, đêm đêm đi đặt bẫy săn thú rừng, ngày leo trèo hái lượm. Câu chuyện của người dân Vả Thàng gây tò mò, đến nỗi cả đêm tôi chong chong mất ngủ. Trong đầu cứ lởn vởn những câu hỏi như “dị nhân” kia trông như thế nào? Làm gì trên đỉnh núi lạnh lẽo kia?
Nơi với tay tới trời
Tôi tình cờ nghe được câu chuyện qua lời kể của Thào Seo Quáng, cháu gọi “dị nhân” Tráng Seo Vư bằng cậu. Quáng bảo, từ thời còn ở nhà đi chăn trâu, cắt cỏ đã thấy cậu mình bỏ nhà lên đỉnh núi ở. Quáng cũng chưa một lần đặt chân tới cái hang trên đỉnh núi lạnh lẽo đó.
Sau bữa cơm tối, tôi trèo lên gác mái nằm nhưng không tài nào ngủ nổi. Nhưng rồi, sau cả một ngày dài rong ruổi, tôi thiếp đi vì mệt. 5 rưỡi sáng, tiếng gà gáy vang cả thôn, mùi khói bếp thoang thoảng. Tôi vươn vai, hít căng một lồng ngực không khí mát lành, hơi lạnh như thấm vào từng lỗ chân lông. Nhìn thấy tôi, Quáng thủ thỉ: “Đêm qua cậu Vư về thăm nhà đấy. Để em bảo xem cậu có dẫn bọn anh đi cùng lên núi không. Cậu đi lấy cỏ cho trâu từ sớm rồi. Tí nữa cậu về ăn cơm rồi đi”.
Quáng bật mí, “dị nhân” là người ít nói, lầm lì, nhưng khi có tí cay cay vào thì vui đáo để. Quả không sai, tầm 7 rưỡi sáng, chúng tôi dọn cơm ăn, Quáng bảo, cậu Vư về kìa.
Vư thân thiện hơn tôi nghĩ, thấy người lạ liền chìa tay bắt như người thân lâu ngày gặp lại. Cùng ăn cơm với chúng tôi còn có 2 cán bộ xã phụ trách thôn và anh Thào Seo Dế, công an viên thôn cũng là người phiên dịch bởi Vư không hiểu, cũng chẳng nói được tiếng Kinh. Cái lệ ở thôn bản, không có tí cay cay thì chẳng nói chuyện. Bữa sáng, ngồi lai rai với dị nhân, một chai rượu ngô 1,5 lít hết veo lúc nào không hay.
Cơm no, rượu say, Vư lừ lừ cầm con dao quắm đi trước, chúng tôi theo sau, bắt đầu hành trình lên núi. Con đường ngoằn ngoèo, xuyên qua bờ ao, ruộng ngô… thì cụt. Vư khua khua con dao ra hiệu dừng lại, cứ từ từ. Nói đoạn gã vung dao phát cỏ, chặt dây rừng mở đường đi.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là những vách đá lởm chởm, dựng đứng. Trời mưa lây phây, những phiến đá trở nên trơn như có người bôi mỡ. Lúc đầu, tôi vừa đi vừa ngó nghiêng, một tay giơ máy ảnh chụp. Nhưng rồi phải nhét vội máy ảnh vào túi, dùng cả hai chân, hai tay bấu chặt vào những mỏm đá sắc nhọn để trèo lên. Mồ hôi vã ra như tắm, chảy vào mắt cay xè, hai lớp áo dính chặt vào cơ thể.
Thào Seo Dế trêu tôi, bảo mà, đi rừng phải ăn cơm no, uống rượu mới có sức mà leo núi, đi một lúc là rượu nó bay hết hơi mà. Trèo thêm một đoạn, hai cán bộ xã chào thua, đứng dưới thở hồng hộc, ra hiệu chúng tôi cứ đi đi. Cứ thế, mất hơn một tiếng đồng hồ leo núi liên tục, chúng tôi cũng đặt chân tới hang động của “dị nhân” Tráng Seo Vư.
Chỗ ở của Vư là một hang nhỏ, tối như hũ nút, mỏm đá trên đầu chìa ra phía vực, xung quanh được che chắn bằng bạt xanh, rộng chừng 5m2.
Vì nơi Vư ở xa xôi, hiểm trở, gần như không có ai đi tới, lâu dần, gã sống như người rừng đúng nghĩa. Tôi hỏi, ở một mình không buồn sao, gã chỉ tay vào chai rượu bảo, ở mãi thấy bình thường. Gã lấy rượu làm bạn, ngày ba bữa uống rượu nhiều khi không ăn gì.Gã treo quần áo, túi xách, mắm muối lủng lẳng, vài thứ thì nhét vào khe đá, trông đến kỳ dị.
Vừa vào hang, Vư lấy điếu cày, châm 2 bi rít liên tục, nhả khói mù mịt. Đứng từ miệng hang, tôi có cảm giác như với tay tới trời. Nhìn xuống dưới, thôn Vả Thàng bé xíu, lốm đốm nhưng những cây nấm.
Thứ tôi ấn tượng ở gã có lẽ là nụ cười. Vư có nụ cười không giống ai, đúng kiểu “công nông lên dốc” với hàm răng vàng khè nhưng hiền hiền.
Vư sinh đúng vào năm chiến tranh biên giới (1979), là con thứ 3 trong gia đình 5 anh em. Cách đây hơn chục năm, cha Vư qua đời. Vư dựng một căn nhà nhỏ, ngày ngày lên núi săn bắn, cái thời mà súng kíp còn nhiều.
Rồi bỗng một ngày, người nhà không thấy Vư trở về. Gã ở hẳn trên đỉnh núi, sống tách biệt với cuộc sống đời thường.
Chiều chiều, gã đi dọc sườn núi đặt bẫy, hái nấm, rau rừng về ăn. Đến sáng thì đi tháo bẫy, hưởng thụ thành quả.
Tôi hỏi, lỡ khi đau ốm hay bị ngã thì sao. Vư cười lớn, gần chục năm leo núi chẳng bao giờ ngã, vì cứ có rượu, bò bằng 2 tay 2 chân thì ngã làm sao được. Còn ốm đau, chắc là Giàng thương, núi rừng che chở nên chẳng khi nào phải nằm một chỗ. Tôi lại hỏi, sao không ở dưới núi mà lấy vợ, sinh con. Vư xua tay, không lấy đâu, lấy vợ tốn kém lắm, tiền cưới vợ phải mấy chục triệu lấy đâu ra.
Cái giường của gã là một phiến đá to, dài phải đến hơn 2m, căng bạt xanh. Theo thói quen, cứ ra ngoài là gã tháo bạt, tránh lá cây hay nước mưa hắt vào. Khi nào ngủ, Vư lại cột dây căng bạt. Tôi may mắn là vị khách hiếm hoi đặt chân đến hang động của Vư, gã vui ra mặt.
Dị nhân… trồng sa nhân
Khoảng một năm trở lại đây, thỉnh thoảng người dân nhìn thấy Vư xuống núi chứ không còn sống tách biệt như trước. Gã đã biết mang đồ săn được, băng qua đỉnh núi xuống chợ Mường Khương bán lấy tiền.
Tôi bảo Vư, kiếm nhiều tiền thế, móc túi ra xem được bao nhiêu nào. Gã lắc đầu, cho anh em vay hết rồi. “Tao cho anh em vay 3 triệu rưỡi rồi. Còn một đứa cháu vay hơn 10 triệu nữa”. Tôi trêu, thế là đủ tiền cưới vợ rồi, xuống núi cưới vợ đi thôi. Vư lại lắc đầu bảo, thôi giờ không lấy đâu, chỉ ở trên này thôi.
Số tiền tích cóp được, ngoài cho vay, Vư đi mua giống cây sa nhân về trồng. Khu vực Vư trồng sa nhân cách nơi ở khoảng nửa tiếng leo núi. Vư bắt đầu trồng sa nhân từ đầu năm 2016, nay được hơn 1.000 gốc. Gã hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm vườn sa nhân. Tới vườn, mặc chúng tôi đứng xem, gã liên tay phát cỏ, dọn dẹp như những công nhân nông trường chuyên nghiệp.
Dự tính, sang năm vườn sa nhân sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sa nhân là loại dược liệu quý, giá trên dưới 1 triệu đồng/kg khô, thường được người dân trồng và xuất bán sang Trung Quốc.
Cũng từ ngày trồng sa nhân, mỗi tháng Vư xuống núi khoảng 1 - 2 lần. Nhưng với bản năng sống lâu ở rừng, Vư thoắt ẩn thoắt hiện, ít nói chuyện tiếp xúc với mọi người. Khi trở lại đỉnh núi, gã thường vác một thùng mì tôm, ít thuốc lào và một thứ không thể thiếu là rượu. Tôi hỏi, có khi nào xuống núi luôn không, Vư bảo, không muốn đâu, giờ chỉ muốn sống một mình, trồng và trông coi sa nhân thôi.
Ngoài trồng sa nhân, Vư còn vào rừng kiếm thảo dược đem bán. Cùng gã đi loanh quanh một lúc, tôi cũng biết thêm nhiều loại cây. Đang đi, gã vội vứt con dao xuống, nhổ lên một đoạn cây nửa xanh nửa tím. Gã xòe bàn tay năm ngón cười như bắt được vàng. Anh Dế bảo, cũng chẳng biết là cây gì, Vư nó bảo loại cây này là thuốc quý, đem xuống chợ bán có giá 15 đồng tiền Trung Quốc, gần 500 nghìn đồng tiền Việt Nam.
“Dị nhân” vui ra mặt khi có người tới tận hang trò chuyện“Vư vốn là một người bản tính rất tốt, thân thiện với mọi người. Chẳng hiểu sao hắn lại bỏ lên rừng ở một mình. Thôn, xã trước đây cũng vận động nhiều nhưng hắn không về nên đành chịu. Dạo này hắn cũng hay xuống núi hơn, biết giúp đỡ người khác, biết trồng cây sa nhân, ai cũng mừng”, anh Thào Seo Dế, công an viên thôn Vả Thàng tâm sự.
Video: Kỳ lạ gia đình dị nhân ai cũng có 12 ngón chân, 12 ngón tay ở Ấn độ
Bình luận