Đảo ngọc Cô Tô có bờ cát trắng tinh và không gian thoáng mát, trong trẻo, hoà quyện với màu xanh bất tận của trời, của biển. Con đường Tình yêu dẫn lối vào Bãi tắm Tình yêu với những tán phi lao du dương như hát gọi, hòa vào tiếng sóng dịu êm, tạo những cảm xúc thăng hoa.
Từng ấy điều đẹp đẽ, thơ mộng tưởng chừng đã đủ lãng mạn trên biển đảo Cô Tô. Vậy mà giữa năm 2020 lại xuất hiện một cây cầu gỗ, hướng từ bãi biển thơ mộng Bắc Vàn, xã Đồng Tiến thẳng ra đảo Cô Tô con. Không biết từ bao giờ, cây cầu gỗ ấy được gọi là “cầu Tình yêu”. Chiếc cầu nổi lên như một điểm nhấn, thu hút du khách mỗi khi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi vịnh Bái Tử Long.
Hành trình dựng lên cầu Tình yêu
Tên cầu đã lạ, chủ nhân cây cầu này còn lạ hơn. “Dị nhân” mang tên Bùi Đức Hạnh, tuổi xấp xỉ 50, chủ một doanh nghiệp tư nhân trên đất Quảng Ninh.
Tò mò đi gặp chủ cầu, tôi choáng! Cái tên “Đức Hạnh” hình như quá đối lập với cái vẻ bề ngoài cũng như phong thái của gã. Gã không cao lắm, nhưng cái vẻ gầy gò ốm yếu, cân nặng chắc chưa được 50kg khiến thân hình cứ như lêu ngêu lên, cảm giác như phiêu phiêu gió biển cũng thổi bay đi mất. Miệng gã hình chữ V ngược, ít nói. Nhìn vẻ bề ngoài, chả ai ngờ gã là doanh nhân khá giàu có.
Gã sống giản tiện, chỉ có sở thích duy nhất: uống trà siêu đặc kèm hút thuốc lá Thăng Long.
“Cuộc sống của tớ đủ rồi, cũng không cần thiết làm giàu hay có tham vọng gì nữa. Thích kiếm tiền thì mua đi bán lại vài mảnh đất là có tiền ngay ấy mà. Nhưng tớ yêu hòn đảo này. Phía biển xã Bắc Vàn hơi hiu quạnh, ít du khách đến, tớ đi qua và cảm thấy cần thiết sẽ phải có thêm một điểm nhấn về du lịch nữa. Đường có rồi, nhà có rồi, biển có rồi, tự dưng tớ nghĩ sẽ phải có một cây cầu, tớ thích thì tớ làm thôi!…”. Đêm khuya thanh vắng, bên chén trà, gã lập dị bộc bạch về lịch sử và hành trình dựng lên cây cầu mang tên Tình yêu.
Hạnh bảo, tiền gã không thiếu. Từ bé, gã đã bỏ nhà đi lang thang bụi bặm, sang cả Lào, Trung Quốc làm ăn gần 20 năm, va chạm các kiểu đủ rồi. Lăn lộn quá nửa đời người, tích trữ được số vốn kha khá, một ngày đẹp trời, gã chợt nhớ da diết cố hương, thèm cái bầu không khí quê nhà… Thế là gã về nước, tìm đến mảnh đất Quảng Ninh lập nghiệp. Gã lập công ty chuyên về xây dựng cầu đường rồi lập gia đình, hưởng thụ cuộc sống giản đơn mà vui, đêm kê cao gối ngủ, tránh xa cái không khí bon chen, đôi khi phải mưu hèn kế bẩn giữa đời…
Đến lúc bước qua tuổi trung niên, tự dưng gã bỗng thèm cái không gian tĩnh lặng, càng tĩnh lặng càng tốt, nhưng cũng phải lãng mạn, kiểu như thi nhân thi sĩ ngày xưa tìm chốn hưởng thụ và suy ngẫm nhân sinh. Thế là gã tìm ra đảo Cô Tô con, đầu tư hẳn một khu nuôi trồng thủy sản làm kế sinh nhai, rồi sống một mình ở đấy, cho đến giờ cũng được 3 năm.
Hôm đi thuyền từ Cô Tô con ra đảo lớn, ngồi lặng thinh bên bãi cát Bắc Vàn, một cơn gió mạnh thổi qua, chẳng hiểu sao tự dưng gã lập dị này chợt nghĩ đến việc phải dựng lên một điểm nhấn ở đây, để du khách qua đảo còn nhớ tới.
Thế là năm 2019, Hạnh phăm phăm vác đơn lên xã, lên huyện, xin cấp phép tự… dựng cầu. Các bên há hốc mồm khi gã mạnh miệng bảo rằng, mình bỏ tiền túi ra làm, lại còn làm cầu… bằng gỗ.
Có người nói Hạnh bị điên, có người bảo gàn dở, có người lại nghi ngờ về mục đích thực sự của gã. Nhưng kệ, gã đã nói là làm.
Để dân đảo biết mình không hề đùa, gã lập dị lập tức liên hệ thu mua gỗ bạch đàn từ đất liền, thêm một ít của bà con tại địa phương, rồi huy động nhân công của doanh nghiệp mình ra hì hục đo vẽ, đóng cọc.
Mới đầu cũng chả mấy người để ý hay bĩu môi chê bai, cầu cứ thế dài ra, mặc sóng vỗ dập dồn. Bỗng dưng, khi cây cầu Tình yêu lao ra giữa biển, dài chừng nửa cây số, thì gã và đội nhân công nhận được chỉ thị từ huyện: Dừng, không cho làm nữa.
“Tính ra cũng phải mấy trăm triệu chi phí và nhân công đấy cậu ạ, nhưng tớ không để ý, vì nó không quan trọng bằng việc mình phải làm cái gì đó để tri ân mảnh đất này, nơi mang lại cuộc sống yên bình đúng nghĩa cho tớ. Mà tớ chỉ xây cầu thôi, không phải chủ cầu đâu. Cầu là của chung hòn đảo chứ…”, gã bộc bạch.
Cũng không hiểu rõ lý do tại sao huyện không cho làm. Gã tâm sự rằng, thời điểm ấy, gã và công nhân cũng thấy buồn. Nhưng huyện bắt dừng thì phải dừng! Gã lập dị lại trở về với công việc thường nhật. Không biết liệu nếu được làm tiếp, thì cây cầu gỗ đặc biệt này có được nối thẳng sang đảo Cô Tô con hay không? Nhưng, dù có như thế nào chăng nữa, việc phía sau hòn đảo xinh đẹp này bỗng xuất hiện một chiếc cầu gỗ nhỏ bé, chơi vơi vươn ra giữa biển khơi, mênh mang giữa sóng nước, cũng quả là điểm nhấn đặc biệt cho vùng đất đầy tiềm năng du lịch này.
Cầu Tình yêu vươn ra giữa biển
Cầu Tình yêu không phải cầu bằng sắt hay cầu xi măng, mà lại làm bằng…gỗ, vươn thẳng ra khơi. Dạo bước trên cây cầu này, chỉ nhìn thấy những cây gỗ bạch đàn dài được cắm đan xen vào nhau và những chiếc cọc cắm thẳng xuống đáy, cố định bằng… dây buộc.
Giữa làn nước trong xanh, hệ thống cọc cầu cắm sâu vững chãi nâng đỡ những nhịp cầu. Sàn cầu cũng là những thanh gỗ bạch đàn mỏng lát xuống, bước chân lên dội lại âm thanh nghe lộp cộp từng nhịp từng nhịp. Có gì đó lãng mạn, có gì đó rung động trong cái không gian đất trời biển đảo.
Trông thế mà nó lại khá chắc chắn. Theo dân trên đảo kể lại, từ khi cầu hoàn thành đến giờ, Cô Tô đã từng trải qua vài cơn bão. Nhà dân cứ tốc mái, thuyền có cái neo bờ vẫn lật, nhưng cầu vẫn đứng vững nơi ấy, giữa muôn vàn khắc nghiệt của thiên nhiên.
Một điểm ngạc nhiên nữa là, cầu Tình yêu dài cỡ 500m, vươn từ bờ ra biển rồi… cụt lủn, nghĩa là có điểm đầu, nhưng chưa xác định điểm cuối, cứ như tình yêu vậy…
Từ bờ đi bộ ra đến hết cầu chỉ là một khoảng mênh mang, xung quanh là làn nước xanh trong vắt lững lờ. Nơi điểm cuối dở dang ấy có thể nhìn về đảo Cô Tô con xa xa. Để sang, phải mất một khoảng thời gian nữa, và du khách chỉ còn cách di chuyển bằng thuyền.
Cứ thử tưởng tượng, giữa đêm trăng thanh, gió biển lúc vi vu lúc lồng lộng, được lặng lẽ ngồi cạnh người mình thương giữa khung cảnh nên thơ như thế, còn gì hơn được? Hưởng thụ cái thanh khiết, cái lãng mạn mà tình yêu mang lại, chắc tột cùng cũng chỉ đến thế!
Và sở dĩ nó mang tên cầu Tình yêu chắc cũng vì những lý do như vậy. Dân đảo kể lại, có khá nhiều câu chuyện đã diễn ra, để ai cũng công nhận cây cầu bạch đàn mang luôn tên Tình yêu, mặc dù ban đầu, mọi người chỉ gọi nó bằng đúng cái tên nguyên bản: Cầu gỗ.
Có chuyện kể lại rằng, cách đây chưa lâu, có gã lãng tử hình như cũng đã ngót nghét gần 40 tuổi đầu, tên T. Trước, học đại học xong, T. lang bạt đất liền tầm 15 năm, làm đủ các cơ quan, nhưng vẫn… “ế bền vững”. Mà gã đâu có khô khan hay xấu xí gì? Chỉ mỗi cái tính thích lang thang đây đó, có đồng lương nào lại xách ba lô lên đường đi khám phá những vùng đất mới lạ.
Gia đình gây áp lực quá, chán đời, gã bỏ ra Cô Tô, và khung cảnh trữ tình nơi đây đã níu giữ bước chân lãng du vô định ấy. Không hiểu bằng cách nào, T. thuyết phục được bố mẹ, mượn ít tiền làm vốn rồi định cư hẳn trên hòn đảo này. Ngày ngày rỗi rãi, T. lại xách cần đi câu. Mà từ lúc có cây cầu này xuất hiện, với lý do đi càng xa càng câu được cá to, gã cứ xách cần, xách xô ra điểm cuối cùng của cây cầu gỗ, thong dong buông câu rồi làm ấm trà, ngẫm việc đời, việc mình.
Rồi gã câu được “cá” thật. Hôm gia đình nghe tin T. dẫn cô dâu về giới thiệu và xin cưới, ai cũng lăn đùng ngã ngửa vì cứ nghĩ gã sẽ chấp nhận kiếp ế, kể cả việc có đi tán tỉnh nhiệt tình chăng nữa, cũng không có cô gái nào dễ dàng chấp nhận cái gã lãng tử bụi bặm như vậy. Chuyện sau này hay lý do vì sao mà cặp đôi “dính” nhau trên cây cầu gỗ không ai rõ, nhưng chỉ biết từ khi lập gia đình, cô vợ cấm tiệt T., đi câu đâu thì câu, phải tránh cái cây cầu gỗ này ra. Có chồng rồi phải giữ chứ!
Sau những câu chuyện đầy thi vị đó, cầu Tình yêu trở thành điểm check in lý tưởng của các cặp đôi đi hưởng thụ không khí lãng mạn của biển, cũng là nơi xuất hiện những bộ ảnh cưới đầy màu sắc, phản ánh tình yêu mênh mông như biển cả, cái nguyên bản đúng nghĩa mà tình yêu đã mang lại, mà ai nấy khi xem đều xuýt xoa…
“Cậu nhắc tớ mới nhớ, cũng sắp tới Lễ Tình nhân 14/2 rồi thì phải. Dịch COVID diễn ra khiến ai cũng như quên mất mọi khái niệm về không gian, thời gian rồi. Để tớ chuẩn bị sơn sửa lại cây cầu này cho nó đẹp thêm, đón thêm nhiều người đến thăm quan nữa vậy…”, gã lập dị mang tên Đức Hạnh kết thúc câu chuyện giữa đêm vắng, lại chìm vào trong trầm mặc bên khói thuốc, trầm tư suy nghĩ.
Bây giờ, du khách đặt chân đến hòn đảo Cô Tô xinh đẹp, bên khung cảnh thiên đường thơ mộng, những con đường phi lao vi vu gió thổi, những đêm trăng thanh gió mát…, sẽ lại có thêm một địa danh nữa để mà nhớ, để mà nhắc đến với cái tên đầy gợi mở: Bãi biển xã Cống Vàn, ở đó có “cầu Tình yêu”.
Bình luận