• Zalo

Di dời nhà máy Dệt Nam Định: Ông Trần Đăng Tuấn gửi tâm thư, Vinatex phản hồi gì?

Kinh tếThứ Sáu, 08/07/2016 08:16:00 +07:00Google News

Lãnh đạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết sẽ xem xét ý kiến của ông Tuấn và sẽ có đề xuất để thay đổi quy hoạch dự án Khu Đô thị Dệt May Nam Định.

Liên quan đến tâm thư của nhà báo Trần Đăng Tuấn mong muốn được giữ lại một phần các xưởng máy của Nhà máy Dệt Nam Định, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết sẽ xem xét ý kiến của ông Tuấn và sẽ có đề xuất để thay đổi quy hoạch dự án Khu Đô thị Dệt May Nam Định.

det

Nhà máy Dệt Nam Định

Ông Lê Tiến Trường, Thành viên Hội Đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, ông đã đọc qua tâm thư của ông Trần Đăng Tuấn và ông sẽ ghi nhận thêm ý kiến của ông Tuấn để có đề nghị với UBND tỉnh Nam Định và Bộ Xây dựng cho điều chỉnh quy hoạch dự án Khu Đô thị Dệt May Nam Định phù hợp hơn nữa.

- Thưa ông, vừa qua ông Trần Đăng Tuấn có gửi tâm thư về việc mong muốn được giữ lại một phần các xưởng máy của Nhà máy Dệt Nam Định nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của Nhà máy Dệt từng gắn bó với nhiều thế hệ người Việt, ông có đọc tâm thư của ông Tuấn?

Tôi đã đọc tâm thư của ông Tuấn rồi. Đây là ý kiến cá nhân của một người con từng gắn bó với quê hương, với thành phố Nam Định.

Tuy nhiên, ông Tuấn đã không nắm được thông tin đầy đủ. Thực tế, trước khi triển khai dự án này, chúng tôi đã trăn trở nhiều năm với giá trị văn hóa, lịch sử của nhà máy Dệt Nam Định.

Vì vậy, từ năm 2012, chúng tôi đã cho xây dựng Bảo tàng Dệt May ở ngay trên trên diện tích đất là một phần của nhà máy với các hiện vật trưng bày như: vật liệu, máy móc, kỷ vật,...Nhà máy này đã khánh thành đến nay được 3 - 4 năm với quy mô trên 2 ha.

Thực tế, bạn (PV) có thể thấy các ngành khác như cao su, sắt thép, dầu khí,...họ cũng không làm được một Bảo tàng như chúng tôi để lưu giữ các giá trị văn hóa.

Một điều đáng buồn, là dù đi vào hoạt động 3 - 4 năm nay, nhưng Bảo tàng Dệt May gần như không có khách tham quan. Chỉ có nhân viên ngành Dệt khi đi công tác thì ghé thăm hoặc sinh viên theo học ngành này tới thăm. Còn đa số không có ai tới cả. Vì vậy, dù có từ khá lâu, nhưng bảo tàng này lại không được nhiều người biết.

- Nhưng trong tâm thư, ông Trần Đăng Tuấn có nhắc là "Ngoài nhà bảo tàng Nhà máy Dệt và các địa điểm khác có ý nghĩa lịch sử, khi tiếp tục di dời phần còn lại của Nhà máy, xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay", tức là ý ông ấy muốn giữ thêm một phần các xưởng máy?

Về ý kiến này của ông Tuấn chúng tôi sẽ quan tâm thêm. Thực tế việc di dời nhà máy Dệt May Nam Định đã được phê hoạch từ năm 2013. Vì thế, giờ ông Tuấn có thêm ý kiến như thế này, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, sau khi nghiên cứu cụ thể sẽ có thể đề xuất với tỉnh Nam Định và Bộ Xây dựng để xin điều chỉnh quy hoạch.

- Nếu làm theo ý ông Tuấn, thì theo ông quy hoạch khu vực nào là hợp lý?

Thực ra là việc lưu giữ một góc xưởng, nhưng góc xưởng cũng có thể rộng tới 10.000 m2 vì vậy khu vực được quy hoạch là vườn hoa có thể nghiên cứu để làm thành 1 góc xưởng.

Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch 1/500 của dự án Khu Đô thị Dệt May Nam Định đã được phê duyệt. Vì thế, muốn làm việc này cần phải có sự đồng ý của tỉnh Nam Định và Bộ Xây dựng, Vinatex chỉ đề xuất sau khi nghiên cứu thấy hợp lý.

- Trước khi làm dự án này, các ông có tính đến các phương án lưu giữ giá trị văn hóa của Nhà máy Dệt Nam Định không?

Tôi xin khẳng định là câu chuyện bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của Nhà máy Dệt Nam Định chúng tôi luôn trăn trở và đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, từ anwm 2012, chúng tôi đã xây dựng Bảo tàng Dệt May.

Chúng tôi cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của nhà máy Dệt Nam Định khi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần đến nghỉ, là nơi đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là biểu tượng của ngành Dệt May.

Hiện việc xây dựng Khu Đô thị Dệt May Nam Định đều do các doanh nghiệp may tự làm. Dệt May Nam Định là đơn vị được thành phố giao làm chính khu vực này, các doanh nghiệp khác cũng đều là doanh nghiệp dệt may, làm nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử.

Thực tế, hiện nay dự án đang thực hiện giai đoạn 1, phá dỡ khu vực nhà máy dệt nhuộm. Việc di dời nhà máy Dệt Nam Định đã có quy hoạch từ năm 2013, do khu vực nhà máy nhuộm này thường xuyên xả nước thải, dẫn đến việc gây ô nhiễm cho thành phố nên buộc phải di dời.

Tuy nhiên, thời điểm năm 2013 chưa thực hiện được điều này vì chưa có kinh phí để làm.

Còn hiện nay, nửa bên tay trái đường Trần Phú tính theo hướng Nam Định đi xuống là khu sợi và may vẫn vẫn còn nguyên. Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc bố trí thành góc xưởng cũ để du khách có thể nhìn lại.

Tôi khẳng định, việc thực hiện dự án không phải là làm mất đi nhà máy Dệt Nam Định, mà nhà máy Dệt Nam Định vẫn còn nguyên với sản lượng, quy mô lớn hơn trước, nhưng chỉ khác sẽ được di dời ra khỏi thành phố.

- Ông và ông Tuấn có trao đổi trực tiếp với nhau lần nào về vấn đề này không?

Tôi và anh Tuấn đều là chỗ quen biết và khá thân với nhau. Anh Tuấn có gọi điện trực tiếp cho tôi và chúng tôi rất vui vẻ tiếp thu ý kiến của nhau.

Xin cảm ơn ông!

Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định có quy mô 24,8ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng được thực hiện trong khoảng 5 năm. Trong đó, giai đoạn I (khoảng 2 năm) sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ khu công viên, bãi đỗ xe với tổng mức đầu tư dự kiến là 130,9 tỷ đồng.

Giai đoạn II, tiến hành di dời các Nhà máy Dệt, Dệt khăn với tổng diện tích 5,9ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở, 1 nhà văn hóa và trường học quy mô 27 lớp học với tổng mức đầu tư 130,1 tỷ đồng.

Giai đoạn III, di dời xong toàn bộ phần còn lại gồm Nhà máy May 4, Nhà máy Sợi, Nhà máy Chỉ khâu, Văn phòng Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) với tổng diện tích 10,5ha, tiến hành đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo thiết kế với tổng giá trị đầu tư dự kiến 151,9 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Dệt May Nam Định sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ Thành Nam theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn