Lo ngại tắc đường chỉ là cảm tính?
Trả lời trước báo giới, ông Lê Thành Vinh – Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội (Sở QHKTHN) đã khẳng định như vậy, rằng lo ngại về tắc đường, về gia tăng mật độ dân số xung quanh khu vực nhà ga Hà Nội nếu xây dựng hàng loạt công trình từ 40 đến 70 tầng chỉ là cảm tính.
Mà cảm tính thì thường không chắc chắn, không có cở sở. Vậy, xin hỏi ông Vinh, có chỗ nào ở nội đô Hà Nội tắc đường mà không có sự góp mặt của chung cư, nhà cao tầng?
Còn nữa, ông Vinh chắc chắn một điều rằng, Sở QHKT Hà Nội và đơn vị tư vấn quốc tế là công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ (NSC) của Nhật đã tính toán một cách cực kỳ khoa học tổng dân số ở khu vực này, và phần lớn số này là dân tái định cư tại chỗ.
Tất nhiên sẽ có quy hoạch, có di dời, đền bù nhưng chuyện đó hẵng chưa bàn đến, và đó cũng sẽ trở thành một vấn đề cực kỳ nổi cộm trong thời gian tới.
Nhưng hãy đặt ra một câu hỏi: Những người dân ở đây có đồng ý tái định cư hay không? Dù là tại chỗ? Nếu cộng cả mật độ dân số ở đây là những người di cư đến khi hàng loạt công trình từ 40 đến 70 tầng hoàn thành thì nơi đây sẽ ra sao?
Không cần đợi đến khi xây xong mấy toà nhà cao chót vót kia, hãy cứ nhìn hiện tại mỗi ngày ở bên ngoài nhà ga; nào là xe ôm đủ “hãng”, taxi… ra vào chen lấn nhau đã tắc đến nghẹt thở, thì đến khi hoàn thành mấy toà cao ốc kia, có khi không đi bộ nổi!
Tắc đường ở Hà Nội là nỗi lo sợ hàng ngày của người dân Thủ đô, từ lúc mở mắt ra đến lúc đi ngủ. Đó là sự ám ảnh đi theo bạn tới lúc lên giường. Nhiều khi lên giường rồi mà cứ ong ong trong đầu tiếng còi xe!
Phải thừa nhận rằng, ở Hà Nội không thể không tắc đường, và giải quyết tắc đường ở đây với cơ chế, quy hoạch của chúng ta như hiện tại thì đó là một nhiệm vụ bất khả thi.
Tại sao lại là nhiệm vụ bất khả thi? Bởi, với hơn 7 triệu người nhưng lại có đến hơn 6 triệu phương tiện giao thông cá nhân, sự yếu kém trong quản lý nhân khẩu lại càng làm gia tăng mật độ dân số và phương tiện giao thông.
Rồi quy hoạch chồng chéo, cái mới đè lên cái cũ chỉ mang tính chắp vá, thay vỏ mà ruột vẫn thế. Có thể nói, chúng ta có một phong cách quy hoạch bất quy hoạch.
Không chỉ vậy, với một loạt nhà cao tầng mà điển hình là các chung cư mọc lên như nấm, có thể nói là trên đại đa số các con phố của Thủ đô đều có nhà cao tầng, đều có chung cư. Đó là một trong những yếu tố góp phần vào nạn tắc đường ở Hà Nội.
Bởi, nếu con đường đó được xây dựng cho 100.000 người chẳng hạn, nhưng bây giờ phải gánh thêm gấp đôi, gấp năm, thậm chí 10 lần con số đó thì tắc là đương nhiên.
Cho đến nay, tắc đường là Hà Nội là tắc toàn diện, không chỉ riêng bốn quận nội đô mà còn cả vành đai 3 và 4.
Vậy nên, nếu nói lo ngại về tắc đường khi hoàn thành xây dựng tổ hợp công trình cao tầng ở khu vực nhà ga Hà Nội chỉ là cảm tính, thì có lẽ giám đốc Vinh hoàn toàn không có hiểu biết gì về thực trạng giao thông của Thủ đô hiện nay?.
Di dời ga Hà Nội: Miếng ngon cho đầu tư bất động sản
Ga Hà Nội không còn là một ga tàu thông thường mà còn mang ý nghĩa lịch sử, được xây dựng bởi người Pháp từ năm 1900, cho đến nay đã là 117 năm! Đây là nơi đã chứng kiến mọi thăng trầm của Thủ đô.
Đối với rất nhiều thế hệ người Việt Nam, ga Hà Nội đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô. Nhiều người dân cho đến nay vẫn gọi ga Hà Nội theo tên cũ: Ga Hàng Cỏ.
Nhiều người dân thắc mắc rằng, nếu di dời nhà ga đi nơi khác thì chỗ nhà ga hiện tại sẽ được sử dụng vào việc gì?
Theo quy hoạch thì khu vực ga Hà Nội sẽ được chia thành 9 phân vùng không gian chức năng. Trong đó, ở phía bắc sẽ là khu lập đất quy hoạch, thương mại quốc tế, lối sống mới từ 40-60 tầng. Khu tây nam sẽ là nơi tập trung của khu nghỉ dưỡng đô thị cao khoảng 40-60 tầng.
Còn khu ga đường sắt cao 40-70 tầng sẽ được đặt tại khu trung tâm, điểm nhấn của đồ án là các công trình cao tầng khác xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Khu vực ga Hà Nội còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường chính trong nội đô như Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.
Còn hiện nay, đó là miếng đất vàng, miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư bất động sản.
Theo ghi nhận của PV báo điện tử VTC News, tại khu vực Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng hay Khâm Thiên không có bất cứ khu vui chơi giải trí không gian mở nào cho người dân sống ở những tuyến phố này.
Video: Nhà 70 tầng se 'giết chết' quy hoạch
Nếu muốn đi mua sắm thì phải tới mấy trung tâm thương mại ở Phạm Ngọc Thạch hoặc xa hơn là ở Bà Triệu; hoặc tới một nơi thoáng đãng như công viên thì phải tới công viên Thống Nhất và chỉ đi được vào ban ngày, còn tối đến nơi đây đầy rẫy những tệ nạn.
Trả lời PV, bà Nguyễn Thuý Loan – 63 tuổi hiện đang sống tại số nhà 98 đường Lê Duẩn cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở đây, với bà nhà ga Hà Nội đã trở thành một phần trong cuộc đời. Đó là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của bà và gia đình.
Bà Loan cũng cho biết thêm, từ trước đến giờ chưa bao giờ đoạn đường Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo lại tắc như bây giờ. Cứ sáng và chiều tan tầm là cửa nhà ga lại chật kín grab, uber, taxi, người đưa người đón ra vào làm con đường này rất khó để lưu thông.
Cũng cùng quan điểm với bà Loan, anh Nguyễn Mạnh Cường – 42 tuổi, hiện đang sống ở số nhà 100 Lê Duẩn và kinh doanh, bày tỏ sự lo ngại nếu khu công trình cao tầng kia được hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng sự đi lại của người dân ở đây. Theo anh Cường, việc di dời ga Hà Nội là một đề xuất sai lầm, không mang tính thực tế.
Vậy thiết nghĩ, nếu di dời ga Hà Nội mà chắc chắn giải toả được ách tắc giao thông cho khu vực xung quanh thì đó là một đề xuất nên cân nhắc. Và việc sử dụng khu vực được di dời vào việc gì cũng phải xem xét kỹ càng và đặt lên hàng đầu nhu cầu của người dân trong khu vực này.
Đừng lấy lý do giải toả ách tắc để hợp pháp hoá một dự định phi lý, không hợp lòng dân.
Bình luận