• Zalo

Chặt hạ, di chuyển hơn 1.300 cây xanh: Hà Nội thông tin chính thức

Thời sựThứ Ba, 06/06/2017 15:28:00 +07:00Google News

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra.

Chiều 6/6, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin chính thức về việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.

Theo đó, để triển khai dự án, ngoài các công trình nhà, công trình hạ tầng dọc tuyến thì một số lượng cây xanh đáng kể cũng cần phải tính toán, xử lý, phục vụ công tác triển khai làm đường.

xa cu 2

 Để mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, UBND TP Hà Nội yêu cầu hoàn thành việc di chuyển, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh nằm trên đường Phạm Văn Đồng trước ngày 30/9. (Ảnh: Tùng Lâm)

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Hà Nội thống nhất thì phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1315 cây.

Trong đó, giữ nguyên vị trí 142 cây gồm xà cừ, phượng, dịch chuyển 158 cây gồm xà cừ, sấu, hoa sữa, phải giải tỏa, chặt hạ 1015 cây gồm xà cừ, bàng, cau vua.

Theo quy hoạch và hồ sơ thiết kế mở rộng đường Phạm Văn Đồng thì hàng cây cần di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao.

Quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn là Tổng công ty tư vấn giao thông vận tải TEDI (Bộ GTVT) đã thiết lập hồ sơ cây xanh, xây dựng tiêu chí đánh giá và lựa chọn theo phương án giữ lại, di chuyển hoặc chặt hạ đối với mỗi cây.

Theo Sở Xây dựng, ngày 15/5, đơn vị đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về phương án đánh chuyển, cắt tỉa, giải tỏa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Tham dự có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, Sở, ngành liên quan.

Sau cuộc họp, Sở đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hoàn thiện hồ sơ, phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường này, đồng thời, xác định các tiêu chí về giải tỏa, chuyển cây xanh...

"Như vậy, xin khẳng định, nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra", Sở nêu rõ.

Đồng thời, Sở cũng nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên hồ nước.

Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.

Đối với cây phải xử lý trong dự án này, TP giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ.

Video: Hà Nội thiếu cây xanh trầm trọng

Cùng với đó, trong dự án này, TP yêu cầu cao hơn về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, cây xanh được trồng mới trên tuyến phải tương đương hệ thống cây xanh đã trồng đường Võ Chí Công.

Theo quy hoạch, tầng cây cao tổng số 1547 cây gồm các loại như Giàng hương, bàng Đài Loan.Tầng cây bụi gồm 4649 cây các loại. Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu 60.772 m2.

Sở Xây dựng cũng nêu rõ, hiện TP đang tập trung trong việc trồng mới cây xanh, phấn đấu đến 2020 trồng mới 1 triệu cây canh và thực tế, trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm đã trồng gần 300.000 cây xanh, trong đó, có trên 35.000 cây có đường kính lớn...

"TP khẳng định không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ mà báo chí đã nêu", đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn