Trải nghiệm buýt sông
Buýt sông Sài Gòn (Water Bus) là trải nghiệm thú vị dành cho những người ở lại TP.HCM trong dịp lễ 2/9.
Giá vé buýt sông dao động từ 15.000 - 30.000 đồng, mỗi chuyến đi khứ hồi. Người dân có thể chọn điểm lên buýt sông ở bến Bạch Đằng (quận 1); bến Bình An, bến Hiệp Bình Chánh, bến Linh Đông (TP Thủ Đức); bến Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Đi xe buýt 2 tầng
Xe buýt 2 tầng là một sự lựa chọn thú vị trong dịp lễ 2/9. Xe buýt 2 tầng hoạt động từ 9h - 22h, mỗi chuyến cách nhau 30 phút với giá vé từ 50.000 - 150.000 đồng/người.
Chuyến xe sẽ đưa du khách đi qua nhiều điểm đến nổi tiếng của thành phố như Bưu điện trung tâm, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ…
Tham quan sở thú
Một địa điểm thú vị nằm ngay trung tâm TP.HCM mà du khách không thể bỏ qua đó là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đây là sở thú nổi tiếng nhất thành phố tọa lạc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Người dân có thể thoải mái dạo chơi, khám phá những cá thể động vật, thực vật độc đáo.
Vườn thú ở đây chia thành nhiều khu vực khác nhau như: thú ăn thịt, thú có vú, bò sát, động vật ăn cỏ, chim, thú nhỏ… Vào 15h mỗi ngày, ở khu thú ăn thịt còn có hoạt động trình diễn kỹ năng săn mồi hoang dã của các loài thú như sư tử, hổ trắng Bengal, hổ Đông Dương rất thú vị.
Giá vé vào Thảo Cầm Viên là 40.000 đồng/người dưới 1,3m và 60.000 đồng/người cao trên 1,3m. Thời gian mở cửa từ 7h – 18h30.
Vào dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập nằm ở số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM). Dinh thự này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Dinh Độc Lập được bắt đầu xây dựng vào thời Pháp thuộc. Ngày 23/2/1868, Thống đống Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn.
Đến năm 1962, một vụ đánh bom đã khiến phần chính cánh trái và cổng Dinh Độc Lập sập hoàn toàn. Vì không thể khôi phục lại, Ngô Đình Diệm đã quyết định san bằng, đồng thời cho xây dựng lại dinh thự ngay trên nền đất cũ.
Dinh mới cao 26 m, nằm trong khuôn viên 12 ha, có diện tích khoảng 4.500 m2. Trong đó, diện tích sử dụng lên tới 20.000 m2 với 3 tầng chính, 2 gác lửng, 2 tầng hầm, 1 sân thượng dùng để đỗ máy bay trực thăng. Toàn bộ dinh có khoảng hơn 100 phòng được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng.
Đến nay, dinh thự vẫn là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, khẳng định sự tài hoa, khéo léo của kiến trúc sư cũng như những người thợ xây dựng. Trải qua nhiều lần đổi tên, hiện nay khu di tích có tên gọi Dinh Độc Lập. Ý nghĩa của Dinh Độc Lập là mang sự tự hào về dân tộc, về một thời hào hùng chống thực dân và đế quốc xâm lược.
Giá vé tham quan khu di tích và khu trưng bày tại Dinh Độc Lập là 65.000 đồng/vé người lớn và 15.000 đồng/vé trẻ em. Thời gian bán vé từ 8h - 15h30.
Tham quan địa đạo Củ Chi
Nếu muốn đi ra ngoại thành để tận hưởng cảm giác bình yên thì du khách có thể đến địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km. Địa đạo được bảo tồn ở 2 điểm đó là địa đạo Bến Dược (ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) và địa đạo Bến Đình (ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi).
Nếu tham quan địa đạo Củ Chi, bạn chỉ tốn 35.000 đồng/người. Thời gian mở cửa của địa đạo là từ 7h – 17h.
Địa đạo Củ Chi là “kỳ quan” đánh giặc độc đáo, đáng tự hào của quân dân ta với 250 km đường hầm lan tỏa như mạng nhện trong lòng đất gồm: chiến hào, ổ chiến đấu, hầm ăn ngủ, khu hội họp, khu sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…
Khu hầm địa đạo Củ Chi là điểm tham quan chính của khu di tích này. Ở đây bạn sẽ có những trải nghiệm giống thời chiến tranh và khám phá mọi ngõ ngách của hệ thống đường hầm dài 120 m gồm 2 tầng. Đến địa đạo Củ Chi, bạn có thể thưởng thức những món ăn của người dân từng ăn dưới địa đạo như khoai, sắn, củ mài chấm muối vừng…
Như vậy, người dân muốn trải nghiệm tất cả các điểm đến nói trên tại TP.HCM trong dịp lễ 2/9 thì chỉ mất chưa tới 500.000 đồng.
Bình luận