Nếu Sears Holding thật sự phá sản, Dệt may Thành Công phải đối mặt với khoản phải thu khoảng 4 triệu USD (95 tỷ đồng), chiếm 3% tổng tài sản, không rõ có thể thu về được bao nhiêu. Khó khăn này liệu có ảnh hưởng đến cổ phiếu TCM? Đây cũng là điều khó đoán định.
Tại Hội thảo cơ hội đầu tư mới đây, ông Trần Như Tùng - Thành viên HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công - mã: TCM), cho biết công ty đang chờ phán quyết của tòa án Mỹ về đơn xin phá sản của Sears Holding từ cuối tháng 10/2018.
Tại thời điểm đó, Dệt may Thành công đã gặp không ít sóng gió khi giá cổ phiếu liên tiếp giảm trong nhiều phiên, khiến công ty phải làm việc cùng đơn vị kiểm toán để lên kế hoạch về khoản trích lập dự phòng nhằm ổn định tình hình công ty.
Có thể thu hồi 40-50% khoản nợ
Sears Holding phá sản sẽ kéo theo hai công ty con có giao dịch với Dệt may Thành Công là Roebuck và Kmart phải dừng hoạt động. Hiện hai đối tác này đang đóng góp khoảng 7% doanh thu hàng năm của công ty. Đơn cử năm 2017, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu 3.200 tỷ đồng thì hai công ty này chiếm khoảng 220 tỷ đồng.
Cũng theo ông Trần Như Tùng, do Dệt may Thành Công và Sears đã ký hợp đồng sản xuất vải để cắt may sản phẩm thời trang theo yêu cầu riêng nên nếu không thể tiếp tục bán hàng cho Sears thì cũng rất khó để thanh lý.
Đối với khoản phải thu 95 tỷ đồng nói trên, Dệt may Thành công đã đàm phán nhằm thay đổi phương thức thanh toán từ trả sau thành tín dụng thư đồng thời đã làm việc với các luật sư bên Mỹ để đứng ra làm việc với đối tác và toà án của Mỹ.
Theo kinh nghiệm của luật sư, với trường hợp của Dệt may Thành Công, có thể thu hồi được khoảng 40 – 50% số nợ nhưng khi nào thì vẫn chưa thể biết. Hiện, Dệt may Thành Công đã sắp xếp trích lập 80 tỷ đồng cho các khoản phải thu của Sears trong thời gian chờ phán quyết của tòa án Mỹ.
Theo thông tin mới nhất từ đại diện Dệt may Thành Công, Chủ tịch của Sears sẽ bỏ ra 5,2 tỷ USD mua lại công ty để tái cấu trúc. Với khả năng này, các chủ nợ có thể sẽ cho vay thêm tiền để Sears tiếp tục hoạt động và đến tháng 6 sẽ có kết quả phán quyết từ tòa án Mỹ.
Ông Tùng kỳ vọng, phần được trả lại sẽ được hoàn nhập ngay trong kết quả kinh doanh năm 2019.
Ở chiều ngược lại, nếu Sears tái cấu trúc không thành công và tòa án Mỹ quyết định tuyên Sears phá sản thì tài sản của Sears sẽ được tổng hợp lại để trả nợ lần lượt theo thứ tự.
Đầu tiên là các loại tiền cho người lao động của Sears, kế đến là thuế liên bang, sau đó mới trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và cuối cùng là ngân hàng.
Do đó, "số phận" khoản nợ của Dệt may Thành Công hoàn toàn phải chờ vào khả năng Sears có tái cấu trúc thành công hay không, ngay cả khi có thể đòi lại được 40-50% số tiền nợ thì thời gian chờ đợi sẽ là bao lâu?
Trong năm 2019, nhóm cổ phiếu ngành dệt may vẫn được các chuyên gia và các công ty chứng khoán đánh giá cao bởi được hưởng lợi từ các Hiệp định EVFTA và CPTPP chính thức có hiệu lực, trong đó không thể không nhắc đến TCM.
Hơn nữa, Dệt may Thành Công lại là doanh nghiệp đầu ngành và sở hữu lợi thế từ chuỗi sản xuất khép kín sợi – vải – may thành phẩm.
Theo CTCK Phú Hưng, khoản nợ 95 tỷ đồng chưa phải khoản nợ xấu bởi Sears vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm số lượng cửa hàng để giảm thiểu chi phí nên thiệt hại của Dệt may Thành Công sau sự cố này được cho là không lớn.
TCM vẫn là cổ phiếu tốt
Theo tư vấn của các luật sư, các đơn hàng giao trong vòng 20 ngày trước khi Sears nộp đơn phá sản và những đơn hàng chưa đến kho có khả năng thu hồi từ 75 đến 100%, còn những đơn hàng trước đó thì khả năng thu hồi 30-50%.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh năm 2018 của Dệt may Thành Công vẫn rất khả quan với doanh thu đạt 3.662 tỷ doanh thu, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 (sau khi đã trích lập dự phòng cho khoản phải thu tại Sears 78,9 tỷ đồng trong quý IV/2018).
Với nhiều lợi thế, Dệt may Thành Công tiếp tục công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 1/2019 với doanh thu thuần đạt 17,8 triệu USD (tương đương 406 tỷ đồng), tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1,1 triệu USD (25 tỷ đồng), tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TCM giao dịch khá tích cực khi tăng 50,3% từ mức giá 22.350 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm lên 33.600 đồng/cp như hiện tại. Do đó, những thông tin về Sears dường như chỉ mang tính ảnh hưởng nhất thời.
Tuy nhiên, dù chỉ là một khoản phải thu khó đòi nhưng nguy cơ mất trắng khoản nợ của Sears cũng rất có thể xảy ra và đây chính là rủi ro mà Dệt may Thành Công phải chịu trách nhiệm trước cổ đông.
Ngoài ra, Dệt may Thành Công cũng có một khoản phải thu gần 79,6 tỷ đồng với một công ty khác của Mỹ là Eddie Bauer LLC, trong khi đầu năm, khoản phải thu này chỉ ghi nhận 44,2 tỷ đồng.
Đây là một đối tác cần thận trọng sau Sears, bởi trong quá khứ, Eddie Bauer LLC đã từng đệ đơn phá sản và được mua lại bởi Golden Gate Capital. Những năm gần đây, Eddie Bauer LLC đã cố gắng bán công ty nhiều lần nhưng không thành công.
Hồi tháng 6/2018, Golden Gate đã kết hợp Eddie Bauer LLC và PacSun (một công ty khác cùng ngành) thành PSEB Group nhằm nỗ lực vực dậy cả hai công ty này.
Bình luận