Trả lời PV VTC News, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hành động quyết liệt chống “cướp vỉa hè” của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM là cần thiết.
Đại biểu Phạm Tất Thắng nói: "Tôi thấy vui mừng; với tư cách một công dân thấy có niềm tin ở đội ngũ công chức và cho rằng hành động của lãnh đạo UBND Quận 1, TP.HCM là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Câu chuyện quản lý trật tự đô thị ở Hà Nội, TP.HCM đã được nói đến nhiều. Đã có nhiều đợt ra quân với nhiều giải pháp khác nhau nhưng dường như việc lập lại trật tự quản lý đô thị không có hiệu quả.
Một bộ phận người dân, thậm chí một số cơ quan cũng chiếm dụng vỉa hè. Trong khi đó, đa số người dân lại không có vỉa hè để sử dụng với đúng chức năng.
Hành động quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM là việc làm cần thiết.
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Hành động quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM là việc làm cần thiết."
- Tuy nhiên, một số ý kiến cũng phản đối cách làm của Phó Chủ tịch UBND Quận 1 – Đoàn Ngọc Hải. Trong thời điểm hiện nay, cách làm quyết liệt của ông Hải như vừa qua liệu có thể chấp nhận được không, thưa ông?
Mỗi cách xử lý đều có yếu tố tích cực và cũng có những khó khăn hạn chế nhất định. Trong trường hợp này, ý kiến từ dư luận cũng có cơ sở. Vì chúng ta quản lý bằng luật pháp.
Để giải quyết một việc cụ thể thì cần có trình tự, thủ tục. Việc giải quyết ngay, quyết liệt này có thể cho kết quả ngay nhưng về mặt trình tự thủ tục thì cũng có thể chưa thật đúng quy định.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, để lập lại trật tự đô thị thì cần một “cú hích” cho dù có thể về mặt trình tự thủ tục chưa thật đúng như quy định.
Để việc một lãnh đạo Quận 1 phải trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý dọn dẹp vỉa hè thì phải chăng trước đây vấn đề quản lý đô thị ở địa phương có vấn đề, thưa ông?
Video: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói 'Hơn 150 quán bia vỉa hè có công an đứng sau'
- Để phải làm việc này thì phải chăng trước đây việc quản lý đô thị ở địa phương chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến có nhiều vi phạm?
Trong nhiều nguyên nhân thì có việc xuê xoa của những người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị. Vì vậy, người dân mới lấn chiếm vỉa hè như vậy.
Rõ ràng, từ trước đợt ra quân thì việc quản lý chưa hiệu quả, còn nhiều vi phạm nên việc cưỡng chế như ở Quận 1, TP.HCM cũng là việc làm không thể đừng được.
- Liệu có hiện tượng “bảo kê” cho một số đối tượng ngang nhiên cướp vỉa hè của người dân không, thưa ông?
Khái niệm “bảo kê” thì tôi cũng có nghe người dân phản ánh nhưng có vẻ cũng hơi nặng nhưng nếu nhận định như Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì chắc chắn là có
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Khái niệm “bảo kê” thì tôi cũng có nghe người dân phản ánh nhưng có vẻ cũng hơi nặng nhưng nếu nhận định như Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì chắc chắn là có.
Và tôi cho rằng cũng có hiện tượng xuê xoa, bao che và không xử lý cương quyết việc lấn chiếm vỉa hè.
Ở Hà Nội và TP.HCM, khi có lực lượng chức năng đến thì những người buôn bán trên vỉa hè thu dọn rất nhanh, trả lại vỉa hè thông thoáng. Nhưng lực lượng chức năng đi thì người dân lại lấn chiếm, bày bán trở lại.
Để xảy ra việc này thì tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Trước hết, việc kinh doanh trên vỉa hè là tập quán trong kinh doanh của cư dân đô thị của chúng ta bởi sự tiện lợi, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân.
Ngoài ra, cũng cần phải khẳng định có sự xuê xoa, bao che nào đấy. Vì vậy, người dân cũng không tôn trọng, không thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý, dẫn đến việc quản lý cũng không có hiệu quả.
- Như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương khi không xử lý dứt điểm, thưa ông?
Đúng như vậy. Nếu như các địa phương mà làm nghiêm ngay từ đầu như trường hợp ở Quận 1, TP.HCM vừa qua và làm thường xuyên, không có sự bao che, đứng sau thì chắc là không có hiện tượng lực lượng chức năng vừa đi thì người dân lại lấn chiếm trở lại ngay.
- Hiện nay, Hà Nội có nên học tập cách làm của TP.HCM khi trực tiếp lãnh đạo Quận xuống đường tham gia vào việc “đòi vỉa hè” cho người dân không, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc làm của lãnh đạo Quận 1, TP.HCM chỉ nên là việc làm mang tính chất “khởi động”. Để có sự huy động các lực lượng, tạo ra sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả thì sự xuất hiện của các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm là cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần trở lại câu chuyện về trình tự thủ tục trong xử lý một công việc và hiệu quả của công tác quản lý đô thị ở địa phương.
Nếu việc gì cũng phải huy động một lực lượng đông đảo, huy động các đồng chí lãnh đạo tương đối cao của địa phương ra để làm các việc rất cụ thể thì cũng cần phải xem lại.
Để cách làm này diễn ra thường xuyên thì là không nên nhưng nếu coi đó có tính chất khởi động để huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì là cần thiết.
- Ông có tin rằng việc dẹp loạn vỉa hè của Quận 1, TP.HCM sẽ tạo ra hiệu quả và trở thành cú hích cho cả nước?
Có hiệu quả thì chắc chắn rồi. Vì chúng ta có thể thấy được kết quả của việc làm này ở Quận 1, TP.HCM. Sự vào cuộc của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng trên địa bàn.
Việc làm của Quận 1 vừa qua có hiệu quả. Nhưng chúng ta nên coi việc làm ở Quận 1 là thí điểm. Từ đó, xem lại xem đâu là khó khăn, cản trở hay có sự không phù hợp trong quy định thì cần phải hoàn thiện hệ thống quy định cho phù hợp.
Tôi cho rằng cần phải đặt ra các quy định và phương thức quản lý để không có những vi phạm dẫn đến phải xử lý như vừa qua mới là việc quan trọng và cần làm.
- Giải bài toán mưu sinh của của hàng triệu người dân đang sinh sống nhờ vỉa hè ở các đô thị lớn như thế nào, thưa ông?
Đây là một bài toán lớn và chắc cũng khó. Trong đó, vấn đề mưu sinh của người dân lao động cũng cần được quan tâm xử lý.
Trong các đối tượng mưu sinh ngoài đường phố chúng ta cũng cần phải chia ra thành các nhóm rõ ràng.
Trước hết, đó là nhóm người dân có nhà cửa ở đó và người ta đang tận dụng vỉa hè trước cửa nhà để kinh doanh. Đối với nhóm này, chính quyền cần quy định cụ thể, có thể sử dụng vỉa hè đến mức độ nào. Chính quyền cần đưa ra quy chuẩn để người dân làm theo. Nếu vi phạm thì sẽ có quy định để xử lý.
Một nhóm khác là những người dân ngoại tỉnh, bán hàng rong ở vỉa hè, lòng đường các đô thị như ở Hà Nội, TP.HCM. Việc làm này gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Đối với những người trong nhóm này, chính quyền cần tổ chức các điểm kinh doanh thương mại tập trung (chợ), vận động, tạo cơ chế hỗ trợ để đưa những người dân này vào đó.
Chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ, tuyên truyền dần để người dân ủng hộ.
Vấn đề này cần được chính quyền các cấp xử lý bài bản và đồng bộ, cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý, nhân văn theo đúng quy định. Đó cũng là việc không dễ dàng.
Video: Hãy trả lại vỉa hè cho chị Điệp
- Liệu có đặt vấn đề cho thuê vỉa hè để kinh doanh mang tiền thuế về cho ngân sách nhà nước?
Tôi nghĩ là vấn đề này nên đặt ra. Chính quyền địa phương cần đặt ra quy định. Khi đã có quy định rồi thì sẽ có tính chất bắt buộc để người dân thực hiện.
Quy định này cũng sẽ tạo ra sự công bằng trong cách xử lý.
Nếu người dân được sử dụng vỉa hè để kinh doanh, người dân có lợi ích từ việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh thì phải có trách nhiệm đối với xã hội bằng việc đóng góp thuế, phí sử dụng vỉa hè.
Như vậy, điều này sẽ tạo ra sự công bằng giữa những người được sử dụng và không được sử dụng. Khi người dân nào sử dụng vỉa hè để kinh doanh thì phải có sự đóng góp lại cho xã hội.
Tôi nghĩ, nếu các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM thực hiện được điều này triệt để thì sẽ tạo ra một nguồn thu chắc cũng không nhỏ cho ngân sách.
Tuy nhiên, vấn đề này phải đặt chung trong bài toán quản lý đô thị. Chúng ta cần phải có giải pháp đồng bộ, tính toán đến tất cả yếu tố tác động.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận