Xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, mận Mai Sơn - đặc sản Sơn La - được rao bán với giá 450.000 đồng/túi 30kg. Theo lời giới thiệu, năm nay do thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt nên mận quả to, mẫu mã đẹp, vị chua nhẹ, đặc biệt rất róc hạt.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình “Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021”.
Chương trình đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Sơn La với Cục Xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử Shopee và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart), nhằm hỗ trợ người dân tỉnh Sơn La đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, sản phẩm mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee từ ngày 28/5.
Tỉnh Sơn La hiện có 19.000 ha xoài, sản lượng năm nay ước đạt 65.000 tấn. Trong đó, có 1.600 ha được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, mận Tà Lọng (Mộc Châu) có giá 150.000 đồng/túi 10kg.
Ngoài mận hậu, một đặc sản Sơn La khác là xoài tượng Yên Châu cũng được bán trên Postmart. Theo đó, xoài tượng Yên Châu được bán với giá 525.000/ đồng túi 30kg.
Xoài Yên Châu là một trong những giống xoài đầu tiên của tỉnh Sơn La được xuất khấu sang thị trường châu Âu với quy định hết sức khắt khe, nghiêm ngặt. Xoài Yên Châu cũng được xuất khẩu sang Anh, Australia và Trung Quốc.
Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Hiện xoài Sơn La có giá xuất khẩu khoảng 7.000 đồng/kg; xoài mua xô và chế biến khoảng 5.000 đồng/kg là hoàn toàn trên giá đầu vào của sản xuất.
UBND tỉnh bằng mọi giải pháp và phương pháp đã có sẽ đảm bảo cố gắng tiêu thụ sản phẩm nông sản để hiện tượng “giải cứu nông sản” không tái diễn xảy ra.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho trái xoài, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến… góp phần tăng giá trị cho sản phẩm xoài địa phương.
Trước xoài và mận Sơn La, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử Lazada từ ngày 14/5. Mỗi ngày Lazada tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn vải thiều. Tính đến nay, hơn 3 tấn vải được tiêu thụ, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngày 24/5, vải thiều Hải Dương tiếp tục được bán trên các sàn thương mại điện tử Sendo và sau 3 ngày, Sendo đã bán được 14 tấn vải, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là bán 12 tấn vải trong 4 ngày.
Năm 2020, mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng Hải Dương đã có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn; trong đó, 23.000 tấn vải sớm và khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu. Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỉ đồng, tăng 445 tỉ đồng so với năm 2019.
Không chỉ vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang cũng sẽ có trên kệ hàng online của một số sàn thương mại điện tử trong nước và sàn quốc tế như Alibaba, Amazon.
Tất cả các sản phẩm vải thiều lên sàn thương mại điện tử đều được dán tem truy xuất nguồn gốc của Cục Xúc tiến thương mại.
“Cục Xúc tiến thương mại phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ truy vết và triệu hồi sản phẩm khi có yêu cầu. Truy xuất nguồn gốc hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất và chế biến” – ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - thông tin.
Bình luận