• Zalo

Đêm trắng điều khiển 'rồng lửa' tiêu diệt pháo đài bay

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 09/12/2012 06:33:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đến cự ly 26km, chúng tôi phóng 2 tên lửa, bám sát tự động, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 22, hai quả đều nổ tung.

(VTC News) - Đến cự ly 26km, chúng tôi phóng 2 tên lửa, bám sát tự động, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 22, hai quả đều nổ tung.


Kỳ 2: Bắn hạ tại chỗ “pháo đài bay”

Cũng cần nhắc lại một chút về tương quan lực lượng của ta và địch trong thời khắc cả thế giới nín thở theo dõi.

Phía địch có 193 máy bay oanh tạc chiến lược, bố trí trên các sân bay ở Guam, Nhật Bản, Thái Lan với 250 tổ lái; 50 máy bay tiếp dầu KC135 tại Philippines; 5 tàu sân bay hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ; số máy bay chiến thuật trên các sân bay Nam Việt Nam và Thái Lan đủ để huy động đến 1000 lần trong một ngày đêm.

Trước khi lên B-52 tiến hành dã tâm đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, giặc lái Mỹ được các “quan thầy” động viên bằng sự tự tin tuyệt đối đến ngông cuồng, ngạo mạn:

Đại tá Đinh Thế Văn với cuộc sống thường nhật 
“Các anh chỉ việc lên B-52, ngủ một giấc, đến Hà Nội cắt bom xong thì trở về sân bay ăn mừng chiến thắng, chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh. Đánh Hà Nội dễ như đi du ngoạn”.

Trong khi đó, lực lượng tên lửa phòng không của chúng ta đang bị căng ra các chiến trường. Đến thời điểm trước ngày 18/12/1972, tại Hà Nội chỉ có vẻn vẹn hai trung đoàn tên lửa là Trung đoàn 257 và Trung đoàn 261.

Mang trọng trách cực kỳ nặng nề, hành trang của các chiến sĩ phòng không tên lửa là lòng quyết tâm bảo vệ Trung ương, nơi đó có Bác Hồ đang yên nghỉ.

Ghi theo hồi ức của nhân chứng lịch sử Đinh Thế Văn:

Ngày 18/12: Đúng 16h30, nhận được thông báo của Tham mưu trưởng sư đoàn 361 Nguyễn Đình Sơn cho trung đoàn và các tiểu đoàn: “Sẽ có một đợt hoạt động của B-52 ra miền Bắc”.

Nhận được thông báo, tiểu đoàn khẩn trương báo cáo lên trung đoàn: “Tiểu đoàn 77 đã chuẩn bị đầy đủ theo lệnh của trung đoàn. Khí tài, bệ, đạn dược hoàn toàn tốt”.

Tuy nhiên, bản thân tôi (Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn) vẫn có cảm giác bồn chồn, lo lắng mà tôi thể không trao đổi với ai. Không ai lo lắng vì sự ác liệt, chỉ lo rằng mình có hoàn thành nhiệm vụ được không?

Chúng tôi đang trong tâm trạng chờ đợi, vì trên màn hiện sóng vi-cô chưa có gì. Chỉ nghe tiếng máy chạy âm âm và tiếng quạt gió để bớt nỗi ngột ngạt. Tôi đang như một thí sinh đã vào phòng thi ngồi chờ nhận đề thi.

Đúng 18h50, lệnh từ Sở Chỉ huy trung đoàn: “Các tiểu đoàn vào cấp một”. Tiểu đoàn 77 sau mấy phút mở máy và kiểm tra chức năng, báo cáo: “Cấp một xong. Khí tài hoàn toàn tốt, chuẩn bị 6 tên lửa”.

Tên lửa SAM 2 trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972. Ảnh tư liệu 
Tiểu đoàn mở máy thu nhiễu, các màn hiện sóng nhiễu trắng xóa. Thông tin với trung đoàn nghe rất nhỏ, có lúc không nghe thấy gì. Chỉ có mạng FA của sư đoàn còn nghe được.

Sư đoàn thông báo: “Nhiều tốp B-52 đang bay vào Hà Nội. Các đơn vị chú ý: Tên lửa tập trung đánh B-52, cao xạ đánh máy bay F, chú ý nhiễu B-52 giả”.

Khi B-52 chưa vào, máy bay chiến thuật quần đảo, kể cả F111. Chúng đánh lung tung, bom nổ khắp nơi, bom F111 rải nổ cứ như của B-52 làm cho ta phân tán sự tập trung nghiên cứu B-52.

Chúng tôi vẫn nghiên cứu giải nhiễu và cố gắng phát hiện bằng được giải nhiễu mịn của B-52. Bên tai, lời nhắc nhở “cẩn thận giải nhiễu B-52 giả” vẫn như văng vẳng. Liên tục phát sóng nhưng không thấy mục tiêu, trong đầu tôi cũng nảy sinh mối nghi ngờ: “Có B-52 hay không?”.

Đúng 19h42, Trung đoàn thông báo: “Có 3 tốp B-52: 566, 567, 569 bay vào Hà Nội. Tiểu đoàn 77, 78 tập trung đánh các tốp ấy”. Cả Tiểu đoàn 77 căng thẳng nghiên cứu nhiễu, xác định mục tiêu, nhưng không bắn được, vì cự ly cách xa 60- 70km và tham số lớn.

Trung đoàn lại thông báo: “Lúc 20h00, tiểu đoàn 78 đã đánh tốp 566, 567, 569 nhưng không rơi, tuy nhiên gần cuối phát hiện được tín hiệu B-52”.

Thật là một tin vui, giúp chúng tôi bớt được sự nghi ngờ về nhiễu B-52 giả. Chắc chắn chúng tôi sẽ được đánh địch. Đúng là trong chiến đấu, trong giây phút cam go, tập trung cao độ, chỉ một chút thông tin có ích cũng rất quý. Mặt nước đang phẳng lặng, chỉ cần chiếc lá rơi đã rung động.

Chúng tôi vẫn tập trung nghiên cứu nhiễu B-52, bộ mặt của nhiễu B-52 bây giờ đã quen rồi. Tuy nhiên chưa tìm được giải nhiễu có tham số tốt.

Bỗng trắc thủ TZK báo cáo: “Có máy bay cháy to lắm, tên lửa phía trước bắn rơi rồi”. Chúng tôi đoán đấy là tên lửa của Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261, nằm phía trước chúng tôi) bắn hạ.

Đến 23h13 trên mới thông báo, Tiểu đoàn 59 đã hạ được một B-52 tại chỗ. Việc Tiểu đoàn 59 bắn rơi B-52 là một biểu hiện cho thấy thời cơ sắp đến với chúng tôi. Tôi nghĩ như vậy nhưng không dám nói cho anh em.

Thật vậy, đến 23h09 tiểu đoàn nghiên cứu giải nhiễu B-52 có tham số nhỏ. Trung đoàn cho phép bắn. Chúng tôi theo dõi cự ly đến 35km, phát sóng thấy mục tiêu hiện càng ngày càng rõ.

Khi B-52 đến cự ly 33km, chúng tôi phóng hai tên lửa đón đầu ở cự ly 32km theo phương pháp đón nửa góc. Đạn điều khiển tốt, cả 3 màn đều cho bám sát tự động, gặp mục tiêu ở cự ly 23km, cả 2 tên lửa đều nổ tung.

Bên ngoài trắc thủ TZK báo cáo như reo: “Mục tiêu cháy rồi. Cháy to lắm”. Trên màn hiện sóng, trắc thủ góc tà báo cáo: “Mục tiêu hạ thấp độ cao, nhiễu giảm nhiều và tản ra”.

Tôi vui mừng quá, không nói được gì. Cả trận địa cùng reo hò sung sướng. Cấp trên thông báo: “B-52 rơi ở xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây”. Đây là chiếc B-52 thứ hai bị vít cổ xuống đất tại bầu trời Hà Nội.

Khoảng 24h, tình hình bên ngoài bớt căng thẳng hơn. Sở Chỉ huy trung đoàn cho tiểu đoàn tạm nghỉ, chỉ để đài một trực. Tiểu đoàn tập trung rút kinh nghiệm. Tôi nêu ý kiến: “Làm sao để nghiên cứu giải nhiễu chỉ hai lần là tối đa thì chúng ta đã có thể đánh được một trận.

Vì vậy, thời gian xem xét giải nhiễu để có quyết định cần tập trung nghiên cứu không quá 3-5 giây. Có như vậy chúng ta mới tăng được số trận đánh lên, mới tiêu diệt được nhiều máy bay địch”.
Trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 77. Ảnh tư liệu 
Anh em có nhiều ý kiến, nhưng tập trung lại là cần phải phát huy hết trí lực, nhanh chóng nhận biết B-52 để tác chiến, không phải cứ giải nhiễu nào cũng nghiên cứu thì thời cơ sẽ bị lỡ mất.

Ngày 19/12/1972: Đúng 4h00, Trung đoàn lại báo động, có đợt đánh mới. Lần này, theo phân tích của anh em trong tiểu đoàn, có lẽ địch sẽ thay đổi hướng đánh, vì khi đánh hướng Tây Bắc xuống ta đã hạ tại chỗ được hai máy bay rồi. Không dám chủ quan nữa, chúng có thể đánh thăm dò ở hướng khác với lực lượng nhỏ.

Đến 4h36, lệnh từ Trung đoàn: “Tiểu đoàn 77 đánh tốp B52, ở phương vị 197”. Thế là dự đoán đúng rồi. Chúng tôi nghiên cứu nhiễu, phát hiện đúng B-52 thật. Đợi nó đến cự ly 32km, chúng tôi phát sóng và bắt được mục tiêu.

Đến cự ly 26km, chúng tôi phóng 2 tên lửa, bám sát tự động, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 22, hai quả đều nổ tung. Trắc thủ TZK báo cáo: “Mục tiêu bốc cháy”. Trắc thủ góc tà báo cáo: “Mục tiêu hạ thấp độ cao”. Trắc thủ phương vị báo cáo: “Giải nhiễu mờ dần”.

Đúng là biểu hiện máy bay rơi, nhưng lần này nó không rơi trên đất.

Sau này chúng tôi mới biết rằng: Có một B-52 bị tên lửa bắn hỏng 4 động cơ, kíp bay một số bị chết, tên lửa nổ phá cả khoang chứa bom, khiến thân máy bay bị phá một khoảng trống có thể nhìn rất rõ bên ngoài.

Nhưng máy bay vẫn lết về đến Utapo (Thái Lan) với 4 động cơ một bên. Máy bay phải bay nghiêng nên khi hạ cánh đã gãy một bên cánh. Các xe cấp cứu kịp chạy ra cứu số kíp lái còn lại.

Tên chỉ huy của chiếc B-52 chết hụt ấy được khen và được gắn huân chương bởi lòng dũng cảm.

Trong đêm 18 rạng ngày 19/12, Tiểu đoàn 77 đánh tổng cộng 4 trận, phóng 8 quả tên lửa, bắn rơi một máy bay tại chỗ. Cả tiểu đoàn trải qua một đêm với tâm trạng hân hoan khó tả vì chiến công đầu.

Nhưng tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn vẫn băn khoăn lo nghĩ, bởi đơn vị phóng đến 8 quả tên lửa mà mới hạ tại chỗ được một máy bay địch. Như vậy là hiệu quả chưa cao.

“Đến bữa cơm, anh nuôi mang ra, tuy miệng nhai mà cứ như muốn ngừng lại. Chỉ mong nghĩ được sáng kiến gì thật kỳ diệu để bảo đảm đánh chắc chắn ở đêm mai”- người lính già đầu bạc hồi tưởng.

Còn tiếp…

Lê Quân

Bình luận
vtcnews.vn