Chia sẻ tại Toạ đàm "Đại cách mạng nhà ở xã hội", Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam (thuộc Tập đoàn APEC) Nguyễn Quang Huy cho biết, hiện nay nhà ở thương mại dư thừa, nhà ở cho người thu nhập thấp lại thiếu trầm trọng.
Tác động của đại dịch COVID-19 khiến vấn đề nhà ở xã hội càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hàng triệu người lao động di cư ngược từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM quay trở về quê hương, là một vấn đề mà toàn xã hội cần chung tay giải quyết.
“Chúng tôi gọi tên thương hiệu là Happy City - Đô thị hạnh phúc. Sản phẩm đáp ứng 5 tiêu chí: Chất lượng, thẩm mỹ, tiện ích, sinh thái, thông minh. Giá bán tại Hà Nội, TP.HCM từ 13 - 18 triệu/m2, tỉnh thành khác 8 - 14 triệu/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.
Nguồn vốn thực hiện dự án ban đầu sẽ huy động cổ đông xã hội là APEC Group, IDJ, API, APS... Công ty có trách nhiệm đầu tư 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao, cung cấp cho 40 triệu dân trong giai đoạn 2021 - 2030, tiên phong cùng Đảng, Nhà nước làm cuộc đại cách mạng nhà ở xã hội.
Chia sẻ thêm về đề xuất này, Chủ tịch APEC Group Nguyễn Đỗ Lăng cũng cho rằng, hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung sản phẩm ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao. Vì vậy, cần phải có cuộc “đại cách mạng” cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó mục tiêu của APEC Group giai đoạn 2021 – 2030 sẽ đầu tư, phát triển từ 6 - 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn 5 sao nhằm đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, đặc biệt là những người thu nhập thấp.
“Mục tiêu hoạt động kinh doanh của chúng tôi là hướng về cộng đồng và tuân thủ theo quy định của Nhà nước về lợi nhuận kinh doanh nhà ở xã hội không vượt quá 10%.
Sở dĩ chúng tôi tự tin làm được điều này vì APEC Group đã thành lập một Tổng công ty với vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ tổ chức ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, đối tác, nguồn lực của xã hội với quy mô từ 50.000 - 100.000 tỷ đồng, sẽ tăng lên phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư”, ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ.
Bình luận về đề xuất này, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, đây là một đề án mạnh dạn và mang tính chất đột phá.
“Cách đây 1 tháng chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với Bộ Xây dựng, đã phân tích, mổ xẻ và phát hiện ra những vấn đề chưa ổn trong các phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.
APEC đã nhìn rõ đối tượng khách hàng tiềm năng của mình trong loại hình nhà ở xã hội. Đó là những người có thu nhập trung bình thấp, công nhân, người dân vùng nông thôn và vùng núi. Đây là 3 đối tượng quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, trong 10 năm qua, chúng ta đặt tham vọng xây dựng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội nhưng thực tế chỉ xây được 17,6 triệu m2, tức là 78%. Tuy nhiên, số lượng căn nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh.
Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua bị đổ vỡ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp chưa rõ ràng khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai dự án. Thứ hai là vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Thứ ba là quỹ đất, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là do các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
“Một số công trình dự án chất lượng thấp được triển khai trong nhiều năm qua đã dẫn đến cái nhìn về hình ảnh nhà ở xã hội bị ảnh hưởng, rằng đó là nhà ở thấp cấp, xập xệ. Chủ đầu tư thấy bỏ ra nhiều tiền nhưng không thu được gì nên cũng “né”. Vì vậy thời gian tới, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá", ông Lực nhấn mạnh
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng đồng tình, những quy định hiện nay liên quan đến nhà ở xã hội đang có rất nhiều vấn đề, nút thắt. Tập đoàn APEC đã có một cách tiếp cận rất mới, rất khác về nhà ở xã hội mà 10 năm qua, với những tư duy cũ, cách tiếp cận cũ, chúng ta đã thất bại.
“Đây là một cách tiếp cận mới với thị trường nhà ở. Trước tiên thể hiện ở vấn đề tiện ích, ít tiền hơn nhưng vẫn được hưởng các tiện ích như những khu cao cấp mà chỉ có người có nhiều tiền mới mua được. Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta đang mong muốn giảm giá nhà cho người dân, làm sao để giá rẻ nhất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất. Bởi hiện tại, muốn có một nơi ở chất lượng, người dân Việt Nam đang phải trả từ 40 triệu đồng trở lên cho 1 m2. Còn rẻ hơn thì không thể có chất lượng đó.
Chúng ta phải nhìn nhận lại khái niệm về nhà ở xã hội. Không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, “của rẻ là của ôi”. Cách tiếp cận của APEC rất toàn diện, từ thiết kế, thi công đến các module. Và đặc biệt, ở góc độ kinh tế, việc triển khai quy mô lớn, nhân rộng mô hình ắt sẽ giảm được chi phí và giá thành”, TS, Vũ Đình Ánh đánh giá.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đặt ra vấn đề trong thời gian qua, những dự án nhà ở xã hội hiện hữu do nhiều doanh nghiệp triển khai đã không đến được đúng đối tượng, mà lại về tay người giàu, “những người đi ô tô” đến mua.
Chính vì thế, TS. Vũ Đình Ánh gợi mở, với mô hình tạm gọi là nhà ở xã hội tiện ích 5 sao và rẻ như APEC Group đề ra, cần phải đặt ra việc làm thế nào để hạn chế và ngăn chặn được câu chuyện này. Bởi vừa rẻ, vừa chất lượng như chung cư cao cấp thì ai cũng muốn mua. Những người có tiền lại càng muốn đầu cơ.
Về vấn đề quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, ông Ánh cho rằng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quỹ đất phát triển nhà ở xã hội buộc phải ra xa hơn so với trung tâm để tạo thành những đại đô thị lớn do quỹ đất trong nội đô đã cạn kiệt. Còn các đô thị nhỏ, hiện tại vẫn là thời cơ tốt để sử dụng những quỹ đất còn nhiều trong khu vực trung tâm để dành cho phát triển nhà ở giá thấp này.
"Quy định quỹ đất 20% nhà ở xã hội thời gian qua cũng có vô vàn bất cập dẫn đến không sử dụng được quỹ đất này phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư thường chọn cách nộp tiền cho xong nhưng số tiền đó cũng chưa được dùng để xây nhà ở xã hội một cách thực chất.
Do chênh lệch lợi ích lớn, đồng thời, việc xen kẽ khu cao cấp với khu bình dân dẫn đến chênh lệch về mức sống. Có những tiện ích được hưởng miễn phí nhưng có những tiện ích, dịch vụ cao cấp phải trả tiền, người thu nhập thấp không thể đáp ứng. Chính vì thế, chủ đầu tư không muốn làm. Do đó, tôi kiến nghị nên bỏ quy định này", TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Bình luận