Bản Đề cương về văn hoá ra đời cách đây tròn 80 năm (1943-2023) với ba nguyên tắc cơ bản là “Dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá”. Cho đến nay, những định hướng lớn ấy vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hoá, văn nghệ.
Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra vào sáng 27/2, trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và trực tuyến tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các đại biểu đã cùng thảo luận, nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị văn kiện này, vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương với bài tham luận Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hoá ở Việt Nam nhấn mạnh: "Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị, như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị.
Ba luận điểm làm rõ “thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa” được trình bày ngắn gọn, cô đúc trong Đề cương, có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động; không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945 mà còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.
Đề cương đã nêu lên hai "ức thuyết": một là, "nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn, thấp kém", và hai là, "văn hóa Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới". Từ hai "ức thuyết" đó, Đề cương dự báo: "Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực". Đến nay, "ức thuyết" trên đã trở thành hiện thực trong gần 80 năm qua.
Dự báo thứ hai còn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn, đó là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng: "Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội". Năm 1945, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc. Năm 1975, chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1991, khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã đứng vững. Cuối thế kỷ XX, chúng ta đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo nàn, kém phát triển và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Như vậy, có nghĩa là, về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song trên thực tiễn, đến nay, còn rất nhiều vấn đề lớn lao và hệ trọng trong bản thân sự phát triển của đất nước đang đặt ra gay gắt, trong đó, vấn đề văn hóa với ý nghĩa là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, là sự xây đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người, là cuộc đấu tranh bền bỉ chống cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, sự tha hóa,... đã và đang nổi lên như một thách thức dai dẳng nhất, và phía trước, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, có sức thuyết phục đối với những thách thức đó.
Điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm "phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được công cuộc cải tạo xã hội" chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Tiếp tục, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày tham luận "Phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ" khẳng định: Ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.
Đề cương sau khi nêu nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" đều giải nghĩa nội dung đấu tranh với mọi biểu hiện phản dân tộc, phản đại chúng và phản khoa học. Chữ "hóa" có nội dung rộng hơn, bao hàm cả "xây" và "chống", nhưng việc giải nghĩa cho các nhiệm vụ "chống" có ý nghĩa như chỉ ra công việc cấp bách lúc bấy giờ của văn hóa, nghệ thuật. Chỉ có chống lại các chính sách văn hóa phản động của Pháp, Nhật - những kẻ vừa thống trị về chính trị, vừa áp bức về xã hội, vừa nô dịch về văn hóa - thì mới xóa bỏ được lực cản lớn nhất, cơ bản nhất để mở đường cho cách mạng văn hóa, làm cho nền văn hóa mới nảy nở và phát triển... Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trước đó ẩn dật, nương náu trong "tháp ngà nghệ thuật" từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc và nhân dân.
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho rằng, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, của thực tiễn cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; là một văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; là ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia, phụng sự sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. 80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử; nhưng Đề cương về văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng.
Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Trình bày tham luận "Vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa- con người Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhấn mạnh thực hiện theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân. "Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi – đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Việt Nam, Doanh nghiệp sáng tạo TiredCity; TS Bùi Nguyên Bảo, Tiến sĩ ngoại giao văn hóa - điều phối...
Bình luận