Ngành Dược Việt Nam đang đối mặt với những làn sóng phản đối từ các chuyên gia, nhà khoa học, người bệnh khi liên tiếp xảy ra những bất cập trong quản lý chất lượng thuốc và giá bán.
Cần có những giải pháp cụ thể nào để đưa ngành Dược đi đúng và đảm bảo vai trò đồng hành cùng người bệnh? Có nên tách Dược ra khỏi ngành Y? Phóng viên báo điện tử VTC News đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Tuấn, chuyên gia nghiên cứu y tế và phát triển cộng đồng.
Phải tuân thủ cơ chế thị trường
- Là một người làm trong ngành y tế, xin ông cho biết thực trạng quản lý dược trên thế giới và Việt Nam hiện nay?
Quản lý Dược tại Việt Nam từ rất lâu đã được nằm trong ngành Y, từ thời trước khi đổi mới. Việc thực hiện rất tốt, người dân phân biệt cả thuốc độc bảng A, B; vấn đề làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người dân nhất nhất theo quy định của Bộ Y tế.
Phải nói rằng, việc chăm sóc sức khỏe người dân thời đó rất khó khăn do thiếu thốn về kinh tế, song chất lượng và hiệu quả của ngành Y tế Việt Nam đứng top đầu trong các nước đang phát triển.
Video: Việt Nam chi hàng tỷ USD mỗi năm cho nhập khẩu thuốc
Hiện nay, việc quản lý thuốc chúng ta nên xem xét ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, bản thân khoa học quản lý của thế giới làm thế nào, và chúng ta đều biết là họ đã đi trước ta rất xa về hệ thống quản lý.
Thứ hai là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình để vận dụng.
Thứ ba, thuốc là loại hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thuốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chỉ định đánh giá cho đúng, và việc đánh giá đó phụ thuộc vào chuyên môn của ngành Y.
Ba vấn đề đó, mỗi nước có mỗi một cách giải quyết khác nhau, nhưng có một nền tảng chung cho tất cả các nước là hướng theo nền kinh tế thị trường và chịu sự cạnh tranh toàn cầu.
Thông lệ của các nước về cơ bản cũng là không khác nhau, bởi nếu khác nhau sẽ không thể toàn cầu hóa được.
Tại Việt Nam hiện nay, tại sao vấn đề thuốc lại được quan tâm nhiều như thế?.
Rõ ràng trong thời gian vừa qua, vấn đề quản lý thuốc về giá cả, chất lượng; khả năng tiếp cận của người dân có đúng thuốc, đúng người…, tất cả những vấn đề này đều rất bất cập.
- Vấn đề quản lý thuốc đang xảy ra nhiều bất cập, tiêu cực và ý kiến trái chiều, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Chất lượng thuốc, giá cả, quá trình kiểm soát đều không đáp ứng được yêu cầu đặt ra dẫn đến những nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đồng thời làm tăng chi phí không đáng có dẫn đến bức xúc trong dư luận.
Chúng ta coi thường tiếng nói của người dân
- Vậy, cần có những giải pháp nào để bình ổn giá thuốc khi mà có quá nhiều bất cập như hiện nay?
Việt Nam lại đi ngược lại, không làm theo hướng đó mà có một sự áp chế, coi thường tiếng nói của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm bệnh nhân.
TS.Trần Tuấn
Cần chú trọng vào bộ khung pháp lý và việc tổ chức thực hiện với sự giám sát, đánh giá công minh của mọi người trước pháp luật, đây là căn nguyên bình ổn, tạo khách quan trong cạnh tranh công bằng.
Muốn tạo được môi trường công bằng cần trả lại tiếng nói cho các bên có lợi ích bị động chạm được quyền thể hiện và luật pháp phải chú ý đến tiếng nói của họ.
Một số nước trên thế giới, việc tôn trọng của lợi ích của các nhóm doanh nghiệp, người sử dụng, bác sĩ, nhà quản lý, các tổ chức phi lợi nhuận đều công bằng từ đó mới tạo sự cân bằng lợi ích các bên trên cơ sở bàn bạc, cân đối và quy định của pháp luật.
Việt Nam lại đi ngược lại, không làm theo hướng đó mà có một sự áp chế, coi thường tiếng nói của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm bệnh nhân. Sự chênh lệch giá thuốc, những bất cập... người dân nào cũng biết nhưng tiếng nói người dân không được coi trọng mới dẫn đến hậu quả như hiện nay.
Do vậy, cần đặt mục tiêu minh bạch thông tin và cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan đến vấn đề thuốc và sử dụng thuốc lên bàn chính sách. Chính sách đưa ra phải hài hòa, cân đối, không được thiên về một bên nào.
- Nhắc đến câu chuyện lợi ích, theo ông, lợi ích trong quản lý Dược thuộc về ai?
Doanh nghiệp sẽ là người được hưởng lợi ích đầu tiên, trong đó có cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trong các doanh nghiệp thuốc đó, phần lớn sẽ thuộc về các bên quốc tế, bởi vì năng lực thị trường thuốc Việt Nam về cơ bản yếu và chưa cạnh tranh được với bên ngoài.
Lợi ích thứ hai là khi giá thuốc cao mang lại, và lợi nhuận sẽ được chia cho các bên liên quan trong quá trình duy trì thuốc đó trên thị trường. (Việc so sánh giá thuốc mức trung bình trong khu vực với giá thuốc đó tại thị trường Việt Nam là khoảng lợi nhuận).
- Có ý kiến đề xuất việc tách bạch quản lý Dược ra khỏi ngành Y tế. Theo ông, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trước những bất cập và tiêu cực về quản lý Dược, việc cải tổ ngành Dược giai đoạn hiện nay là hoàn toàn đúng. Cải tổ theo hướng cần làm rõ trách nhiệm của người quản lý hệ thống thuốc.
Trách nhiệm họ mang là vô cùng quan trọng và phải tuân thủ theo đúng những gì đã cam kết. Nói cách khác, cần tạo ra một khung pháp lý thưởng phạt công minh, giám sát, đánh giá các tiêu chuẩn của bộ phận này.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại toàn bộ hệ thống đang có, hiểu hết cấu trúc chức năng của hệ thống này. Quản lý theo đúng nguyên tắc, khung pháp luật và dưới luật đã hoàn thiện chưa.
Tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ phải minh bạch, phải giám sát đánh giá việc thực thi của họ, sau cùng mới đánh giá khen thưởng, kỉ luật. Nếu không làm tốt được vấn đề này thì có tách hay nằm trong Bộ Y tế thì sẽ vẫn không giải quyết được.
- Một số ý kiến cho rằng, "Y – Dược phân ly" sẽ giúp hiệu quả chữa bệnh sẽ cao hơn, giảm tình trạng bác sĩ nhận hoa hồng từ hãng dược, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Vấn đề này tôi cho là không đúng.
Bác sĩ hiện nay là đối tượng để các doanh nghiệp dược, nhà thuốc nhắm vào, làm sao cho bác sĩ chú ý tới lựa chọn loại thuốc của họ để kê đơn.
Với nghề này, trước một bệnh cơ bản, bác sĩ có nhiều lựa chọn. Mỗi người, mỗi loại bệnh và trong điều kiện thực tế có thể dùng thuốc khác nhau, trong một bệnh thuốc điều trị có nhiều loại.
Do đó, bác sĩ có quyền lực trong việc chọn loại thuốc nào để điều trị. Nắm được điều này, ngành Dược sử dụng nhiều cách chèo kéo để bác sĩ lựa chọn sản phẩm của mình.
Do đó, để tránh tình trạng lợi nhuận và hoa hồng, cần minh bạch thông tin về thuốc và Bộ Y tế cần lập ra bộ phận thông tin công minh để cập nhật thường xuyên sản phẩm thuốc.
Qua đó, bác sĩ có thể tin được và sử dụng sản phẩm thuốc. Đồng thời, trả lại chức năng cho các hội chuyên ngành để thực hiện giám sát các bác sĩ thực hành, đưa ra các so sánh cập nhật thông tin, giám định, giám sát, đánh giá.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận