• Zalo

Đề xuất mô hình ‘thành phố trong thành phố’

Thời sựThứ Ba, 30/09/2014 04:28:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chiều 30/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều nội dung quan trọng.

(VTC News) – Chiều 30/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều nội dung quan trọng.

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Nội vụ - Nguyễn Thái Bình cho biết về tên gọi ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’ thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Hiến pháp năm 2013 có quy định: ‘‘thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương’’.

Hiện nay, còn có ý kiến khác nhau về xác định tên gọi của ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’, có ý kiến đề nghị tên gọi là ‘‘thành phố’’ thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến khác đề nghị tên gọi là ‘‘Khu đô thị’’ hoặc ‘‘Khu phố’’.
Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 4 thành phố cửa ngõ 
Từ những ý kiến nêu trên, Chính phủ xây dựng 2 phương án: Phương án 1: Quy định ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’ là ‘‘thành phố’’.

Phương án 2: Dự án Luật chưa quy định tên gọi của ‘‘đơn vị hành chính tương đương’’, khi UBND Thành phố trực thuộc Trung ương có đề nghị, Chính phủ sẽ trình Quốc hội (hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội) quy định tên gọi cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho  rằng tên gọi ‘‘thành phố’’ (thành phố trong thành phố) nêu trên chưa có trong tiền lệ ở nước ta.

Việc đề xuất tên gọi này là căn cứ vào Đề án chính quyền đô thị của TP.HCM đã trình Bộ Chính trị tại Phiên họp ngày 28/3/2014.

Theo Đề án này thì 4 khu vực (cửa ngõ) TP.HCM đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng vẫn chưa đô thị hóa 100% như quận. Vì vậy, kiến nghị cho thành lập 4 thành phố Đông – Tây – Nam – Bắc (trên cơ sở 6 quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân; 2 huyện Nhà Bè, Hóc Môn và một phần quận 8, một phần huyện Bình Chánh).

Theo đó, mô hình tổ chức và hoạt động của 4 thành phố này cơ bản như thành phố thuộc tỉnh (do chưa đô thị hóa 100% nên vẫn được phân chia thành phường, xã).

Thành phố này chỉ khác thành phố thuộc tỉnh về mức độ đô thị hóa, tập trung dân cư và có sự đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng đô thị (các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập thành phố này sẽ được quy định cao hơn so với thành phố thuộc tỉnh). Theo đó, Chính phủ đề nghị thực hiện phương án 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý  (Ảnh: TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội – Phan Trung Lý cho biết dự thảo Luật đã nêu lại việc phân định đơn vị hành chính như Hiến pháp quy định.

Riêng đối với “đơn vị hành chính tương đương” quận, huyện, thị xã thì dự thảo Luật trình 2 phương án: phương án 1 xác định “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương là “thành phố”. Thành phố này được chia thành “phường và xã”.

Phương án 2 xác định “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương chia thành “phường và xã” nhưng chưa quy định tên gọi của đơn vị này mà do UBND thành phố trực thuộc trung ương đề nghị Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Ông Lý cũng cho biết nhiều ý kiến Ủy ban pháp luật cho rằng, nếu gọi là “thành phố” như phương án 1 sẽ tạo ra “thành phố trong thành phố”, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu thiếu thống nhất trong thực tiễn.

Tuy nhiên, nếu Luật này không quy định tên gọi của “đơn vị hành chính tương đương” mà giao Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định như phương án 2 thì sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp.

Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban pháp luật tán thành với việc trước mắt trình 2 phương án như dự thảo Luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đồng tình với phương án 1, ông Nguyễn Kim Khoa (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội) cho rằng đây là một vấn đề mới nhưng nếu chúng ta không đưa ra và không gọi tên trong luật này thì Quốc hội cũng không có căn cứ để quyết định.

“Theo tôi, cách đặt vấn đề “thành phố trong thành phố” chấp nhận được và không có gì phức tạp”, ông Khoa nêu quan điểm.

Cũng góp ý về điều này, ông Nguyễn Văn Phúc  (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đề nghị định danh đơn vị hành chính tương đương là “thành phố hoặc khu đô thị”.

“Tại sao chúng ta đặt thành phố trong tỉnh thì được mà không đặt “thành phố trong thành phố?”, ông Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề.

Vị đại biểu này cũng lấy ví dụ thành phố Tokyo cũng có mô hình thành phố trong thành phố. Vì vậy, ông Phúc cho rằng không nên vì câu chữ mà hạn chế sự phát triển của các đơn vị hành chính này.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn